#f0f0f0;padding:0.75pt;background-color:transparent;">
3 thanh niên trong “kỳ án hiếp dâm” vẫn đang miệt mài đòi công lý.
|
Bởi vì, nếu các bị cáo bị oan, tức là các cơ quan tố tụng có lỗi và sẽ phải bồi thường, mà việc bồi thường oan sai luôn là tình huống rất phức tạp trong tố tụng. Còn về việc cơ quan tố tụng cho rằng Công an Hà Nội điều tra lại là sai tố tụng thì cũng không phải là không có căn cứ, vì việc điều tra, xác minh lại vừa qua không nằm trong thủ tục tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, kể cả khi việc điều tra này không nằm trong thủ tục tố tụng nhưng nếu phát hiện ra những tình tiết mới, có lợi cho các bị cáo thì cũng không thể chỉ dựa một cách máy móc vào “trình tự, thủ tục tố tụng” để bỏ qua được, nhất là khi các chứng cứ mới này chỉ ra có dấu hiệu oan sai.
Kêu lên Quốc hội không phải là lựa chọn duy nhất
Hiện nay, Bản án giám đốc thẩm đã bác kháng cáo và pháp luật tố tụng hình sự hiện nay chưa có quy định về việc ai có thẩm quyền xem xét lại Bản án giám đốc thẩm. Trả lời báo chí, Luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng các bị cáo có thể làm đơn kêu lên Quốc hội và Quốc hội có thể dùng quyền “Giám sát” để yêu cầu Tòa án xem xét lại.
Theo tôi, bên cạnh hướng can thiệp trên, vẫn có khả năng xem xét lại vụ án này theo một hướng khác. Cụ thể là: Vừa rồi, vụ án được kháng nghị theo trình tự “Giám đốc thẩm” và Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã có Bản án Giám đốc thẩm bác kháng cáo với lý do là “không có căn cứ”.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, bên cạnh hồ sơ cũ, đã có rất nhiều kết quả điều tra xác minh mới của cơ quan điều tra (các chứng cứ mới này được cho là rất có lợi cho các bị cáo). Nếu trong quá trình xét xử Giám đốc thẩm, các chứng cứ mới này không được xem xét, đánh giá (vì thu thập ngoài tố tụng) mà chỉ căn cứ vào hồ sơ cũ thì mặc dù Bản án Giám đốc thẩm có thể đúng về tố tụng nhưng chưa thỏa đáng.
Nói chưa thỏa đáng là vì trong trường hợp các chứng cư mới do cơ quan công an thu thập có lợi cho các bị cáo thì hoàn toàn có thể áp dụng quy định về “tái thẩm” để xem xét lại vụ án. Trả lời phỏng vấn báo chí, Đại tá Lã Ngọc Tỉnh - nguyên Chánh văn phòng kiêm Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội - có nói: “Quá trình điều tra vụ án trước đây và quá trình xác minh theo đơn khiếu nại, tố cáo sau này, đã xuất hiện hoặc củng cố rõ hơn nhiều tình tiết, chứng cứ gỡ tội cho các bị cáo”.
Bộ luật Tố tụng Hình sự có quy định: “Điều 290. Tính chất của tái thẩm: Thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó”. Chiểu theo những tình tiết mới phát sinh như Đại tá Lã Ngọc Tỉnh đã nói, vụ án này có thể được xem xét theo trình tự tái thẩm.
Cần hủy án để điều tra, xét xử lại
Cuối cùng, theo quan điểm của tôi, với 10 năm liên tục kêu oan của các bị cáo, với những gì cơ quan điều tra đã xác minh, làm rõ thêm, với sự trông đợi của công luận, với tính nhân đạo của pháp luật nước ta thì cần thiết phải hủy vụ án này để điều tra, xét xử lại.
Nếu quá trình điều tra, xét xử lại mà chứng minh các bị cáo có tội thì bản thân các bị cáo, dư luận xã hội cũng “tâm phục, khẩu phục”.
Còn nếu chứng minh được các bị cáo vô tội thì cũng thể hiện được sự công bằng, nhân đạo của pháp luật nước ta, và cũng là một bài học cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Luật sư Chu Mạnh Cường
Đoàn Luật sư TP.Hà Nội
|