Các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 76/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực tư pháp

Chủ đề   RSS   
  • #9871 05/08/2009

    haminhgiap
    Top 500
    Sơ sinh

    Hải Phòng, Việt Nam
    Tham gia:18/09/2008
    Tổng số bài viết (183)
    Số điểm: 485
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 6 lần


    Các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 76/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực tư pháp

    Thực hiện Quyết định số 140/QĐ-TTR ngày 20/6/2008 của Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp về việc thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực luật sư tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh tra do Thanh tra Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp cùng với Vụ Bộ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành làm việc tại Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, Văn phòng Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh và 140 tổ chức hành nghề luật sư và chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư, cụ thể:

    - Tại thành phố Hà Nội, Đoàn đã thanh tra tổng số 66 tổ chức và chi nhánh các tổ chức, gồm: 35 văn phòng luật sư, 01 chi nhánh văn phòng luật sư, 12 công ty luật, 10 chi nhánh công ty luật và 06 trung tâm tư vấn pháp luật;

    - Tại thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn đã thanh tra tổng số 74 các tổ chức và chi nhánh các tổ chức, gồm: 45 văn phòng luật sư, 4 chi nhánh văn phòng luật sư, 18 công ty luật, 10 chi nhánh công ty luật và 02 trung tâm tư vấn pháp luật.

    Đoàn Thanh tra xin báo cáo Bộ trưởng khái quát về tình hình tổ chức, hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số vấn đề nổi cộm, vướng mắc từ kết quả thanh tra như sau:

    I. TÌNH HÌNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LUẬT SƯ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI VÀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

    1. Đối với Sở Tư pháp thành phố Hà Nội

    1.1 Khái quát về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố Hà Nội

    - Theo báo cáo của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, tính đến thời điểm thanh tra số lượng các tổ chức hành nghề luật sư đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:

    + Số lượng các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam: 312 tổ chức (249 văn phòng luật sư và 63 công ty) và 18 chi nhánh các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam;

    + Số lượng các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài: 22 tổ chức;

    + Số lượng các tổ chức hành nghề tư vấn pháp luật: 11 Trung tâm.

    + Số lượng tổ chức hành nghề luật sư bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động:  05 (đều là tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và lý do bị thu hồi là: 02 trường hợp do luật sư - trưởng văn phòng bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư và thẻ luật sư; 03 trường do luật sư - trưởng văn phòng là công chức nhà nước, thôi không làm luật sư.

    1.2. Công tác triển khai thi hành Luật Luật sư

              Để triển khai Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành trên tại địa bàn thành phố Hà Nội đạt hiệu quả, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội đã thực hiện các công tác:

              - Đề xuất với UBND Thành phố cho luật sư được tiếp dân tại UBND thành phố. Khuyến khích Đòan luật sư lập Đề án tiếp dân tại UBND Thành phố nhằm giảm bớt những vụ khiếu kiện của công dân, giải quyết việc khiếu nại, tố cáo của công dân đối với cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội.

              - Hàng năm, Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch thi đua khen thưởng nhằm ghi nhận sự đóng góp tích cực của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng thời khuyến khích các TCHNLS phát triển hơn nữa hoạt động hành nghề luật sư, đóng góp vào sự phát triển của thành phố.

              - Tham mưu, đề xuất với UBND Thành phố khen thưởng 16 tổ chức hành nghề luật sư trong nước và nước ngòai,  5 luật sư đã có nhiều thành tích trong hoạt động của khối Bổ trợ tư pháp các năm 2006, 2007.

              - Tham mưu với UBND thành phố xây dựng Chỉ thị tăng cường công tác quản lý luật sư trên địa bàn thành phố Hà nội. Hiện nay, Chỉ thị đang được hoàn thiện để ban hành.

              - Chủ động đề xuất với UBND thành phố cho Sở Tư pháp và Đoàn luật sư xây dựng quy chế phối hợp quản lý luật sư và hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

    - Báo cáo các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Luật sư với Bộ Tư pháp;

              - Thực hiện kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về tổ chức, hoạt động của Đòan luật sư, tổ chức hành nghề luật sư theo thẩm quyền hoặc theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Chủ tịch UBND thành phố Hà nội, xử phạt vi phạm hành chính đối với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư theo thẩm quyền;

              - Đồng thời, trong những năm qua, Sở Tư pháp Hà Nội đã đề xuất với UBND thành phố Hà Nội: cấp cho Đòan luật sư trụ sở làm việc tại số 19 Tràng Thi. Đến nay, Đoàn luật sư Hà Nội đã tạm thời chuyển địa điểm hoạt động về 39 Linh Lang. Sở Tư pháp Hà Nội vẫn tiếp tục phối hợp với Đoàn luật sư đề xuất xin UBND Thành phố cấp cho địa điểm hoạt động mới khang trang và rộng rãi, đáp ứng với nhu cầu hoạt động và sự phát triển của đoàn luật sư; cấp cho Đòan luật sư 01 chiếc ô tô phục vụ hoạt động đi lại tại các tỉnh ngoài; cấp một phần kinh phí cho Đoàn luật sư để tiến hành đại hội Đòan luật sư năm 2005.

              2. Đối với Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh

    2.1 Khái quát về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố Hà Nội

              - Theo báo cáo của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm thanh tra số lượng các tổ chức hành nghề luật sư đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như sau:

    + Số lượng các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam:  626 tổ chức, 155 chi nhánh các tổ chức hành nghề luật sư và 16 văn phòng giao dịch;

    + Số lượng các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài: 37 tổ chức;

              + Số lượng các tổ chức hành nghề tư vấn pháp luật: 12 Trung tâm.

    + Số lượng tổ chức hành nghề luật sư bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động:  05 (đều là tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và lý do bị thu hồi là Trưởng Văn phòng luật sư chết).

    2.2. Công tác triển khai thi hành Luật Luật sư

              Để triển khai Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành trên tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đạt hiệu quả, Sở Tư pháp đã thực hiện các công tác:

    - Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị về tổ chức thi hành Luật Luật sư trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Chỉ thị số 25/2007/CT-UBND ngày 20/9/2007 của UBND TP.Hồ Chí Minh)

    - Tiến hành rà soát và chuẩn hóa các thủ tục, quy trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư (Quyết định 308/QĐ-STP-BTTP ngày 09/7/2007 về việc ban hành Quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và biểu mẫu liên quan đến hành nghề luật sư trong nước, nước ngoài tại Sở Tư pháp TP.HCM)

    - Xây dựng kế họach phối hợp quản lý và kiểm tra đối với hoạt động luật sư trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh gửi các Ủy ban nhân dân quận, huyện;  

    - Đôn đốc các Tổ chức hành nghề luật sư về việc chuyển đổi hình thức hoạt động theo quy định của Luật Luật sư;

    - Hướng dẫn chế độ báo cáo theo quy định của Luật Luật sư gửi các tổ chức hành nghề luật sư;

    - Báo cáo các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Luật sư với Bộ Tư pháp;

    - Phối hợp kiểm tra các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn Thành phố sau khi cấp giấy đăng ký họat động.

    II. THỰC TRẠNG VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CÁ NHÂN, TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ, TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI VÀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

    1. MỘT SỐ ƯU ĐIỂM NỔI BẬT

    - Hầu hết các tổ chức hành nghề luật sư đều hoạt động đúng theo nội dung đăng ký được ghi trong Giấy Đăng ký hoạt động và đa số các tổ chức hành nghề luật sư chấp hành tương đối tốt các quy định về luật sư như Văn phòng luật sư Nguyễn Chiến, Văn phòng luật sư Đào và đồng nghiệp tại thành phố Hà Nội, Văn phòng luật sư Trương Đình Tùng tại thành phố Hồ Chí Minh.

    - Hoạt động của đa số các tổ chức hành nghề luật sư đã thể hiện vai trò tích cực trong việc nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, trong đó có những tổ chức hành nghề thực hiện nhiều tư vấn pháp luật miễn phí và trợ giúp pháp lý cho các đối tượng chính sách.

              - Dịch vụ tư vấn pháp luật - hoạt động chủ yếu của các tổ chức hành nghề giúp định hướng cho hoạt động của các cá nhân, tổ chức theo đúng quy định của pháp luật góp phần cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Một số tổ chức hành nghề luật sư đã thực sự phát huy được thế mạnh và từng bước khẳng định vai trò của mình trong các lĩnh vực tư vấn đầu tư nứoc ngoài, sở hữu trí tuệ, sở hữư công nghiệp - lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam như Công ty luật trách nhiệm hữu hạn quốc tế Việt Nam, Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh, Công ty luật hợp danh Tầm Nhìn, Công ty luật hợp danh YKVN. Đặc biệt, các công ty và chi nhánh công ty luật nước ngoài đang hoạt động tại Hà Nội Chi nhánh Baker & Mc Kenzie, C«ng ty luËt TNHH Duane Morris ViÖt Nam, Chi nhánh Freshfields Bruckhaus Deringer và tại thành phố Hồ Chí Minh như Công ty luật Mayer Brown JSM Việt Nam, Chi nhánh Gide Loyrette Nouel A.A.R.P.I đều nghiêm túc chấp hành pháp luật Việt Nam, có phương pháp làm việc khoa học và có doanh thu khá lớn, thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ, minh bạch.

    2. CÁC THIẾU SÓT VÀ VI PHẠM PHÁT HIỆN QUA THANH TRA

    Bên cạnh một số ưu điểm nổi bật như đã trình bày trên mục I, căn cứ vào các quy định của Luật Luật sư, Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan khác, Đoàn thanh tra phát hiện tình hình tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư còn có nhiều thiếu sót, sai phạm như sau:

    2.1. Đối với các tổ chức hành nghề luật sư

    2.1.1. Về giấy tờ chứng minh trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư

    - Hợp đồng thuê trụ sở của một số tổ chức hành nghề luật sư đã hết hạn nhưng chưa gia hạn hợp đồng. Đối với những trường hợp này Đoàn thanh tra đã nhắc nhở các tổ chức hành nghề luật sư tiến hành tiếp tục ký kết gia hạn hợp đồng để tránh các tranh chấp có thể phát sinh.

