Vừa qua, trên các trang báo điện tử đưa tin về thủ đoạn mới của các nhóm lừa đảo chốt số trứng 100% để bán cho người dân. Số được cam kết trúng 100% nếu không sẽ hoàn tiền và nhiều người cả tin đã sập bẫy.
Hiện trạng
Cụ thể, thông qua công tác điều tra của Cơ quan Công an đã phát hiện hàng chục nghìn tài khoản Facebook liên tục đăng tải các bài quảng cáo dịch vụ cung cấp kết quả xổ số ''chuẩn 100%''.
Theo đó, lần theo dấu vết của các tài khoản mạng xã hội, các trinh sát đã tìm ra 4 căn hộ chung cư, nơi 12 đối tượng lừa đảo thuê làm địa điểm đặt gần 170 bộ máy tính chạy liên tục 24/24h để phát tán các bài quảng cáo có nội dung lừa đảo.
Tại cơ quan công an, được biết đối tượng chủ mưu khai nhận đã lừa đảo hàng nghìn người ở nhiều địa phương với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Thủ đoạn của các đối tượng là 'chụp ảnh kết quả xổ số của ngày hôm trước rồi dùng phần mềm chỉnh sửa ngày giờ cho sát với giờ quay số hàng ngày, sau đó liên tục đăng lên các trang mạng xã hội để tạo được lòng tin cho các bị hại. Khi mọi người chuyển tiền mua số sẽ cắt đứt liên lạc.
Trong băng nhóm lừa đảo này có tới hơn 110.000 thành viên. Với đủ chiêu thức quảng cáo, mời chào nhưng các dòng trạng thái đăng tải trên các hội nhóm này đều có một điểm chung đó là khẳng định có khả năng soi cầu, có chân trong hội đồng chốt số, cam kết bạch thủ lô đề trước giờ mở quay thưởng.
Nhằm chiếm được lòng tin của người bị hại, các đối tượng đã đăng tải hình ảnh chụp màn hình, thời gian cho số và hình kết quả sau khi mở thưởng để người xem dễ dàng nhận thấy sự trùng khớp.
Vậy hành vi quảng cáo, rao bán kết quả xổ số trước giờ mở thưởng sẽ bị xử lý như thế nào?
Hành vi đăng tải thông tin liên quan tới hoạt động lô đề, cờ bạc cũng như hành vi cho số, bán kết quả xổ số trước giờ mở thưởng đều bị coi là phạm pháp.
Theo đó, người thực hiện hành vi này trên không gian mạng sẽ bị coi là vi phạm Luật An ninh mạng Điều 18 về Phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, còn bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, cụ thể:
Truy cứu TNHS tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo đó, căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a, c Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về mức phạt cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể:
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2-50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
Mức phạt cao nhất của tội này có thể bị phạt tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác bị xử phạt hành chính như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;
- Công nhiên chiếm đoạt tài sản;
- Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
- Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;
- Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Mức phạt cao nhất cho Hành vi này có thể đến 05 triệu đồng.
Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
- Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.
Biện pháp khắc phục hậu quả đối với tội này là:
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;
- Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép;
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.