Cần phân biệt giữa "Cấu thành tội phạm" và "Các giai đoạn thực hiện tội phạm"

Chủ đề   RSS   
  • #510529 20/12/2018

    Dong_Bich
    Top 150
    Male
    Lớp 11

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:04/02/2017
    Tổng số bài viết (534)
    Số điểm: 15714
    Cảm ơn: 125
    Được cảm ơn 466 lần


    Cần phân biệt giữa "Cấu thành tội phạm" và "Các giai đoạn thực hiện tội phạm"

    Cần phân biệt giữa

    Trong thời gian gần đây, trên một số sách báo, tạp chí chuyên ngành đăng tải một số bài viết của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng, đã có sự nhầm lẫn, đã ‘đánh tráo” hai khái niệm “cấu thành tội phạm” với “giai đoạn thực hiện tội phạm” hoặc đồng nhất hai khái niệm này với nhau dẫn đến việc hiểu và áp dụng Bộ luật Hình sự (BLHS) không chính xác. Ví dụ: TS Phạm Minh T trong một bài viết đã nói “…phải khẳng định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là tội có cấu thành vật chất, bắt buộc phải có hậu quả xảy ra thì mới cấu thành tội phạm”, rồi từ đó suy ra BLHS 2015 quy định khoản 6 Điều 134 là không hợp lý, là trái với cấu thành cơ bản quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS 2015.

    Vì vậy, việc hiểu và phân biệt hai khái niệm này là rất cần thiết, không chỉ đối với cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng, mà còn đối với các nhà lập pháp và cán bộ làm khoa học.

     

    Về khái niệm cấu thành tội phạm

    Khái niệm cấu thành tội phạm chỉ được sử dụng trong các giáo trình của các trường luật hoặc khi cần phải nghiên cứu các đề tài khoa học, còn BLHS hầu như không sử dụng khái niệm này, mà chỉ quy định các khái niệm giai đoạn thực hiện tội phạm như: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, còn giai đoạn tội phạm hoàn thành cũng không dùng.

    Cấu thành tội phạm là tổng thể các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự. Cấu thành tội phạm phải có đầy đủ 4 yếu tố, đó là: khách thể, chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm.

    Vì vậy, khi nêu khái niệm về tội phạm, khoản 1 Điều 8 BLHS 2015 quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.

    BLHS nếu khái niệm của tội phạm với đầy đủ các yếu tố (nội hàm) cấu thành: khách thể, chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan.

    Khách thể của tội phạm

    Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội bị tội phạm xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm gây ra các hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Căn cứ vào khách thể của tội phạm để nhà làm luật quy định các tội phạm nào là gây ra hậu quả còn tội phạm nào là đe dọa gây ra hậu quả. Thông thường, đối với loại khách thể nào tội phạm đe dọa gây ra hậu quả thì nhà làm luật quy định đối với các tội phạm có cấu thành hình thức như các tội xâm phạm an ninh quốc gia, chỉ cần người phạm tội có hành vi chuẩn bị phạm tội là tội phạm đã hoàn thành và người thực hiện hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Người nào cấu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh là bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “phản bội Tổ quốc” mà không cần người phạm tội phải gây ra hậu quả mới là hành vi phạm tội hoặc người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là đã bị coi là phạm tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” mà không cần phải đến khi chính quyền nhân dân bị lật đổ thì người có hành vi mới bị coi là tội phạm…

    Khoa học luật hình sự còn chia khách thể của tội phạm ra ba loại: khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp.

    Chủ thể của tội phạm

    Chủ thể của tội phạm là con người hoặc pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi xâm phạm đến khách thể của tội phạm, nhưng không phải ai thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng đều là chủ thể của tội phạm, mà chỉ những người hoặc pháp nhân thương mại nhất định mới là chủ thể của tội phạm.

    Nếu là con người thì phải ở độ tuổi nhất định, độ tuổi bao nhiêu là do nhà làm luật quy định trong BLHS. BLHS 2015 quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm.

    Người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà BLHS có quy định khác. Ví dụ: Điều 145 BLHS quy định chỉ người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài độ tuổi ra, thì chủ thể phải có năng lực trách nhiệm hình sự, nếu một người hoặc một pháp nhân thương mại không có năng lực trách nhiệm hình sự thì cũng không phải là chủ thể của tội phạm.

    Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều: Điều 123 (tội giết người); Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản); Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy); Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản); Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia) và Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).

    Trong một số trường hợp, chỉ một hoặc một số người mới là chủ thể của tội phạm, khoa học luật hình sự gọi là chủ thể đặc biệt. Ví dụ: Chỉ có người mẹ mới là chủ thể của tội giết con mới đẻ quy định tại Điều 124 BLHS hoặc chỉ những người có chức vụ, quyền hạn mới là chủ thể của các tội phạm quy định tại Chương XXIII (các tội phạm về chức vụ).

    Riêng đối với pháp nhân thương mại thì chỉ pháp nhân thương mại nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân, có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân mới là chủ thể của tội phạm và cũng chỉ chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm chứ không phải tất cả các tội phạm quy định trong BLHS.

    Mặt khách quan của tội phạm 

    Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của bên ngoài tội phạm. Mặt khách quan bao gồm: hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả và các yếu tố khác như thời gian, địa điểm xảy ra tội phạm; công cụ, phương tiện mà người phạm tội sử dụng để thực hiện tội phạm. Trong các yếu tố thuộc mặt khách quan của tội phạm thì hành vi nguy hiểm cho xã hội là yếu tố quan trọng nhất, vì về lý luận, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, còn các yếu tố khác chỉ có ý nghĩa bổ sung làm ảnh đến tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi đã gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Các quan hệ đó là: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Nếu thiệt hại gây ra hoặc đe dọa gây ra không đáng kể thì không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội và không bị coi là hành vi phạm tội. Ví dụ: Trộm cắp tài sản có giá trị chưa đến 2 triệu đồng mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng hoặc chưa bị xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt, chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án nhưng đã được xóa án tích thì không bị coi là tội phạm. Dù là hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng hành vi đó không được quy định trong BLHS thì cũng không phải là hành vi phạm tội.

    Mặt chủ quan của tội phạm 

    Mặt chủ quan của tội phạm là những biểu hiện về mặt tâm lý của người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại khi thực hiện hành vi phạm tội hay còn gọi là mặt bên trong của tội phạm bao gồm: lỗi, động cơ và mục đích phạm tội, trong đó lỗi là yếu tố quan trọng nhất.

    Lỗi

    Lỗi là thái độ tâm lý của một người hoặc của một pháp nhân thương mại đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi đó dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.

    Một số chuyên gia pháp lý cho rằng, việc quy định pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội phạm sẽ làm đảo lộn các khái niệm về lỗi, vì pháp nhân thương mại không phải là con người, mà là một tổ chức nên không thể nói có thái độ tâm lý được. Tuy nhiên, nếu chỉ hiểu pháp nhân thương mại là một tổ chức thì chưa đầy đủ, mà phải coi pháp nhân thương mại hoạt động thông qua một hoặc một số người. Lỗi của pháp nhân thương mại cũng chính là lỗi của người đại diện pháp nhân thương mại đó.

    Khoa học luật hình sự coi lỗi là một dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm. Nếu một hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị coi là có lỗi thì người hoặc pháp nhân thương mại có hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (không đủ yếu tố cấu thành tội phạm).

    Tội phạm là hành vi có lỗi, tính có lỗi là thuộc tính cơ bản của tội phạm, là cơ sở để buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình hoặc của tổ chức mình và hậu quả của hành vi đó gây ra. Luật hình sự Việt Nam không chấp nhận hình thức buộc tội khách quan; tội phạm là hành vi tổng hợp các yếu tố chủ quan và khách quan, các yếu tố này có liên quan chặt chẽ với nhau trong một thể thống nhất (tội phạm là sự thống nhất giữa mặt chủ quan và mặt khách quan). Có thể nói lỗi là một nguyên tắc cơ bản trong luật hình sự Việt Nam, nên trong Điều 8 BLHS 2015 khi định nghĩa về tội phạm đã nêu: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội… thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý…”.

