Cách chọn dịch vụ pháp lý cho DN

Chủ đề   RSS   
  • #257027 23/04/2013

    lsbuicongthanh
    Top 150
    Male
    Lớp 3

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:04/11/2009
    Tổng số bài viết (619)
    Số điểm: 4004
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 172 lần


    Cách chọn dịch vụ pháp lý cho DN

     

    Kính chào quý vị,

    Với tư cách là những người đứng đầu Doanh nghiệp (DN), chúng ta ít nhiều cũng đã từng gặp phải một số vấn đề pháp lý với các cơ quan, tổ chức kinh tế bên ngoài cũng như những phát sinh trong nội bộ DN chúng ta.

    Tuy nhiên khi gặp phải những vấn đề pháp lý này, quý vị thường hay lúng túng do chưa có sự chuẩn bị các giải pháp ứng phó với các sự cố pháp lý có thể xảy ra.

    Để khắc phục vấn đề này và nhằm hạn chế những thiệt hại xảy ra cho DN, chúng ta cần nhanh chóng chọn cho mình 1 dịch vụ pháp lý hiệu quả.

    Với tư cách là 1 Luật sư, Tôi xin chia sẻ với quý vị 1 vài ý kiến tham khảo.


    Thực ra có rất nhiều cách để chúng ta lựa chọn 1 dịch vụ pháp lý tốt. Tuy nhiên, theo tôi và các đồng nghiệp thì 5 bước sau là tối ưu nhất:

    1 – Xác định nhu cầu

    2 – Tham vấn bộ phận pháp lý (nếu có)

    3 – Tìm kiếm LS - tổ chức hành nghề LS

    4 – Tiếp cận

    5 – Đánh giá




    1 - Xác định nhu cầu

    Tại sao chúng ta phải xác định nhu cầu?
    Bởi lẽ, trên thực tế, chúng tôi nhận thấy rằng có 1 số trường hợp, Khách hàng khi tìm đến chúng tôi, đa phần chưa xác định được họ cần gì ở Luật sư. Vì nếu quý vị không làm rõ được việc này sẽ dẫn đến việc dàn trãi chi phí và mất nhiều thời gian một cách không hiệu quả.

    Vì thế, quý vị phải biết rõ mong muốn của mình? Đơn cử 1 trường hợp: 1 doanh nghiệp đang cần tăng vốn để phát triển kinh doanh, tìm đến một Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư (LS, TCHN LS) nhờ hướng dẫn thủ tục pháp lý. DN phải cho LS, TCHN LS biết rằng DN muốn tăng vốn bằng phương thức nào:
    Vay vốn ngân hàng, phát hành chứng khoán, kêu gọi nhà đầu tư góp vốn v.v… số vốn muốn tăng là
    bao nhiêu và tăng trong thời điểm nào? v.v…

    Tuy nhiên, quý vị cần lưu ý rằng mong muốn của mình phải phù hợp với quy định pháp Luật và một số điều kiện thực tế khách quan khác.




    2 - Tham vấn bộ phận pháp lý (nếu có)

    Nếu quý vị có bộ phận pháp lý thì nên tham vấn 1 số giải pháp từ họ. Bởi đây sẽ là bộ phận giúp quý vị xác định rõ được nhu cầu thực của DN và đồng thời có thể giúp quý vị tiết kiệm được thời gian và chi phí.
    Tuy nhiên đôi khi để giải quyết 1 số vụ việc mang tính phức tạp có thể nằm ngoài khả năng của họ, thì quý vị cần khách quan đánh giá được rằng họ có khả năng đáp ứng được nhu cầu pháp lý của DN hay không.
    Bởi lẽ các thành viên trong bộ phận pháp lý thường là những cử nhân luật, rất ít người là Luật sư và vì công việc đặc thù của họ là chỉ gói gọn trong phạm vi doanh nghiệp nên phần đông họ chỉ tiếp xúc với 1 số quan hệ pháp lý phổ biến. Do vậy, khi gặp phải quan hệ pháp lý đặc thù chẳng hạn như: sở hữu trí tuệ, nhượng quyền thương mại, cho thuê tài chính, đầu tư, mua bán & sáp nhập DN, thuế v.v… thì họ sẽ dễ lúng túng do chưa có kinh nghiệm giải quyết.
    Nên nếu gặp phải những vấn đề phức tạp như thế có thể ảnh hưởng lớn đến úy tín & lơi nhuận, quý vị nên mạnh dạn sử dụng dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp để đảm bảo quyền lợi của DN có thể đáp ứng ở mức tốt nhất.



    3 - Tìm kiếm LS - Tổ chức hành nghề LS

    Trước khi tìm kiếm LS, TCHN LS thì quý vị nên hiểu 1 sự thật rằng, LS không phải là người nắm rõ tất cả các quy định pháp luật, thông thường mỗi LS, họ có thế mạnh về 1 số lĩnh vực nhất định nên quý vị hãy xác định LS, TCHN LS có thế mạnh mà mình cần.
    Chẳng hạn như quý vị có nhu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại, nhưng quý vị lại tìm đến LS, TCHN LS chuyên về tranh chấp bất động sản thì rất có thể sẽ mang đến hiệu quả không như mong muốn. Và để tìm kiếm LS, TCHN LS mà mình cần, chúng ta có 2 cách phổ biến như sau:

    - Qúy vị có thể tìm hiểu thông qua người thân, bạn bè, đối tác, những người đã từng gặp phải những vấn đề pháp lý tương tự để tham khảo chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, mỗi chúng ta đều có góc nhìn khác nhau dẫn đến cách nhìn nhận đánh giá sự việc cũng khác nhau. Do vậy, quý vị cần thận trọng khi xác định LS, TCHN LS thông qua kênh này.

    - Ngoài ra, Qúy vị cũng có thể tìm kiếm thông qua internet, báo chí, truyền hình và những kênh thông tin đánh giá khách quan khác. Tôi lưu ý rằng phải thực sự khách quan thể hiện thông tin đúng năng lực vốn có của LS, TCHN LS, tránh nhầm lẫn vì thông tin đó có thể được truyền thông không trung thực theo "đơn đặt hàng".

    Vậy nên, quý vị hãy đừng vội ra quyết định cho đến khi trực tiếp gặp được họ.



    4 – Phương thức Tiếp cận

    Sau khi đã xác định được LS,TCHN LS phù hợp với nhu cầu của mình. Để tiếp cận 1 cách hiệu quả, quý vị nên chuẩn bị chu đáo tất cả tài liệu liên quan và 1 danh sách câu hỏi xoáy thẳng vào trọng tâm vấn đề của Doanh nghiệp.Và thông thường quý vị có thể tiếp cận LS, TCHN LS bằng những phương thức sau đây:

    - Tối ưu nhất cho lần tiếp cận đầu tiên để đánh giá được 1 dịch vụ pháp lý chất lượng, vẫn là gặp trực tiếp. Bởi chỉ có thông qua phương thức này LS,TCHN LS mới có thể tiếp nhận vấn đề DN 1 cách toàn diện nhất để có thể đưa ra giải pháp chính xác nhất cho trường hợp cụ thể của DN quý vị. Đối với phương thức này đôi khi qúy vị có thể phải chịu 1 khoản tư vấn phí ban đầu, nên quý vị cũng nên cân nhắc vấn đề này.

    - Ngoài ra có số cách tiếp cận khác như: gọi điện thoại, email, chat, fax hoặc các phương tiện khác v.v… Những phương thức này có thể giúp quý vị có cái nhìn khái quát về chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên những phương thức này nên để cho lần tiếp cận thứ Hai trở về sau.



    5 – Đánh Giá

    Việc đánh giá để ra quyết định lựa chọn 1 LS, TCHN LS phù hợp cho DN là rất quan trọng, đòi hỏi qúy vị cần biết cách nhận định chính xác về họ, tôi khuyên quý vị nên tiếp cận ít nhất từ 2 LS, TCHN LS trở lên để có cơ sở so sánh chất lượng dịch vụ.

    Hiện nay VN chúng ta vẫn chưa có cơ quan, tổ chức chính thức nào đưa ra 1 chuẩn mực để đánh giá khách quan năng lực thật sự của LS, TCHN LS để làm cơ sở cho các DN tham khảo. Tuy nhiên, theo tôi và các đồng nghiệp, 4 tiêu chí sau đây sẽ giúp quý vị lựa chọn LS, TCHN LS một cách hiệu quả:

    o Đầu tiên, quý vị phải xét đến yếu tố chuyên môn, 1 LS giỏi đòi hỏi phải nắm vững kiến thức trong lĩnh vực mà họ hoạt động. Quý vị có thể nhận thấy điều này được thể hiện thông qua cách LS đặt câu hỏi để thu thập thông tin từ quý vị có đi vào trọng tâm vấn đề pháp lý mà DN gặp phải hay không? Bên cạnh đó, các câu trả lời hay các giải pháp đưa ra từ LS có tính hợp lý và khả thi hay không?

    o Kế đến là yếu tố kinh nghiệm: Kinh nghiệm của LS đối với 1 lĩnh vực pháp lý cụ thể thường gắn liền với số lượng hoàn thành những vụ việc tương tự mà LS đã tham gia giải quyết. Qúy vị có thể tìm hiểu bằng cách khéo léo đề nghị LS, TCHN LS cho biết thông tin 1 số vụ việc mà họ đã xử lý thành công.

    o Bên cạnh đó, để góp phần giải quyết vụ việc của DN được thành công, ngoài kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm, quý vị nên chú ý đến 1 số kỹ năng hành nghề quan trọng của LS, như là:
    § Kỹ năng lắng nghe, thu thập thông tin
    § Kỹ năng phân tích, tổng hợp vấn đề
    § Kỹ năng sáng tạo, giải quyết vấn đề
    § Kỹ năng giao tiếp, diễn đạt
    § Kỹ năng hùng biện, đàm phán

    o Tiêu chí cuối cùng là Đao đức nghề nghiệp
    Thật vậy, trung thực, tân tâm,trách nhiệm và bảo mật luôn là tôn chỉ hoạt động của 1 LS chuyên nghiệp. Họ sẽ không nhận vụ việc ngoài khả năng của mình, càng không hứa hẹn kết quả vụ việc; và luôn trung thành với lợi ích chính đáng của khách hàng trên cơ sở tôn trọng pháp luật.


    Với 4 tiêu chí nêu trên quý vị đã có cái nhìn tổng quan về chất lượng dịch vụ mong muốn, thì điều tiếp theo là quý vị cần phải cân nhắc chi phí hợp lý phải bỏ ra cho dịch vụ pháp lý này.


    Và sau cùng quý vị cần lưu ý trước khi ra quyết định sử dụng dịch vụ,rằng Qúy vị phải thật sự có 
    cảm giác: 

    tin tưởng

    và muốn làm việc cùng họ. Vì dù chất lượng dịch vụ pháp lý có tốt đến mấy đi nữa, hay chi phí có hợp lý đến mấy đi nữa. Nếu quý vị không có cảm giác thân thiện, thì đôi bên cũng khó có thể đi đến sự hợp tác tốt đẹp.


    Hy vọng, với 5 bước tôi vừa chia sẻ, có thể giúp quý vị chọn được cho mình 1 dịch vụ pháp lý phù hợp nhất.

    Chúc quý vị cùng DN ngày càng thành công và thịnh vượng.

     

    Cập nhật bởi lsbuicongthanh ngày 23/04/2013 11:54:31 SA Cập nhật bởi lsbuicongthanh ngày 23/04/2013 11:53:51 SA
     
    6141 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn lsbuicongthanh vì bài viết hữu ích
    duytambinh (18/08/2013) QuyetQuyen945 (26/06/2013)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận