Cảnh giác: SMS giả mạo ngân hàng chiếm đoạt tài sản khách hàng

Chủ đề   RSS   
  • #601648 04/04/2023

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1693 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Cảnh giác: SMS giả mạo ngân hàng chiếm đoạt tài sản khách hàng

    Vừa qua, thủ đoạn giả mạo các ngân hàng gửi tin nhắn đến khách hàng nhận được nhiều phàn nàn, có trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, chiêu trò này không phải là mới, chúng đã xuất hiện từ năm 2021 nhưng ngày càng nhiều chiêu trò hơn làm khách hàng dễ dàng mắc lừa.

    Cụ thể, chúng gửi tin nhắn có nội dung “Ứng dụng VCB Digibank của bạn được phát hiện kích hoạt trên thiết bị lạ", đi kèm đường link yêu cầu đăng nhập để đổi thiết bị hoặc hủy.

    Vì lo lắng cho số tiền lớn trong tài khoản, nhiều khách hàng nóng vội bấm vào đường link để kiểm tra. Bởi những đường link này có tên miền hao hao với website chính thức gây nhầm lẫn cho người dùng.

    Ví dụ: Các tên miền lừa đảo này thường có dạng "tênngânhàng.vn-a.top", trong đó "vn-a.top" mới là tên miền chính. Trong khi, website chính thức của ngân hàng là “tennganhang.vn”. 

    Theo đó người dùng chỉ để ý đến phần “tennganhang.vn” lầm tưởng là website chính thức, trong khi đó chỉ là tên miền phụ, mà tên miền chính này là "vn-a.top".

    Trên là chiêu trò thường thấy nhất đối với thủ đoạn này, ngoài ra còn có lừa đảo qua tin nhắn như sau “ Tài khoản của bạn đã đăng ký chương trình quảng cáo trên TikTok, mỗi tháng thu phí 3.250.000 VND", sau đó đề nghị bấm vào đường link vào để kiểm tra hoặc để hủy dịch vụ.

    Những đối tượng này đánh vào tâm lý của người dùng khi không muốn mất tiền oan, theo đó sẽ không cảnh giác mà làm theo các đề nghị đó, truy cập vào đường link lừa đảo và nhập thông tin, sau đó họ sẽ bị mất thông tin tài khoản, mật khẩu, mất tiền và có thể lộ nhiều dữ liệu khác như số điện thoại, vị trí, IP.

    Xem thêm bài viết liên quan: Cảnh báo: Giả mạo tin nhắn ngân hàng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

    Xử lý hành vi vi phạm giả mạo ngân hàng chiếm đoạt tài sản

    Theo quy định của pháp luật hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của cá nhân, tổ chức khác, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Điểm d, Khoản 3, Điều 99, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

    Ngoài ra, Hành vi này còn được căn cứ theo Điều 289 Bộ luật Hình sự 2015 hướng dẫn bởi Nghị quyết 08/2021/NQ-UBTVQH15 quy định:

    Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển;

    Can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử;

    Lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

    Đặc biệt, trong một số trường hợp được quy định tại Khoản 2,3,4 Điều này hình phạt cao nhất có thể phạt tiền lên đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù 12 năm; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.

    Theo đó, Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 cũng có quy định về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, quy định:

    Những trường hợp người sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây thì mức phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù (ngoại trừ các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này):

    - Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

    - Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

    - Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

    - Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

    - Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Truy cứu TNHS

    Theo đó, nghiêm trọng hơn, hành vi này có thể bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

    Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp luật định tại khoản 1 Điều 174 BLHS 2015, thì tùy mức độ sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    Mức phạt cao nhất cho tội này có thể phạt tù lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

     
    649 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    danusa (25/04/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận