Các giao dịch tiền mặt cuối năm thường tăng lên chóng mặt vì vậy nguy cơ gặp phải tiền giả cũng từ đó mà gia tăng không kém. Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện một số loại tiền polymer giả với nhiều mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng và 50.000 đồng. Nhiều đối tượng thậm chí còn rao bán công khai trên không gian mạng, đây là hành vi hết sức nguy hiểm.
Những hành vi này đã gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Vậy mức phạt dành cho hành vi làm tiền giả là gì? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Tiền giả là gì?
Theo Điều 17 Luật Ngân hàng nhà Nước Việt Nam 2010 quy định:
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo đó, tiền giả là loại tiền không do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành.
Các hành vi như làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả;... bị pháp luật nghiêm cấm (Điều 23 Luật Ngân hàng nhà Nước Việt Nam 2010).
Hành vi phạm tội làm tiền giả
Hiện nay, tiền polymer được làm giả và xuất hiện trên thị trường với nhiều mệnh giá. Cụ thể: mệnh giá 500.000 đồng (seri FV, MF, XR, BF, BH, MA, XZ, XJ, HO, UE); 200.000 đồng (seri OC, QR, SX, KJ, TL, VY); 100.000 đồng (seri IB, XF) và 50.000 đồng (seri SR) có đặc điểm nhận biết: Nền giấy ni lông phủ trên bề mặt dễ bai giãn, lớp mực in dễ bị bong tróc.
Những loại tiền giả này cũng khá tinh vi, tuy nhiên về mặt sắc nét, với mắt thường ta cũng có thể phân biệt được nếu nắm rõ những thông tin sau:
Loại tiền giả này có hình ảnh, hoa văn không sắc nét; hình định vị không khớp khít; mực đổi màu (OVI) được in giả cùng hình ảnh hoa văn mặt trước, không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật; mảng ký tự siêu nhỏ là dải mực nhòe; cửa sổ lớn, cửa sổ nhỏ có định dạng không rõ ràng, không cân đối.
Các cửa sổ được làm giả bằng cách khoét thủng nền giấy, dán ni lông khu vực cửa sổ, phủ lớp nilon mỏng trên toàn bộ hai mặt tờ tiền hoặc chỉ phủ lớp nilon mỏng ở mặt trước tờ tiền; khi soi dưới đèn cực tím, khu vực cửa sổ phát quang, seri dọc và seri ngang không phát quang.
Ngoài ra, các loại tiền này chưa làm giả được các yếu tố bảo an như tiền thật vì thế khi sử dụng người dùng cần cẩn thận và hết sức lưu ý để không mắc phải tiền giả.
Quy định về Tội làm tiền giả
- Đối với tội làm tiền giả được thể hiện qua các hành vi in, vẽ, photo hoặc bằng các hình thức khác để tạo ra các đối tượng này giống như tiền thật, ngân phiếu thật, công trái thật nhằm làm cho người khác tưởng thật.
- Đối với tội tàng trữ tiền giả. Được thể hiện qua hành vi cất giữ các đối tượng này (một cách trái pháp luật) dưới bất kỳ hình thức nào.
- Đối với tội vận chuyển tiền giả. Được thể hiện qua hành vi đưa đối tượng này từ nơi này đến nơi khác bằng mọi phương thức (đường sông, đường bộ, đường không…) với mọi phương tiện (như tàu, xe, máy bay…).
- Đối với tội lưu hành tiền giả. Được thể hiện qua hành vi đưa tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả vào sử dụng để thanh toán, trao đổi…(như dùng tiền để mua hàng hóa…).
Mục đích của các hành vi trên là nhằm để thu lợi bất chính.
Căn cứ theo Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả quy định như sau:
- Đối với các đối tượng chuẩn bị phạm tội này, pháp luật quy định bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01-03 năm.
- Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 - 07 năm.
- Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
- Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.