Kính chào tất cả quý vị thành viên Dân Luật,
Nhân dịp còn hơn chục ngày nữa là đến ngày Pháp luật Việt Nam 09/11, thay vì phổ cập kiến thức cho quý thành viên và các bạn khác về hệ thống pháp luật nước nhà, thì Shin tôi đây xin bộc bạch những nỗi niềm của mình…
Cứ ngỡ rằng, càng đọc nhiều văn bản pháp luật thì trí tuệ sẽ càng tinh thông, càng giỏi ra, ai hỏi gì cũng biết, nhưng càng đọc nhiều, trao đổi nhiều càng thấy rối rắm, hoang mang.
Nên Shin muốn giải bày tâm sự của mình bằng điệp khúc Hoang mang:
Hoang mang 1:
Lâu nay cứ ngỡ rằng, văn bản quy định chi tiết là văn bản hướng dẫn, nhưng sau một hồi xem bình luận và trao đổi với một số thành viên Dân Luật thì mới phát hiện hai khái niệm này bị nhập nhằng với nhau.
“Đâu phải lúc nào văn bản quy phạm pháp luật đựơc ban hành nhằm giải thích, hướng dẫn, diễn giải cho văn bản có giá trị pháp lý cao hơn một bậc thì đó đều là văn bản quy định chi tiết đâu.” @@
Do vậy mà việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Khoản 4 Điều 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 mới đầu tưởng là dễ nhưng sau lại rất khó.
Hoang mang 2:
Cũng cái chuyện xác định thời điểm hết hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật tại Khoản 4 Điều 154 nêu trên mà “đẻ” ra hàng trăm thứ rắc rối, điển hình như:
1- Cứ không thể xác định được nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết trong trường hợp có sự nhập nhằng giữa nội dung còn hiệu lực, hết hiệu lực thì cứ cho nó hết hiệu lực toàn bộ? (Điểm b, c Khoản 2 Điều 38 Nghị định 34/2016/NĐ-CP) Mà câu chuyện xác định hiệu lực này do ai làm? Người làm luật hay người thực thi áp dụng?
2- Thời điểm xác định văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực là thời điểm nào? Từ ngày 01/7/2016 (ngày Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có hiệu lực) hay là một ngày khác?
Ví dụ:
Luật A có văn bản quy định chi tiết B
Luật C thay thế Luật A từ ngày 01/01/2016
Như vậy, văn bản quy định chi tiết B sẽ hết hiệu lực từ 01/01/2016 hay từ 01/7/2016?...
Hoang mang 3:
Đi học luôn nghe thầy cô ra rả nhưng câu kiểu như “Hiến pháp là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao nhất, sau đó đến Luật, Bộ Luật, Nghị định, Thông tư…cuối cùng là những văn bản do HĐND, UBND ban hành” thứ tự giá trị pháp lý được xếp từ cao xuống thấp y như Điều 4 Luật ban hành VBQPPL 2015, nhưng có một bạn thành viên Dân Luật bảo là không?
Thực tế hiểu là vậy, nhưng không được viết ra như vậy? Vậy viết kiểu nào cho đúng?
Rồi thêm một trường hợp cũng các bác Dân Luật tranh cãi nhau, đó là xung đột nội dung khi áp dụng văn bản pháp luật cùng cấp, nếu có thì ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành. Vấn đề này thầy cô ở các trường luật luôn nhai đi nhai lại với chúng ta.
Nhưng quả thật, thực tế, khi đem vấn đề ra trước Tòa án hay Trọng tài, chúng ta không thể nói rằng, căn cứ vào lời thầy cô giảng được mà phải căn cứ vào Luật A hay Nghị định B, Thông tư C gì đấy. Nhưng vấn đề này lại không được quy định trong Luật ban hành VBQPPL và cả Nghị định 34.
Hoang mang 4:
“Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND, cơ quan, tổ chức khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh” quy định tại Khoản 3 Điều 7 Luật đầu tư 2014 có hiệu lực từ 01/7/2015. Thế nhưng đến 01/7/2016 thì mới được phanh phui câu chuyện “Giấy phép con” được quy định tại Thông tư của các Bộ.
Như vậy, kể từ thời điểm Luật đầu tư 2014 có hiệu lực thì đồng nghĩa với việc các Thông tư quy định về điều kiện kinh doanh cũng bị vô hiệu. Đến nay chỉ có khoảng hơn 50 Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thay thế một số các Thông tư, còn những trường hợp điều kiện kinh doanh quy định tại các Thông tư trước kia, nay chưa có Nghị định quy định thì áp dụng vào đâu?
Hoang mang 5:
Tại Luật doanh nghiệp trước kia và cả bây giờ luôn có điều khoản ràng buộc không cho các cán bộ, công chức, viên chức…không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp và ngay cả Luật phòng chống tham nhũng 2005 hiện đang được áp dụng cũng quy định trường hợp này, mở rộng ra thêm đối với vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột…trong một số trường hợp.
Nhưng chỉ là một số trường hợp thôi, còn những trường hợp còn lại thì sao, đơn cử như:
Anh A là Phó Chủ tịch UBND huyện X, lẽ dĩ nhiên anh này không được phép thành lập và quản lý công ty, nhưng anh này cho con của mình là anh B đứng ra thành lập, quản lý công ty M trong huyện đó. Khỏi phải nói, mặc dù anh B là người đứng đầu công ty đấy, nhưng ai cũng biết rằng anh A là “sân sau” của công ty này, mọi thứ từ việc xin giấy phép đến kinh doanh…của công ty đấy sẽ thuận lợi hơn nhiều với công ty khác.
Vậy thì việc cấm cán bộ, công chức, viên chức…không được thành lập, quản lý doanh nghiệp tại Luật doanh nghiệp và Luật phòng chống tham nhũng có bị xem là nửa vời, chưa triệt để không?
Chân thành cám ơn các bạn đã lắng nghe điệp khúc Hoang mang của mình, và bây giờ xin nhường lại cho các quý thành viên Dân Luật để viết tiếp…
Cập nhật bởi shin_butchi ngày 15/10/2016 09:44:56 SA