Thời gian nghỉ chế độ thai sản của lao động nữ được chia thành các thời kỳ theo từng chế độ khác nhau. Cụ thể:
Thứ nhất, Về thời gian hưởng chế độ khi khám thai thì “1. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.” (Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Thứ hai, Thời gian không phải làm công việc nặng nhọc, làm việc vào ban đêm:
Tại Điều 155 Bộ luật lao động 2012 có quy định:
“1. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:
a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
2. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.”
Như vậy, nếu lao động nữ mang thai tại tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì ngừoi sử dụng lao động sẽ không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa. Nếu làm trong môi trường nặng nhọc thì mang thai từ tháng thứ 7 sẽ được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.
Trong thời gian nghỉ thai sản, ngừoi sử dụng không được phép sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ.
Thứ ba, thời gian được nghỉ thai sản:
Điều 157 Bộ luật lao động 2012 quy định:
“1. Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.
4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng.”
Như vậy, thời gian lao động nữ nghỉ thai sản là 6 tháng, và nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Hết thời gian nghỉ thai sản tùy thuộc vào tình hình sức khỏe và nhu cầu của người lao động để xác định có nghỉ tiếp hay không.
Trên đây là các mốc thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ, dựa vào các quy định pháp luật để lao động nữ có cái nhìn tổng quát cũng như biết được các quyền lợi của mình đối với chế độ thai sản.