Cảnh sát giao thông có được quyền khám xét người không?

Chủ đề   RSS   
  • #609082 06/03/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 28612
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 605 lần
    SMod

    Cảnh sát giao thông có được quyền khám xét người không?

    CSGT có được quyền khám xét người không? CSGT được kiểm tra những nội dung gì? Người dân có được yêu cầu CSGT cho xem chuyên đề không? Nội dung sau đây sẽ giải đáp các thắc mắc trên.

    (1) Cảnh sát giao thông có được quyền khám xét người không?

    Căn cứ theo Khoản 5 Điều 18 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về việc tiến hành kiểm soát thì khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã dừng vào vị trí theo hướng dẫn, thì người CSGT đứng ở vị trí an toàn, phù hợp và thực hiện:

    “Khi có căn cứ cho rằng trong người tham gia giao thông, phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật, phương tiện, tài liệu được sử dụng để vi phạm hành chính thì được khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.”

    Như vậy, chỉ khi có đầy đủ căn cứ chứng minh người điều khiển phương tiện có cất giấu tang vật, phương tiện, tài liệu để vi phạm hành chính thì CSGT mới được quyền khám xét người của người điều khiển phương tiện.

    (2) Cảnh sát giao thông được kiểm tra những nội dung gì?

    Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA, CSGT được phép kiểm tra các loại giấy tờ sau đây khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giao thông: 

    - Đối với người điều khiển phương tiện: 

    + Giấy phép lái xe 

    + Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ

    + Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng

    - Đối với phương tiện giao thông: 

    + Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực 

    + Giấy đăng ký xe kèm bản gốc 

    + Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong trường hợp tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe) 

    + Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

    + Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định) Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    Ngoài ra, CSGT còn có quyền kiểm tra các nội dung khác như: 

    - Kiểm soát điều kiện tham gia giao thông: Kiểm tra từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, bao gồm: Hình dáng, kích thước, màu sơn, biển số xe. Điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện. 

    - Kiểm soát việc chấp hành luật an toàn vận tải đường bộ: Kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa, số người chở, các biện pháp bảo đảm an toàn.

    Như vậy, trong thẩm quyền của mình, CSGT có quyền được kiểm tra các giấy tờ có liên quan đến người, phương tiện giao thông, điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông, việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vận tải đường bộ và các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

    (3) Có được yêu cầu CSGT cho xem chuyên đề không?

    Theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 Thông tư 32/2023/TT-BCA về xây dựng, ban hành và triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát như sau: 

    - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an ban hành kế hoạch hoặc trực tiếp ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc.

    - Đối với địa bàn cấp Tỉnh sẽ do Giám đốc Công an cấp tỉnh ban hành.

    - Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện ban hành kế hoạch trong phạm vi tuyến, địa bàn được phân công theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư 32/2023/TT-BCA.

    - Đội trưởng các Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát cho các Tổ Cảnh sát giao thông trực thuộc (theo mẫu quy định của Bộ Công an).

    Theo đó, các tổ viên trước khi thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát sẽ được các Tổ trưởng Tổ cảnh sát giao thông phổ biến, quán triệt về nội dung kế hoạch tuần tra, kiểm soát và những nội dung khác có liên quan.

    Tuy nhiên, tại Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA cũng quy định một số nội dung công khai của Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát,...

    Qua những quy định nêu trên, có thể thấy tuy người điều khiển phương tiện không thể yêu cầu CSGT cho xem trực tiếp chuyên đề nhưng vẫn có thể xem được các nội dung công khai trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông như tên đơn vị hay các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát,... trên các hình thức như:

    - Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an.

    - Công báo

    - Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an.

    - Các phương tiện thông tin đại chúng.

    - Cuối cùng là thông qua việc tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí; hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

    Tổng kết lại, chỉ khi có đầy đủ căn cứ chứng minh người điều khiển phương tiện có cất giấu tang vật, phương tiện, tài liệu để vi phạm hành chính thì CSGT mới được quyền khám xét người của người điều khiển phương tiện.  Đồng thời, CSGT có quyền được kiểm tra các giấy tờ có liên quan đến người, phương tiện giao thông,... Cuối cùng, việc yêu cầu cho xem trực tiếp chuyên đề của người tham gia giao thông là không hợp lệ. Pháp luật chỉ quy định cho người tham gia giao thông được quyền tiếp cận với các nội dung công khai trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

     
    857 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn phucpham2205 vì bài viết hữu ích
    admin (08/04/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận