Cần đưa vào nghị quyết Quốc hội về án giết người dã man

Chủ đề   RSS   
  • #404415 29/10/2015

    Cần đưa vào nghị quyết Quốc hội về án giết người dã man

    Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ giết người với thủ đoạn hết sức dã man, tàn ác, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Điển hình là vụ Nguyễn Đức Nghĩa ở Hà Nội, vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang. Đặc biệt, chỉ hơn 40 ngày giữa năm 2015 đã liên tiếp xảy ra ba vụ ở Nghệ An, Bình Phước và Yên Bái, làm chết 14 người trong ba gia đình.

    Khám phá nhanh, xử lý nghiêm là việc các cơ quan tư pháp đã làm khá tốt. Nhưng chỉ ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp để ngăn chặn và phòng ngừa tận gốc tội phạm này là việc mà Quốc hội, Chính phủ cần phải vào cuộc mạnh mẽ, nếu chỉ mình cơ quan tư pháp thì không thể làm nổi.

    Về giáo dục xã hội, mặt trái của kinh tế thị trường làm môi trường sống rất phức tạp và chịu nhiều áp lực. Xã hội có những thay đổi chóng vánh về giá trị sống mà công tác quản lý đã không theo kịp. Sự xuống cấp về đạo đức, lối sống thực dụng, hưởng thụ đã hối thúc nhiều người trẻ bất chấp pháp luật, đạo lý, dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. 

    Việc giáo dục kỹ năng ứng xử, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong môi trường sống phức tạp chưa được quan tâm đúng mức cũng dẫn đến một bộ phận giới trẻ bế tắc, mất phương hướng. Họ có xu hướng hành động theo bản năng, thiếu kiềm chế, dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn. Có trường hợp quá cuồng vọng về cuộc sống, chưa quen với thất bại nên mang tâm lý đầy hận thù khi mục tiêu không đạt được, dẫn đến hành vi tàn ác (như giết cả nhà người yêu khi bị bỏ)…

    Về thông tin - truyền thông, sự bùng nổ của thông tin đã làm thay đổi chóng mặt cuộc sống của giới trẻ, trong đó có mặt không tích cực. Khả năng chọn lọc, sức đề kháng của người trẻ trước thông tin độc hại, game, phim ảnh bạo lực là rất thấp. Vì vậy, Quốc hội cần coi thực trạng xảy ra liên tiếp các vụ giết người dã man, tàn ác là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần đưa vào nội dung nghị quyết. Từ đó, Quốc hội cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan để có giải pháp chặn đứng và phòng ngừa. Đây cũng là thông điệp cho người dân biết: Nhà nước sẽ có những giải pháp mạnh mẽ để bảo vệ an toàn cuộc sống của người dân. Chính phủ cần chỉ đạo ngay các cơ quan có chức năng nghiên cứu tội phạm, nhất là các trung tâm tội phạm học của ngành công an, sớm nghiên cứu thực trạng trên để có giải pháp...

    (Trích phát biểu tại Quốc hội ngày 28-10)

    LÊ THỊ NGA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

     
    2653 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận