Các yếu tố cấu thành Tội buôn lậu theo quy định của Bộ luật Hình Sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

Chủ đề   RSS   
  • #601842 14/04/2023

    Các yếu tố cấu thành Tội buôn lậu theo quy định của Bộ luật Hình Sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

    Căn cứ tại Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, tội buôn lậu được hiểu là hành vi buôn bán trái pháp luật qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật.

     

    1. Chủ thể của Tội buôn lậu

     

    Dấu hiệu về mặt chủ thể của Tội buôn lậu cũng giống như các tội phạm khác (chủ thể thường), chỉ cần người đó có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định. Theo đó, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với Tội buôn lậu là người từ đủ 16 tuổi trở lên theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

     

    2. Khách thể của tội buôn lậu

     

    Tội buôn lậu xâm phạm chế độ quản lý ngoại thương của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Theo đó, điều luật quy định đối tượng tác động của hành vi phạm tội này là các loại hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật. Khái niệm hàng hoá ở đây bao gồm tất cả hàng hoá (trừ một số loại hàng hoá do tính chất đặc biệt đã được quy định là đối tượng của một số tội phạm khác).

     

    3. Mặt khách quan của Tội buôn lậu

     

    Hành vi khách quan của Tội buôn lậu được quy định là hành vi buôn bán trái pháp luật qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật.

     

    Hành vi buôn bán trái pháp luật được mô tả trên đây chỉ bị coi là tội phạm khi hàng hoá, tiền Việt Nam, kim khí quý, đá quý có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới mức đó nhưng thuộc một trong các hành trường hợp sau:

     

    - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc một trong các Điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;

     

    - Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

     

    - Buôn bán trái pháp luật qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan và nội địa hoặc ngược lại các đối tượng trên được hiểu là hành vi trao đổi các thứ này qua biên giới quốc gia hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái với quy định của Nhà nước như không khai báo, khai báo gian dối, dùng giấy tờ giả mạo, giấu giếm hàng hoá, không có giấy tờ hợp lệ của cơ quan có thẩm quyền, trốn tránh sự kiểm soát của hải quan, bộ đội biên phòng,… Người buôn lậu có thể chuyển các loại hàng hoá kể trên qua biên giới bằng đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không, đường sắt hoặc qua bưu điện quốc tế,…

     

    - Trường hợp người được thuê vận chuyển (người khuân vác, lái xe) có hành vi vận chuyển (thuê) hàng hoá, tiền tệ,… qua biên giới hoặc từ biên giới hoặc từ khu thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại cho chủ hàng (người buôn lậu) cũng bị coi là phạm tội buôn lậu với vai trò là người giúp sức trong đồng phạm.

     

    Tội buôn lậu được hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi chuyển hàng hoá một cách trái pháp luật qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại.

     

    4. Mặt chủ quan của Tội buôn lậu

     

    Người thực hiện hành vi buôn lậu được xác định với lỗi cố ý (cố ý trực tiếp). Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

     
    8732 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận