Cán bộ, công chức có bị xử lý kỷ luật khi đang điều trị bệnh dài ngày?

Chủ đề   RSS   
  • #607198 30/11/2023

    katkumhat
    Top 75
    Lớp 4

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:31/08/2020
    Tổng số bài viết (856)
    Số điểm: 5799
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 87 lần


    Cán bộ, công chức có bị xử lý kỷ luật khi đang điều trị bệnh dài ngày?

    Trường hợp cán bộ, công chức vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật thì họ có bị xử lý kỷ luật khi đang điều trị bệnh dài ngày hay không? Nếu phải hoãn việc xử lý kỷ luật thì thời gian này có tính vào thời hiệu xử lý kỷ luật hay không?

    1. Cán bộ, công chức có bị xử lý kỷ luật khi đang điều trị bệnh dài ngày?

    Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP có quy định về các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức như sau:

    + Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép.

    + Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

    + Cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người có hành vi vi phạm có văn bản đề nghị xem xét xử lý kỷ luật.

    + Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

    Theo đó, cán bộ, công chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền thì sẽ chưa xem xét xử lý kỷ luật.

    Nếu như cán bộ, công chức đang điều trị bệnh dài ngày là bệnh hiểm nghèo hoặc đang bị ốm nặng phải điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền thì sẽ chưa xem xét xử lý kỷ luật trong thời gian này. Sau khi hết bệnh sẽ xem xét xử lý sau.

    xu-ly-ky-luat-benh-dai-ngay

    2. Thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức vi phạm được tính thế nào?

    Thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định tại Điều 5 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP:

    Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức, viên chức, người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Trường hợp có hành vi vi phạm mới trong thời hạn để tính thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới.

    Cách xác định thời điểm có hành vi vi phạm như sau:

    + Đối với hành vi vi phạm xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm chấm dứt.

    + Đối với hành vi vi phạm chưa chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm phát hiện.

    + Đối với hành vi vi phạm không xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm có kết luận của cấp có thẩm quyền.

    Trừ trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật, thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau:

    + 05 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách (1);

    + 10 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp (1).

    Đối với các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:

    + Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;

    + Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;

    + Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;

    + Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

    3. Thời gian điều trị bệnh dài ngày của cán bộ, công chức có được tính vào thời hiệu xử lý kỷ luật không?

    Cũng tại Điều 5 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP có quy định:

    Không tính vào thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với:

    + Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với các trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này;

    + Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự (nếu có);

    + Thời gian thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án về quyết định xử lý kỷ luật cho đến khi ra quyết định xử lý kỷ luật thay thế.

    Như vậy, nếu thời gian điều trị bệnh dài ngày của cán bộ, công chức thuộc trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật thì thời gian này sẽ không tính vào thời hiệu xử lý kỷ luật.

     
    376 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận