Cha mẹ nuôi có được hưởng thừa kế nếu con nuôi mất?

Chủ đề   RSS   
  • #609184 09/03/2024

    gryffin

    Chồi

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:07/03/2024
    Tổng số bài viết (92)
    Số điểm: 1498
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 35 lần


    Cha mẹ nuôi có được hưởng thừa kế nếu con nuôi mất?

    “Công sinh thành không bằng công dưỡng dục”. Vậy nếu con nuôi mất, cha mẹ nuôi có được hưởng thừa kế? 

    1. Mối quan hệ giữa con nuôi và cha mẹ nuôi

    Từ lâu, việc nhận con nuôi tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi tiến triển hơn để phù hợp với đời sống văn minh hiện tại. Việc xác lập quan hệ giữa con nuôi và cha mẹ nuôi có thể được thực hiện theo những cách thức khác nhau, tùy theo sự lựa chọn của cá nhân trong những điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Nhưng để quan hệ nuôi con nuôi được đảm bảo bởi pháp luật thì người nhận con nuôi phải làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    Căn cứ khoản 1 Điều 14 Luật nuôi con nuôi năm 2010, để nhận con nuôi, cha mẹ nuôi cần đạt những điều kiện sau:

    - Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

    - Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

    - Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

    - Có tư cách đạo đức tốt.

    - Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng hai điều kiện cuối;

    - Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi thì ngoài các điều kiện nêu trên, người đó còn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú.

    Căn cứ Điều 8 Luật nuôi con nuôi năm 2010, bản thân người được nhận làm con nuôi cũng phải đáp ứng những quy định sau:

    - Trẻ em dưới 16 tuổi

    - Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    - Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

    - Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

    - Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

    - Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.

    Như vậy, để đảm bảo quyền lợi của cha, mẹ nuôi và con nuôi theo đúng quy định pháp luật, thì cha, mẹ phải làm đăng kí thủ tục nhận con nuôi tại các cơ quan có thẩm quyền.

    2. Cha mẹ nuôi có được hưởng thừa kế nếu con nuôi mất?

    Căn cứ Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015, đã nêu rõ: Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.

    Theo quy định này, con nuôi và cha mẹ nuôi hoàn toàn được quyền hưởng di sản thừa kế của nhau.

    Nếu ta căn cứ theo những quy định của pháp luật hiện hành, một người được nhận thừa kế thông qua hai hình thức là theo di chúc và theo thừa kế.

    Đối với trường hợp: hưởng di sản thừa kế theo pháp luật

    Căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, những người thừa kế theo pháp luật gồm các hàng thừa kế sau đây:

    - Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

    - Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết…

    - Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết...

    Có thể thấy, nếu di sản được chia theo pháp luật thì cha nuôi, mẹ nuôi là một trong những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người có di sản.

    Do đó, nếu không thuộc các trường hợp không được hưởng thừa kế theo pháp luật như bị truất quyền thừa kế, từ chối nhận di sản thừa kế, người không được quyền hưởng di sản… thì cha, mẹ nuôi hoàn toàn được quyền hưởng di sản thừa kế con nuôi.

    Đối với trường hợp: hưởng thừa kế theo di chúc

    Căn cứ Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định:

    - Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết

    Do đó, người để lại di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định phần di sản cho từng người thừa kế…

    Đồng thời, căn cứ vào điều 630 Bộ luật dân sự 2015, người lập di chúc đảm bảo được tính hợp pháp của di chúc như trong khi lập di chúc, người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. 

    Từ đó, ta có thể khẳng định, trong trường hợp con nuôi để lại di sản của mình cho cha, mẹ nuôi trong di chúc hợp pháp thì cha, mẹ nuôi hoàn toàn được toàn quyền hưởng thừa kế.

     
    761 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn gryffin vì bài viết hữu ích
    admin (11/04/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận