“Chậu cây nhà hàng xóm rơi từ ban công lầu 2 xuống, ngay lúc vợ tôi đi ngang qua làm cô ấy bị thương và xe bị hư hỏng nặng nhưng chủ nhà không chịu bồi thường vì cho rằng đây là lý do bất khả kháng. Cho hỏi như vậy có đúng quy định không?” – một thắc mắc từ một tài khoản danluat.
Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật dân sự 2015 thì sự kiện bất khả kháng là một sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, cụ thể:
- Xảy ra khách quan: Sự kiện này xảy ra hoàn toàn nằm ngoài phạm vi kiểm soát của con người, ví dụ: thiên tai, động đất hay sóng thần
- Không thể lường trước được: Sự kiện phải nằm ngoài khả năng dự đoán của các bên
- Không thể khắc phục được: Có nghĩa là hậu quả xảy ra do sự kiện bất khả kháng là không thể khắc phục được dù đã cố gắng dùng mọi biện pháp
Xét trong tình huống trên, việc chủ nhà cho rằng chậu cây rới từ tầng 2 là sự kiện bất khả kháng để không phải bồi thường là không phù hợp với quy định pháp luật, vì:
- Thứ nhất, đây không phải là việc nằm ngoài tầm kiểm soát và dự đoán của con người, việc để chậu cây ở một vị trí cao thì hoàn toàn có thể dự báo được những trường hợp có thể xảy ra để chậu cây không rơi xuống và gây nguy hiểm cho người khác (ví dụ: dùng biện pháp buộc chậu cây chặt hơn, cố định hơn…)
- Thứ hai, chủ nhà đã không áp dụng hết các biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép để ngăn ngừa chậu cây rơi xuống để xảy ra hậu quả.
Do đó, căn cứ tại khoản 3 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại”; vì vậy, chủ nhà phải bồi thường cho người bị thương và phần tài sản bị hư hỏng như sau:
*Về phần người bị thương: Bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị (theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015)
*Về phần tài sản hư hỏng: Chi phí hợp lý đối với tài sản bị hư hỏng và khắc phục thiệt hại; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút (theo quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự 2015)
Cập nhật bởi pigreen ngày 25/03/2020 03:50:32 CH