    - Sử dụng trụ sở không đúng địa chỉ được ghi trong Giấy đăng ký hoạt động. Đây là trường hợp của Công ty luật hợp danh Nghiêm & Chính, cụ thể như sau: trong Giấy Đăng ký hoạt động số 41.03.0086 do Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 20/7/2007, địa chỉ trụ sở của Công ty luật hợp danh Nghiêm & Chính được ghi tại: số 6/19, Cách Mạng Tháng Tám, phường Bến Thành, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh nhưng thực tế Công ty chưa bao giờ hoạt động tại trụ sở nêu trên mà lại hoạt động tại: số 8, Nam Kỳ, Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù ngang nhiên sử dụng trụ sở không đúng địa chỉ được ghi trong Giấy đăng ký hoạt động trong một thời gian khá dài nhưng Luật Luật sư và Nghị định 76/2006/NĐ-CP của Chính phủ không có quy định cụ thể nào về vấn đề này nên Đoàn thanh tra không có cơ sở pháp luật để xử lý.

    2.1.2. Về việc sử dụng Giấy đăng ký hoạt động, chứng chỉ hành nghề luật sư và thẻ luật sư

    - Hầu hết các tổ chức hành nghề luật sư được kiểm tra đều xuất trình được Giấy đăng ký hoạt động, chứng chỉ hành nghề luật sư và thẻ luật sư của các luật sư đang hoạt động tại tổ chức của mình và tất cả các giấy tờ gốc được kiểm tra đều còn nguyên vẹn, không sửa chữa, tẩy xoá. Tuy nhiên, duy nhất tại Chi nhánh Văn phòng luật sư pháp quyền, Luật sư Lê Trần Luật (thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận) - Trưởng Văn phòng và cũng là Trưởng Chi nhánh đã không xuất trình được bản chính Thẻ luật sư và báo cáo với Đoàn thanh tra là thẻ luật sư do Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận cấp 20/4/2002 đã bị mất tháng 4/2007, tháng 6/2007 đã làm đơn xin cấp lại thẻ nhưng vẫn chưa được cấp lại. Đồng thời, Luật sư Lê Trần Luật cũng có văn bản cam kết không cho mượn thẻ luật sư và thẻ cũng khôngbị tạm thu, tạm giữ. Tuy nhiên, tại thành phố Hồ Chí Minh Đoàn thanh tra chưa có điều kiện xác minh, làm rõ vấn đề này.

    2.1.3. Về việc sử dụng biển hiệu

    Việc chấp hành quy định của pháp luật về sử dụng biển hiệu của các tổ chức hành nghề luật sư còn có nhiều sai phạm, cụ thể như sau:

    - Không có biển hiệu, đây cũng là trường hợp của Công ty luật hợp danh Nghiêm & Chính, khi Đoàn thanh tra tra kiểm tra tại địa chỉ trụ sở ghi trên Giấy đăng ký hoạt động thì thấy rằng tại địa chỉ đó không có biển hiệu nào của công ty và cũng không thấy dấu hiệu nào cho thấy Công ty có hoạt động tại địa chỉ đó;

    - Là công ty luật trách nhiệm hữu hạn nhưng lại sử dụng biện hiệu là Văn phòng luật sư (Công ty luật trách nhiệm hữu hạn Thắng & Đồng sự), việc sử dụng biển hiệu như vậy dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng về khả năng chịu trách nhiệm của tổ chức hành nghề luật sư.

    Hai hành vi trên đã vi phạm nghiêm trọng Điều 30, Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18/01/2006 của Chính phủ và vi phạm điểm c, khoản 1, Điều 22 của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp. Đoàn thanh tra xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng cho tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với hai hành vi nói trên)

    Ngoài ra, qua thanh tra còn phát hiện ra một số những vi phạm khác dưới đây:

    - Không ghi tên đầy đủ theo tên đã đăng ký và được Sở Tư pháp ghi trong Giấy Đăng ký hoạt động mà chỉ ghi tên giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư trên biển hiệu. Đây là lỗi phổ biến của nhiều tổ chức hành nghề luật sư, nhất là đối với các tổ chức đặt trụ sở tại các toà nhà cao tầng, ví dụ: Văn phòng luật sư DC do Luật sư Lê Công Định - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng văn phong.

    - Biển hiệu chỉ có logo (Văn phòng luật sư AIC tại Hà Nội).

    - Là chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nhưng lại sử dụng biển hiệu là tên của tổ chức hành nghề (Đặng Dũng & Ninh Hoà, Chi nhánh Công ty luật hợp danh Hùng Vương tại thành phố Hồ Chí Minh).

    2.1.4. Về việc thực hiện thông báo cho Sở Tư pháp và Đoàn luật sư theo quy định của pháp luật

    - Không thực hiện việc thông báo cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động về việc mở chi nhánh ở ngoài địa phương sau khi chi nhánh được cấp giấy đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật (Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn quốc tế Việt Nam, Văn phòng luật sư Phùng Anh Tuấn & Đồng sự tại thành phố Hồ Chí Minh). Hành vi này vi phạm điểm b, khoản 1, Điều 22 của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp và vi phạm đoạn 2, khoản 2, Điều 41 của Luật luật sư. Đoạn 2, khoản 2, Điều 41 của Luật luật sư quy định: “Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh cho Sở Tư pháp, Đoàn luật sư ở địa phương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động và Đoàn luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của chi nhánh”.      Tuy nhiên, các tổ chức hành nghề luật sư này đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thời hạn theo quy định, cụ thể như sau:

    + Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn quốc tế Việt Nam (VILAF-HỒNG ĐỨC): Chi nhánh của Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn quốc tế Việt Nam tại Hà Nội được Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cấp lần 2 ngày 12 tháng 9 năm 2007 nhưng đến tại thời điểm Đoàn thanh tra đến làm việc Công ty vẫn chưa thực hiện thông báo cho Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh về việc mở Chi nhánh tại Hà Nội chỉ sau khi Đoàn thanh tra lập biên bản vi phạm, Công ty mới có văn bản thông báo cho Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh.

    + Văn phòng luật sư Phùng Anh Tuấn & Đồng sự: Chi nhánh của Văn phòng luật sư Phùng Anh Tuấn & Đồng sự được Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cấp ngày 08/4/2008 nhưng đến ngày 08/7/2008 (thời điểm Đoàn thanh tra đã phát hành Quyết định thanh tra và Công văn thông báo nội dung, lịch thanh tra đến Văn phòng), Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh mới nhận được văn bản thông báo về việc thành lập chi nhánh của Văn phòng tại Hà Nội.

    - Không thông báo cho Sở Tư pháp và Đoàn luật sư địa phương nơi đăng ký hoạt động theo quy định khi tạm ngưng hoạt động (Văn phòng luật sư Việt Quốc tại Hà Nội do luật sư Giáp Thị Thu phương làm Trưởng văn phòng). Hành vi này đã vi phạm điểm d, khoản 1, Điều 22 của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp. Đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, ngày 02/6/2008 đã có Quyết định số 01/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với Văn phòng luật sư Việt Quốc và cho đến nay Văn phòng này đã tự nguyện thi hành xong Quyết định xử phạt nói trên.

    - Không thông báo trước cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động và làm thủ tục yêu cầu Sở Tư pháp cấp lại giấy đăng ký hoạt động khi thay đổi địa chỉ trụ sở (Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự do Luật sư Phạm Hồng Hải - Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội làm Trưởng văn phòng, Văn phòng luật sư Sài Gòn Việt tại thành phố Hồ Chí Minh). Hành vi này vi phạm khoản 1, Điều 36, Luật Luật sư và điểm e, khoản 1, Điều 22 của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp. Tuy nhiên, sau khi được thanh tra các tổ chức hành nghề luật sư nói trên đã khắc phục ngay và làm thủ tục thông báo, đề nghị thay đổi nội dung đăng ký hoạt động với Sở Tư pháp.

    - Không thông báo cho Đoàn luật sư địa phương nơi đăng ký hoạt động theo quy định khi thay đổi nội dung đăng ký hoạt động - vi phạm khoản 4, Điều 35 và khoản 1, Điều 36 Luật Luật sư và điểm e, khoản 1, Điều 22 của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp. Đây cũng là vi phạm khá phổ biến của các tổ chức hành nghề luật sư tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng sau khi được thanh tra các tổ chức hành nghề luật sư nói trên đã khắc phục ngay và làm thủ tục thông báo cho Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh.

    - Không thông báo cho Đoàn luật sư địa phương nơi đăng ký hoạt động theo quy định khi thành lập - hành vi này đã vi phạm khoản 4, Điều 35 và là vi phạm khá phổ biến của các tổ chức hành nghề luật sư tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Nghị định số 76/2006/NĐ-CP quy định về vấn đề này tại điểm d, khoản 1, Điều 22 còn gây nhiều tranh cãi.

    - Không thông báo cho Đoàn luật sư nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động và/hoặc Đoàn luật sư nơi có trụ sở của chi nhánh về việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của chi nhánh (Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn quốc tế Việt Nam, Văn phòng luật sư Phùng Anh Tuấn & Đồng sự tại thành phố Hồ Chí Minh). Hành vi này vi phạm khoản 2, Điều 41, Luật Luật sư nhưng Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp lại không có quy định về vấn đề này.

    - Không thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp và Đoàn luật sư nơi đăng ký hoạt động về địa chỉ văn phòng giao dịch (Công ty Luật Hợp danh Đông Đô tại Hà Nội) - vi phạm Điều 42, Luật Luật sư nhưng Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp lại không có quy định về vấn đề này.

    2.1.5. Về việc đăng báo theo quy định khi thành lập, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động

    - Một số tổ chức hành nghề luật sư đã không đăng báo khi thành lập nhưng tất cả các trường hợp này đều đã hết thời hạn xử lý vi phạm hoặc hành vi hành vi vi phạm đó dược thực hiện trước khi Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp có hiệu lực thi hành. Các trường hợp này Đoàn thanh tra đều đã nhắc nhở, rút kinh nghiệm.

    - Có đăng báo khi thành lập (đăng bố cáo thành lập văn phòng) nhưng không đúng về số lượng (03 số liên tiếp) và/hoặc không đúng thời hạn (trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động) theo quy định - vi phạm khoản 1, Điều 38, Luật Luật sư và điểm d, khoản 1, Điều 22 của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp. Tuy nhiên, xét thấy đây là những vi phạm vô ý nên Đoàn thanh tra nhắc nhở, rút kinh nghiệm thực hiện đúng quy định của pháp luật.

    - Nhiều tổ chức hành nghề luật sư đã không đăng báo theo quy định khi thay đổi nội dung đăng ký hoạt động hoặc có đăng nhưng không đúng về số lượng và thời hạn như theo quy định về việc đăng báo khi thành lập. Hành vi này vi phạm khoản 2, Điều 38 Luật Luật sư nhưng không có chế tài xử lý theo quy định của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP.

    2.1.6. Về nội dung hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư

    - Hoạt động ngoài lĩnh vực hành nghề ghi trong giấy đăng ký hoạt động, vi phạm điểm d, khoản 1, Điều 22 của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp và vi phạm đạo đức hành nghề luật sư, đây là trường hợp của Văn phòng luật sư Lê Thị Như Hương do Luật sư Lê Thị Như Hương làm Trưởng văn phòng có 02 phiếu thu thu tiền của khách hàng với nội dung "chống náo loạn" và thu thêm tiền ngoài hợp đồng dịch vụ pháp lý đã thoả thuận với khách hàng. Do hiện nay có một số đơn tố cáo Luật sư Lê Thị Như Hương vi phạm đạo đức hành nghề luật sư và vi phạm pháp luật nên Đoàn thanh tra đã bàn giao Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để xử lý theo thẩm quyền và thông báo kết quả về Thanh tra Bộ.

    - Hành vi để người khác (không phải là thành viên, không ký hợp đồng lao động và không có văn bản uỷ quyền) tiến hành ký kết các hợp đồng dịch vụ pháp lý nhân danh tổ chức hành nghề luật sư của mình (Văn phòng luật sư Hùng và Đồng sự tại thành phố Hồ Chí Minh). Hành vi này vi phạm khoản 1, Điều 33, Luật Luật sư nhưng không được quy định trong Nghị định số 76/2006/NĐ-CP nên Đoàn thanh tra chỉ yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và rút kinh nghiệm thực hiện đúng quy định của Luật Luật sư.

    - Hành vi vi phạm Luật Khiếu nại, tố cáo, đây là trường hợp của Văn phòng luật sư Đức Quang tại Hà Nội do Luật sư Nguyễn Đức Quang làm Trưởng văn phòng. Văn phòng luật sư Đức Quang đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý làm đại diện hợp pháp cho 1200 hộ dân đang kinh doanh tại chợ Mơ khiếu kiện Uỷ ban nhân dân quận Hai Bà Trưng. Việc này phù hợp với quy định của Luật Luật sư về lĩnh vực hoạt động "đại diện ngoài tố tụng" của tổ chức hành nghề luật sư nhưng lại vi phạm Luật Khiếu nại, tố cáo vì tại điểm a, khoản1,  Điều 17, Luật Khiếu nại, tố cáo quy định "người khiếu nại phải "tự mình khiếu nại..." và điểm b, khoản 1, Điều 17, Luật Khiếu nại, tố cáo cũng quy định người khiếu nại chỉ được "nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại". Tuy nhiên, vì vấn đề này không được quy định tại Nghị định số 76/2006/NĐ-CP nên Đoàn thanh tra chỉ giải thích các quy định của pháp luật, yêu cầu Văn phòng luật sư Đức Quang thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Hiện nay, Văn phòng luật sư Đức Quang đã tiến hành thanh lý hợp đồng với các hộ dân và chỉ giúp đỡ người người khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự và triển khai dự án tại chợ Mơ.

    - Hợp đồng dịch vụ pháp lý không được làm bằng văn bản - vi phạm Điều 26 Luật Luật sư (Điều 26 quy định: Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý (trừ trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức) và hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được làm thành văn bản và có đủ 6 nội dung chính). Đây là vi phạm rất phổ biến của các tổ chức hành nghề luật sư, điển hình trong số đó là Văn phòng luật sư Trương Thị Hoà (4444 vụ việc không có hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản), ....(...vụ việc, trị giá.... đồng). Tuy nhiên, Nghị định số 76/2006/NĐ-CP lại không có quy định về nội dung này.

    Tại Văn phòng luật sư Sài Gòn do Luật sư Nguyễn Đăng Trừng - Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng Văn phòng, Đoàn thanh tra phát hiện có 07 đơn nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi. Theo Luật sư Nguyễn Đăng Trừng thì từ 01/01/2007 đến thời điểm Đoàn thanh tra làm việc (ngày 24/7/2008), Văn phòng có tổng số 07 vụ tranh tụng, hợp đồng dịch vụ pháp lý của các vụ việc đó được làm dưới hình thức đơn nhờ luật sư và kèm theo hoá đơn tài chính xuất cho khách hàng. Theo luật sư Nguyễn Đăng Trừng thì 07 Đơn  nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi là hợp đồng dịch vụ pháp lý, nhưng trong 07 “Hợp đồng” đó lại không ghi mức thù lao đã thoả thuận với khách hàng. Theo đó, hành vi của luật sư Nguyễn Đăng Trừng vi phạm điểm a, khoản 2, Điều 21 của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP quy định xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng và điểm d, khoản 3, Điều 21 của Nghị định này quy định tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 1 năm đối với hành vi không ghi rõ mức thù lao đã thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.

    Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 26 của Luật Luật sư, Đoàn thanh tra cho rằng: mặc dù theo luật sư Nguyễn Đăng Trừng, 07 Đơn  nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi là hợp đồng dịch vụ pháp lý, nhưng thực tế 07 Đơn này chỉ có 1 bên là khách hàng, không có sự giao kết, thoả thuận của luật sư Nguyễn Đăng Trừng, không có những nội dung chính theo quy định tại khoản 2, Điều 26 của Luật Luật sư như: thời hạn thực hiện hợp đồng, phương thức tính và mức thù lao cụ thể, các khoản chi phí (nếu có), trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp. Do đó, 07 Đơn nhờ Luật sư bảo vệ quyền lợi nêu trên không phải là hợp đồng dịch vụ pháp lý theo quy định tại Điều 26 của Luật Luật sư. Đây là hành vi vi phạm Điều 26 của Luật Luật sư (thực hiện dịch vụ pháp lý mà không có hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản).

    Việc cung cấp dịch vụ pháp lý không có hợp đồng bằng văn bản là hành vi cố ý vi phạm pháp luật. Luật sư là người hành nghề chuyên nghiệp trong lĩnh vực pháp luật, do đó phải có hiểu biết pháp luật và trước hết phải gương mẫu chấp hành pháp luật. Hành vi này thể hiện sự cố ý vi phạm và thể hiện sự thiếu minh bạch trong giao dịch với khách hàng, thiếu minh bạch trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế vì khi xảy ra tranh chấp với khách hàng sẽ không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Mặt khác, không có hợp đồng dịch vụ pháp lý thì không thể công khai mức thù lao thoả thuận với khách hàng và không đủ cơ sở để xác định nghĩa vụ thuế, vì không có hợp đồng, không có sự công khai thoả thuận, ràng buộc mức thù lao với khách hàng thì có thể luật sư sẽ tuỳ tiện lập phiếu thu, xuất hoá đơn hoặc không xuất hoá đơn, cơ quan thuế sẽ rất khó xác định thu nhập của luật sư để thu thuế. Thực tế, Đoàn thanh tra chuyên ngành chưa có đủ lực lượng, khả năng chuyên môn về thuế để làm rõ việc chấp hành pháp luật về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của các tổ chức hành nghề luật sư có vi phạm nêu trên. Đoàn thanh tra nhận thấy, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần phải tổ chức thanh tra liên ngành với sự tham gia của Thanh tra thuế, Công an để thanh tra đối với tất cả các tổ chức hành nghề luật sư có hành vi vi phạm là cung cấp dịch vụ pháp lý mà không có hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản theo quy định của Điều 26 của Luật Luật sư.

    - Không ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý về mức thù lao đã thoả thuận với khách hàng - vi phạm điểm a, khoản 2, Điều 21, Nghị định số 76/2006/NĐ-CP, cụ thể là:

    - Không ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý về mức thù lao đã thoả thuận với khách hàng theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 26 của Luật Luật sư và vi phạm điểm a, khoản 2, Điều 21, Nghị định số 76/2006/NĐ-CP, theo đó, hành vi này bị xử phạt từ tiền 3 đến 5 triệu đồng. Đồng thời, theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 21 của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP thì luật sư thực hiện hành vi vi phạm này có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 1 năm đối với hành vi không ghi rõ mức thù lao đã thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý: Luật sư Trần Mỹ Thoa - Trưởng Văn phòng luật sư Trần Mỹ Thoa (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) có vi phạm nghiêm trọng và mang tính hệ thống. Đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, nghiêm khắc cảnh cáo và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi này. Tuy nhiên, do thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp này đã hết nên không ra quyết định xử phạt.

    2.1.7. Việc chấp hành pháp luật về lao động, sổ sách kế toán và nghĩa vụ tài chính

    Hầu hết các tổ chức hành nghề luật sư đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật về lao động, sổ sách kế toán và nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, vẫn còn một số tổ chức hành nghề luật sư chưa mua bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế cho người lao động, chưa kê khai sổ sách kế toán và làm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước chẳng hạn nhu Văn phòng luật sư Trương Công Bình tại thành phố Hồ Chí Minh do Luật sư Trương Công Bình làm Trưởng văn phòng được cấp Giấy đăng ký hoạt động từ năm 2002 nhưng cho đến thời điểm Đoàn thanh tra tiến hành làm việc tại Văn phòng vẫn chưa kê khai sổ sách, kế toán và chưa đóng thuế cho Nhà nước (kể cả thuế môn bài).

    2.1.8. Việc chấp hành pháp luật về thanh tra

    - Có dấu hiệu trốn tránh làm việc với Đoàn thanh tra như: viện lý do vắng mặt, lấy lý do chưa nhận được công văn (Công ty luật trách nhiệm hữu hạn Hồng Lạc tại thành phố Hồ Chí Minh), hạ biển hiệu và báo tạm ngừng hoạt động vào đúng ngày Đoàn thanh tra đến làm việc (Chi nhánh Văn phòng luật sư Tùng Thư tại thành phố Hồ Chí Minh);

    - Không có văn bản báo cáo và/hoặc không cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn thanh tra.

    2.1.9. Việc chấp hành báo cáo theo yêu cầu

              Nhiều tổ chức hành nghề luật sư còn chưa chấp hành báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền - vi phạm khoản 8, Điều 40, Luật Luật sư. Theo ý kiến của các Sở Tư pháp: việc thực hiện báo cáo của các tổ chức hành nghề luật sư là cần thiết (bảo đảm cho công tác quản lý được chặt chẽ, thông tin về các tổ chức hành nghề luật sư được cập nhật thường xuyên, đồng thời là cơ sở để Sở Tư pháp tổng hợp số liệu để báo cáo định kỳ với Bộ Tư pháp theo mẫu báo cáo TP-LS11). Tuy nhiên, Nghị định số 76/2006/NĐ-CP không có chế tài xử lý vi phạm này mà chỉ có quy định xử phạt hành vi "không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ..." nên Đoàn thanh tra chỉ nhắc nhở và yêu cầu các tổ chức hành nghề luật sư thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, kịp thời đối với Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư.

    2.1.10. Về việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư

    Hầu hết các tổ chức hành nghề luật sư chưa mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư. Đây là vấn đề còn nhiều vướng mắc, khó khăn của các tổ chức hành nghề luật sư vì không đủ khả năng mua hoặc muốn mua nhưng chưa biết mua ở đâu. Vấn đề này, các tổ chức luật sư đang cần sự hướng dẫn cụ thể của Bộ Tư pháp.

    III: KIẾN NGHỊ CỦA THANH TRA BỘ VỀ MỘT SỐ TỒN TẠI, VƯỚNG MẮC VÀ BẤT CẬP CỦA PHÁP LUẬT

    1. Kiến nghị đối với Nghị định số 76/2006/NĐ-CP     

              Tại thời điểm xây dựng Nghị định 76 vẫn chưa có các văn bản quy phạm pháp luật ra đời hoặc được sửa đổi như:

    - Luật Luật sư ngày 29 tháng 6 năm 2006[1];

    - Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;

     - Luật Công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006;

    - Luật Quốc tịch Việt Nam ngày 13 tháng 11 năm 2008;

    -Luật thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008;

    - Đặc biệt là Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

    Do đó nói về mặt hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã có sự bất cập, hầu hết các văn bản làm căn cứ xây dựng Nghị định 76 đã bị thay đổi hoặc mới có.

    Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, nội dung của Nghị định đã phát sinh một số tồn tại, bất cập đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tư pháp trong tình hình mới.

    Thanh tra Bộ đề nghị: Xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 76/2006/NĐ-CP trong đó sửa đổi, bổ sung những vấn đề lớn, bức xúc, nổi cộm phát sinh trong thực tiễn công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp hơn hai năm vừa qua nhằm kịp thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; sửa đổi một số quy định hiện hành không còn phù hợp với các quy định của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung mới ban hành  hoặc bổ sung một số quy định còn thiếu.  Việc sửa đổi bổ sung nhằm kịp thời cập nhật, bổ sung những quy định trong các luật mới được ban hành  mà Nghị định còn thiếu nhằm bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện của văn bản, đó là Luật Công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật Quốc tịch Việt Nam ngày 13 tháng 11 năm 2008; Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008. Kế thừa và tiếp tục duy trì những quy định của Nghị định số 76/2006/NĐ-CP hiện hành còn phù hợp và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn xã hội.

    Theo tinh thần của Luật Luật sư năm 2006, bổ sung một số hành vi và hình thức xử phạt tại các điều từ Điều 25 đến Điều 30 như: Bổ sung hành vi vi phạm quy định về hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; hành vi vi phạm quy định trong hoạt động hành nghề của luật sư; hành vi vi phạm quy định về tổ chức hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; hành vi vi phạm quy định về quản lý nhà nước của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Cụ thể như sau:

    1.Hành vi giả mạo giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

    2.Hành vi thực hiện dịch vụ pháp lý mà không có hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản; Lập hợp đồng dịch vụ pháp lý không đúng quy định;

    3.Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân hoạt động không theo đúng lĩnh vực hành nghề ghi trong Giấy đăng ký hành nghề luật sư;

    4. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân đăng ký hai hoặc nhiều địa điểm giao dịch;

    5. Không thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của mình trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng;

    6. Chuyển giao vụ việc mà mình đã nhận cho luật sư khác làm thay khi chưa được sự đồng ý của khách hàng, trừ trường hợp bất khả kháng;

    7. Không thông báo bằng văn bản cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc được cấp Giấy đăng ký hành nghề luật sư với tư cách là cá nhân; thay đổi nội dung đăng ký hành nghề luật sư.

    8. Sách nhiễu, lừa dối, ép buộc khách hàng đưa thêm tiền hoặc lợi ích vật chất khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý;

    9. Từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí khi được yêu cầu;

    10 Tự ý tẩy xóa hoặc sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy đăng ký hoạt động; Giấy chứng nhận tham gia tố tụng,Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam; Giấy phép hành nghề luật sư với tư cách cá nhân;

    11.Giả mạo giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân; hồ sơ xin cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam;

    12. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không đăng ký hành nghề tại cơ quan có thẩm quyền; không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

    13. Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ việc;

    14. Cố ý cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật;

    15. Xúi giục khách hàng khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện trái pháp luật;

    16. Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

    17. Móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức khác để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ việc;

    18. Lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

    19. Luật sư nước ngoài hoạt động không theo đúng hình thức hành nghề của luật sư nước ngoài đã  được  quy định;

    20. Luật sư nước ngoài tư vấn pháp luật Việt Nam khi chưa có bằng cử nhân luật của Việt Nam và chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một luật sư Việt Nam;

    21. Luật sư nước ngoài tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam.

    22. Tịch thu giấy tờ giả mạo đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều này;

    23. Không thông báo bằng văn bản hoặc thông báo không đúng thời hạn cho các cơ quan có thẩm quyền, đoàn luật sư về việc đặt cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài; chấm dứt hoạt động của cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài;

    24. Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động với cơ quan có thẩm quyền không theo đúng thời hạn quy định;

    25. Không thông báo bằng văn bản hoặc thông báo không đúng thời hạn cho cơ quan có thẩm quyền, Đoàn luật sư sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; tạm ngừng và tiếp tục hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; Giấy đăng ký hoạt động Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư; việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Chi nhánh; địa chỉ của Văn phòng giao dịch;

    26. Không công bố hoặc công bố không đúng nội dung; thời hạn; số lần, hình thức công bố theo quy định đối với nội dung đăng ký hoạt động; nội dung thay đổi hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư;

    27. Tự ý tẩy xóa hoặc sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; Giấy đăng ký hoạt động Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư;

    28. Giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hoạt động, đăng ký thay đổi nội dung hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư; hồ sơ xin cấp Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam; Giấy phép thành lập chi nhánh của Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;

    29. Hoạt động không theo đúng lĩnh vực hành nghề ghi trong Giấy đăng ký hoạt động;

    30. Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư thực hiện việc cung cấp dịch vụ pháp lý;

    31. Không cử luật sư của tổ chức mình tham gia tố tụng theo phân công của Đoàn luật sư;

    32. Không cho phép hoặc không tạo điều kiện cho luật sư của tổ chức mình thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí;

    33. Không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

    34. Để cá nhân, tổ chức khác tiến hành hoạt động hành nghề luật sư tại văn phòng giao dịch của mình;

    35. Thay đổi nội dung hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; chi nhánh, công ty luật nước ngoài khi chưa được cấp lại Giấy đăng ký hoạt động theo quy định;

    36. Chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam cử luật sư nước ngoài tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam.

    37. Không đăng ký hoạt động với cơ quan có thẩm quyền về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư; chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư; chi nhánh, công ty luật nước ngoài với cơ quan có thẩm quyền; chi nhánh của Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

    38. Bổ sung các hành vi vi phạm quy định về quản lý nhà nước của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư

    a)  Không phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư hoặc trực tiếp cử luật sư hành nghề với tư cách cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng;

    b)  Không báo cáo cơ quan có thẩm quyền về Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, phương án xây dựng Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật nhiệm kỳ mới trước khi tổ chức đại hội nhiệm kỳ;

    c) Không gửi cơ quan có thẩm quyền về báo cáo kết quả Đại hội nhiệm kỳ; các giấy tờ khác theo quy định và báo cáo kết quả Đại hội để bãi nhiệm và bầu mới hoặc bầu thay thế Chủ nhiệm, bầu bổ sung ủy viên Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật để trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn kết quả Đại hội theo thẩm quyền;

    d) Không thực hiện báo cáo năm về tình hình tổ chức, hoạt động của tổ chức xã hội nghề nghiệp về luật sư cho cơ quan, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư có thẩm quyền;

    đ) Không gửi quy định, quyết định, thông qua nghị quyết của của tổ chức xã hội nghề nghiệp về luật sư  cho cơ quan, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư có thẩm quyền.

    e) Hành vi lợi dụng danh nghĩa của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

    39. Sử dụng trụ sở không đúng địa chỉ được ghi trong Giấy đăng ký hoạt động;

    40. Hành vi vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan như chấp hành pháp luật về thuế, tài chính.

              Ngoài ra, nên xem xét sửa đổi điểm e, khoản 1, Điều 22 của Nghị định 76/2006/NĐ-CP để phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 36 của Luật Luật sư; sửa đổi điểm d, khoản 1, Điều 22 của Nghị định 76/2006/NĐ-CP vì quy định không rõ ràng.

    2. Một số kiến nghị khác

    - Đề nghị điều chỉnh tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại chương II Nghị định 76/2006/NĐ – CP cho phù hợp với mức tăng được quy định tại khoản 2, điều 14; Điều 28; Điều 29; Điều 38; Điều 40 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính của Uỷ ban thường vụ Quốc hội số 04/2008/UBTVQH12 ngày 02/4/2008. Để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội cần bỏ mức phạt tình tối thiểu như hiện tại và nâng mức phạt tiền tối thiểu lên 500.000 đồng.

    - Cần quy định cụ thể hơn về thủ tục xử phạt, có biểu mẫu các biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính kềm theo trong Nghị định như sau:

    Mẫu số 1

    Mẫu số 2 

    - Cần quy định thẩm quyền tạm giữ các giấy tờ như giấy đăng ký hoạt động, chứng chỉ hành nghề, thẻ luật sư trong trường hợp có vi phạm và cần xử phạt hành chính để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt hành chính.

              - Bộ Tư pháp cần ra văn bản hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời đối với các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình quản lý và đăng ký hoạt động động của tổ chức hành nghề luật sư.

              - Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra công tác tư pháp, đặc biệt là kiểm tra, thanh tra họat động của tổ chức hành nghề luật sư cho địa phương.

    Trên đây là một số vấn đề về góp ý sửa đổi bổ sung Nghị định 76/2006/NĐ-CP, chúng tôi xin trình bày để các cán bộ làm công tác thanh tra, đặc biệt là thanh tra trong ngành Tư pháp và các đọc giả cùng tham khảo.

    Nguồn: Thanh tra Bộ Tư pháp./.

     
    6283 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận