Những “con sâu làm rầu nồi canh” đang trở thành áp lực cho công cuộc cải cách thủ tục hành chính của Tp.HCM...
Người dân “kêu trời” về thủ tục xây dựng
Mặc dù vấn đề cải cách thủ tục hành chính của Tp.HCM được đánh giá là đã có sự cải thiện nhưng thực tiễn vẫn còn tồn tại tình trạng nhiêu khê, nhũng nhiễu ở một bộ phận triển khai ở các cấp
Hiện tại, người dân cảm thấy ngán ngẩm khi phải đến các cơ quan chức năng để làm các thủ tục hành chính. Tâm lý e ngại và ánh nhìn không thiện cảm của người dân với cơ quan quản lý là do một số cá nhân lợi dụng quyền hạn để trục lợi.
Những “con sâu làm rầu nồi canh” đang trở thành áp lực cho công cuộc cải cách thủ tục hành chính của Tp.HCM. Trong chương trình lắng nghe và trao đổi liên quan đến cải cách hành chính tháng 5, các thủ tục về quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, vấn đề cấp giấy phép xây dựng, về đất đai bị người dân phản ảnh còn nhiều trở ngại.
Một cửa liên thông vẫn chưa thông
Mặc dù vấn đề cải cách thủ tục hành chính của Tp.HCM được đánh giá là đã có sự cải thiện nhưng thực tiễn vẫn còn tồn tại tình trạng nhiêu khê, nhũng nhiễu ở một bộ phận triển khai ở các cấp.
Theo phản ảnh của người dân, trong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc cấp phép xây dựng ở một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân bị làm khó.
Vì thế, có thể nói rằng, cơ chế một cửa - một cửa liên thông của thành phố xây dựng vẫn chưa thông, bởi những quy định cụ thể trong việc xử lý hồ sơ được các quận, huyện thực hiện mỗi nơi một kiểu và quy trình kéo dài, tốn nhiều thời gian. Điển hình như xin cấp phép xây dựng phải xử lý từ 6 đến 7 tháng, thậm chí kéo dài cả năm mới xong.
Theo ý kiến của ông Cao Văn Chấu, cử tri ngụ tại huyện Hóc Môn, cán bộ phụ trách địa chính các quận, huyện cần hướng dẫn cho người dân thủ tục cụ thể hơn để mọi người không phải đi đi lại lại nhiều lần như hiện nay.
Ông Phạm Văn Bá, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân Tp.HCM cũng khẳng định điều này. Bởi, theo ghi nhận từ thực tế từ các cuộc giám sát của Hội đồng Nhân dân, điều gây phiền hà cho người dân nhiều nhất chính là giai đoạn làm thủ tục, thay vì hướng dẫn cặn kẽ một lần, cán bộ hành chính lại nói sơ sài nên hồ sơ không đúng quy định phải sửa tới lui nhiều lần.
Có “mùi” cửa quyền và trục lợi?
Không chỉ vậy, trong hoạt động cấp phép xây dựng còn tồn tại tình trạng đơn vị này thiết kế không được cơ quan chức năng chấp thuận nhưng khi đơn vị khác thực hiện thì được coi như đạt yêu cầu.
Để xây được nhà, theo quy định phải có bản vẽ tổng thể công trình xây dựng. Tuy nhiên, để bản vẽ được cơ quan quản lý chấp thuận về mặt thiết kế cũng rất nhiêu khê. Có người phải sửa bản vẽ tới lui gần một năm trời, bổ sung hồ sơ từ 6 - 7 lần.
Dù trong lần tiếp nhận trước đó, cán bộ phụ trách đã hướng dẫn bằng bút chì nhưng khi tiếp nhận lại hồ sơ đã chỉnh sửa vẫn tiếp tục bắt người dân sửa tiếp. Câu hỏi đặt ra là liệu có hay không chuyện “sân sau” của các đơn vị hoặc của chính các cán bộ phụ trách ở địa phương?
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt ra câu hỏi, liệu có sự trục lợi cá nhân trong khâu tiếp nhận hồ sơ, thủ tục về đất đai không?
Thực tế, với tình trạng ì ạch trong việc giải quyết hồ sơ như vậy, không ít người dân chọn cách bôi trơn ngay từ đầu khi trình hồ sơ làm các thủ tục, hoặc thuê đơn vị dịch vụ để làm giúp mình.
Vốn không hiểu biết nhiều về quy trình, các thủ tục cần và đủ nên không ít người chấp nhận tốn một khoản tiền để “bôi trơn”, hay thuê “cò giấy tờ” nhưng công việc và thời gian đều được đẩy nhanh, không phải tốn thời gian để đi tới lui.
Tại Tp.HCM, nhu cầu xây dựng ngày càng lớn, nên khả năng một số cá nhân lợi dụng vị trí, chức vụ để trục lợi cho bản thân rất dễ xảy ra.
Để giải quyết tình trạng “bôi trơn”, ông Đỗ Phi Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, Sở sẽ xử lý, luân chuyển cán bộ khi phát hiện tiêu cực. Vậy việc luân chuyển liệu có thể chấm dứt vấn nạn nhũng nhiễu không vì người trong ngành có thể bắt tay nhau?
Theo thông tin từ ông Hùng, trong thời gian qua, Tp.HCM đã áp dụng liên thông với các quận - huyện để giải quyết vướng mắc đối với dự án, nhà ở không thuộc trong vùng quy hoạch. Nhờ vậy, số lượng cấp giấy phép sử dụng đất cho người dân tăng lên hàng năm.
Cụ thể, năm 2012 đã cấp 29.000 giấy chứng nhận, năm 2013 cấp 34.500 giấy, năm 2014 cấp 54.500.
Nhưng nếu giải quyết được tình trạng “hành” người dân như đang diễn ra ở các nơi và công chức thành phố làm việc với tinh thần trách nhiệm cao thì kết quả cấp phép thực tế sẽ còn cao hơn nữa...
(Nguồn VnEconomy)