    Hiện nay, vấn đề lỗi trong luật hình sự Việt Nam có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng lỗi không phải là một đặc điểm riêng (thuộc tính) của tội phạm mà nó là một yếu tố thuộc đặc điểm “tính nguy hiểm cho xã hội”. Quan điểm này cho rằng, khi nói tính nguy hiểm cho xã hội có thể hiểu đó là một đặc điểm của riêng hành vi khách quan của tội phạm, gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Đặc điểm này không phụ thuộc vào mặt chủ quan bên trong của tội phạm. Nhưng nói đến tính nguy hiểm cho xã hội cũng có thể hiểu đó là một đặc điểm của một hành vi với ý nghĩa là thể thống nhất giữa mặt khách quan và mặt chủ quan.

    Lại có quan điểm khác cho rằng, lỗi là thành phần cơ bản của mặt chủ quan. Trong mặt chủ quan, ngoài lỗi ra còn có động cơ, mục đích phạm tội, các yếu tố xúc cảm… Quan điểm khác thì cho rằng lỗi là thái độ tâm lý. Thái độ tâm lý của con người hay của pháp nhân thương mại là một thể thống nhất không tách rời giữa nhận thức, động cơ, mục đích, ý chí và các yếu tố tâm lý khác. Hơn nữa, ngoài cố ý và vô ý ra, động cơ, mục đích có ý nghĩa pháp lý rất quan trọng trong việc định tội cũng như trong việc quyết định hình phạt. Vì vậy, lỗi chính là mặt chủ quan của tội phạm. Khi người ta nói một người hoặc một pháp nhân thương mại có lỗi trong thực hiện tội phạm, tức là nói đến toàn bộ mặt chủ quan của tội phạm mà không tách rời nó với động cơ, mục đích phạm tội.

    Theo khái niệm tội phạm được quy định tại Điều 8 BLHS 2015, hành vi phạm tội chỉ được thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý. Luật hình sự Việt Nam không thừa nhận hình thức lỗi thứ ba, nhưng trong một số công trình nghiên cứu của một số tác giả có đề cập đến hình thức lỗi thứ ba, đó là “lỗi hỗn hợp”, tức là vừa vô ý vừa cố ý hoặc cố ý về hành vi, vô ý về hậu quả. Có thể trong công tác nghiên cứu về bản chất của các hình thức lỗi, có thể đặt vấn đề một người thực hiện hành vi vừa cố ý lại vừa vô ý (cố ý về hành vi, vô ý về hậu quả) như đối với người cố ý vi phạm luật giao thông (cố ý vượt đèn đỏ) gây hậu quả làm chết người. Tuy nhiên, về mặt pháp lý thì trong trường hợp này, lỗi của người phạm tội chỉ là lỗi vô ý chứ không thể nói là cố ý được, vì nếu cố ý gây chết người thì đó là phạm tội giết người, chứ không còn là vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nữa.

    Một người hoặc một pháp nhân thương mại thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nếu không có lỗi thì không bị coi là hành vi phạm tội. BLHS quy định một số trường hợp không phải là tội phạm do người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội như: sự kiện bất ngờ; phòng vệ chính đáng; tình thế cấp thiết; gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên. Lỗi với ý nghĩa là một yếu tố cấu thành tội phạm gồm: cố ý phạm tội và vô ý phạm tội.

    Cố ý phạm tội là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

    Tuy không nói rõ đó là lỗi cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp, nhưng với nội dung trên chúng ta có thể hiểu đó là hai hình thức lỗi: cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp.

    Khoa học luật hình sự, khi nghiên cứu lỗi cố ý, còn chia ra nhiều hình thức cố ý khác nhau, các hình thức này chỉ có ý nghĩa xác định mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội như: cố ý có dự mưu, cố ý đột xuất, cố ý xác định và cố ý không xác định.

    Vô ý phạm tội là người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

    Tuy không quy định rõ các hình thức vô ý phạm tội, nhưng căn cứ vào nội dung trên, chúng ta thấy rõ có hai hình thức vô ý phạm tội mà khoa học luật hình sự gọi là “vô ý vì quá tự tin” và “vô ý vì cẩu thả”.

    - Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra. Ví dụ: Một người đi săn trong rừng nhìn thấy một con lợn rừng đang đào măng để ăn, gần chỗ đó cũng có một người đang hái măng. Người đi săn giương súng nhắm bắn con lợn rừng và anh ta tin rằng với tài nghệ “bách phát, bách trúng” của mình thì không thể có chuyện đạn lạc sang người hái măng được. Tuy nhiên, súng nổ lại trúng người hái măng chứ không trúng con lợn rừng.

    - Vô ý vì cẩu thả là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Ví dụ: Một người lái xe vượt qua đường sắt, đã thấy đèn báo hiệu có tàu nhưng vì cẩu thả cứ lái xe băng qua nên gây tai nạn làm nhiều người thương vong.

    Tiêu chuẩn để xác định một người phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, một người bình thường cũng có thể thấy trước; ngoài ra còn phải căn cứ vào độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, tay nghề,…

    Khoa học luật hình sự còn chia cấu thành tội phạm ra hai loại: cấu thành hình thức và cấu thành vật chất.

    Cấu thành hình thức là cấu thành mà người phạm tội chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa hết hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành. Ví dụ: Tội cướp tài sản điều luật quy định hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”. Nếu người phạm tội chỉ cần thực hiện một trong các hành vi quy định trong điều luật nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản thì hành vi phạm tội được coi là tội phạm đã hoàn thành. Khoa học luật hình sự còn gọi cấu thành hình thức là cấu thành “cắt xén”.

    Cấu thành vật chất là cấu thành mà người phạm tội đã thực hiện hết hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành. Ví dụ: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản điều luật quy định “bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác”. Nếu người phạm tội chưa thực hiện hết các hành vi quy định trong điều luật thì hành vi phạm tội được coi là phạm tội chưa đạt.

    Như vậy, cấu thành tội phạm là một khái niệm khoa học phản ánh các dấu hiệu đặc trưng, nếu thiếu nó thì không phải là tội phạm. Cấu thành tội phạm là cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Mối quan hệ giữa cấu thành tội phạm với giai đoạn thực hiện tội phạm nhằm xác định tội phạm đó được thực hiện ở giai đoạn nào: chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt hoặc tội phạm đã hoàn thành, hoặc kết thúc.

    Về giai đoạn thực hiện tội phạm

    “Giai đoạn” là danh từ “để chỉ phần thời gian trong một quá trình phát triển dài, phân biệt với những phần thời gian khác bởi những hiện tượng, những đặc điểm riêng” [2].

    Giai đoạn thực hiện tội phạm là các bước trong quá trình phạm tội do cố ý. Chỉ có phạm tội do cố ý thì mới có giai đoạn thực hiện tội phạm. Bởi lẽ, đối với tội được thực hiện do vô ý, người phạm tội không có ý định phạm tội, không mong muốn hậu quả xảy ra, cho nên đối với tội do vô ý, khoa học luật hình sự không quy định các bước trong quá trình phạm tội.

    Khoa học luật hình sự chia giai đoạn thực hiện tội phạm thành 3 bước cơ bản, đó là: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành. Ngoài ra, khoa học pháp lý còn có giai đoạn kết thúc. Tuy nhiên, thực tế rất ít người đề cập đến giai đoạn này và thường đồng nhất với giai đoạn “tội phạm hoàn thành”, trong khi đó có nhiều trường hợp tội phạm đã hoàn thành nhưng chưa kết thúc. Ví dụ: A có ý định dùng dao chặt củi chém B 5 nhát, nhưng mới chém được 3 nhát thì bị mọi người tước mất dao nên A không thực hiện được ý định. Tuy nhiên, hành vi của A đã cấu thành tội “cố ý gây thương tích” ở giai đoạn “đã hoàn thành” nhưng chưa kết thúc; hoặc một người tàng trữ vũ khí quân dụng, tội phạm hoàn thành từ khi người phạm tội đã có hành vi tàng trữ, nhưng tội phạm chỉ kết thúc khi bị phát hiện.

    Các giai đoạn phạm tội thể hiện mức độ thực hiện tội phạm khác nhau và cũng phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau, được phân biệt bởi các dấu hiệu, nhằm đánh giá sự diễn biến mức độ thực hiện ý định phạm tội, làm cơ sở cho việc xác định phạm vi và mức độ trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt.

    Như vậy, giữa cấu thành tội phạm với giai đoạn thực hiện tội phạm là hai khái niệm khác nhau nhưng lại có liên quan với nhau, chi phối lẫn nhau. Cho dù tội phạm được thực hiện ở giai đoạn phạm tội nào thì hành vi của người phạm tội cũng đã cấu thành tội phạm.

    Tuy nhiên, BLHS không quy định hết các giai đoạn thực hiện tội phạm mà chỉ quy định giai đoạn chuẩn bị phạm tội và giai đoạn phạm tội chưa đạt. Việc BLHS chỉ quy định giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt là vì hai giai đoạn này có liên quan đến chế định “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” và trong việc quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nhất là đối với người phạm tội là người dưới 18 tuổi, đặc biệt đối với người dưới 16 tuổi.

    Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của BLHS (Điều 14 BLHS 2015).

    Tuy nhiên, ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm quy định tại các Điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324, còn các tội phạm khác người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngay đối với các tội phạm được liệt kê tại các điều của BLHS thì cũng không phải trường hợp chuẩn bị phạm tội nào cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Điều 134 BLHS 2015 quy định về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, nhà làm luật cũng chỉ quy định: “Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 6 Điều 134), còn các trường hợp chuẩn bị phạm tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 6 của Điều 134 BLHS, thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là quy định mới so với BLHS 1999.

    Riêng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội đối với tội “giết người” quy định tại Điều 123, và tội “cướp tài sản” quy định Điều 168 của BLHS (khoản 3 Điều 14 BLHS 2015).

    Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội (Điều 15 BLHS 2015. BLHS quy định tất cả những người từ đủ 14 tuổi trở lên đều phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm được thực hiện ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

    Khoa học pháp lý còn chia phạm tội chưa đạt thành hai loại: chưa đạt đã hoàn thành và chưa đạt chưa hoàn thành.

    - Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là người phạm tội đã thực hiện đầy đủ những hành vi mà họ cho là cần thiết để gây ra hậu quả, nhưng vì nguyên nhân khách quan, hậu quả đó đã không xảy ra (chưa đạt về hậu quả, hoàn thành về hành vi). Ví dụ: A có ý định giết B, nên đã dùng súng bắn 3 phát vào B và tin là B đã chết nên bỏ đi. Nhưng sau đó nạn nhân được cứu chữa nên không chết. Ở đây, người phạm tội đã hành động như ý muốn và tin là hậu quả đã xảy ra nhưng thực tế thì hậu quả lại không xảy ra.

    - Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành là trường hợp người phạm tội chưa thực hiện hết các hành vi mà họ cho là cần thiết để gây ra hậu quả mà mình mong muốn nhưng vì nguyên nhân khách quan, nên hậu quả không xảy ra (chưa đạt về hậu quả, chưa hoàn thành về hành vi). Ví dụ: C có ý định dùng dao găm đâm nhiều nhát vào D nhằm tước đoạt tính mạng của C, nhưng mới đâm được một nhát thì bị người khác giữ tay lại, không đâm tiếp được nữa và nạn nhân không chết, chỉ bị thương. Trường hợp này người phạm tội chưa đâm được như ý muốn, chưa tin vào hậu quả xảy ra và hậu quả cũng không xảy ra.

    Việc xác định giai đoạn phạm tội là để đưa ra chủ trương xử lý đối với người phạm tội và quyết định hình phạt đối với họ.

    Việc quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt được BLHS quy định rất cụ thể. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của BLHS về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định

    Theo Luật sư Đinh Văn Quế

     

    Đây là chữ ký

     
    17265 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận