Giấy chứng đăng ký quyền tác giả (hay mọi người còn gọi đời thường là giấy chứng nhận đăng ký bản quyền)/ quyền liên quan sẽ được cấp cho cho tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả/quyền liên quan.
Mặc dù theo pháp luật sở hữu trí tuệ, đây là hai quyền được bảo hộ theo cơ chế tự động, tức không cần thủ tục đăng ký bảo hộ.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại thủ tục bảo hộ nhằm cung cấp bằng chứng xác thực khi có trường hợp tranh chấp xảy ra. Theo đó, sẽ vẫn có trường hợp về hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả/ quyền liên quan nếu không đáp ứng điều kiện. Cụ thể:
1. Các trường hợp hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả/ quyền liên quan:
Khi phát hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thuộc một trong những trường hợp sau thì các nhân, tổ chức có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, cụ thể:
- Trường hợp thứ nhất: Người được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
- Trường hợp thứ hai: Tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã đăng ký không thuộc đối tượng bảo hộ theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp thứ ba: Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trái với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (ngoài hai trường hợp thứ nhất và thứ hai).
(Theo mình hiểu ,có thể lấy ví vụ về trường hợp cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan trái quy định như:
+ Tác phẩm văn học A được hai đồng tác giả viế và các tác giả đều có đơn đăng ký quyền tác giả hợp lệ nhưng Cục bản quyền tác giả chỉ Giấy chứng nhận cho một tác giả trong số hai đồng tác giả….
+ A viết một tác phẩm văn học bằng tiếng Việt nhưng đặt tựa đề bằng tiếng anh là “The spotlight” và A không tiến hành công bố tác phẩm này. Sau đó, B đã sao chép 95% tác phẩm trên của A và xuất bản thành cuốn sách khác với tựa đề “Tâm điểm” rồi đi đăng ký quyền tác giả và công bố tác phẩm. Hành vi của B là xâm phạm quyền tác giả của A theo khoản 2, 3, 5, 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009. Và như vậy, việc Cục bản quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho B là trái quy định của pháp luật.)
2. Cơ quan có thẩm quyền
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) có thẩm quyền hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
3. Cách thức yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả/ quyền liên quan:
Để hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trong các trường hợp nêu trên thì các cá nhân, tổ chức có 02 các thức tiến hành sau:
- Cách thức thứ nhất: Nộp “Đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả” hoặc “Đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyên liên quan đến Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đơn nêu rõ lý do huỷ bỏ.
- Cách thức thứ hai: Khởi kiện ra tòa án về vụ việc dân sự yêu cầu tòa án ra phán quyết hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan khi cá nhân, tổ chức đó cho rằng quyền tác giả, quyền liên quan của mình bị xâm phạm.
4. Thời hạn
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được một trong các giấy tờ dưới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) ra quyết định hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan:
- Bản án, Quyết định có hiệu lực của Tòa án hoặc Quyết định của cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quy định tại Điều 200 của Luật sở hữu trí tuệ về việc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
- Văn bản của tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan đã được cấp.
Căn cứ pháp lý:
+ Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009;
+ Nghị định 22/2018/NĐ-CP.
Cập nhật bởi lanbkd ngày 12/11/2018 02:53:59 SA