Nhũng ngày gần đây, dư luận trong nước lên án kịch liệt hành vi tàn nhẫn mà bọn cướp đã thực hiện trong vụ 5 hiệp sĩ tham gia giải cứu thì có đến 2 người hy sinh, 3 người bị thương đã được cấp cứu kịp thời. Mặc dù các tên hung thủ đã sa lưới pháp luật nhưng ta vẫn thấy, các ngày sau vẫn có những tin tức các hiệp sĩ tiếp tục “thay trời hành đạo”. Vậy nên, mình nghĩ đã đến lúc nên xem xét thật kĩ lại vấn đề an toàn của những con người trượng nghĩa này, khi mà đánh đổi của họ là quá lớn nếu có đáng tiếc xảy ra. Vì thế một câu hỏi được đặt ra: Nên trang bi cho hiệp sĩ phương tiện tự vệ trong các trường hợp phòng chống tội phạm?
Theo pháp luật Việt Nam mà cụ thể hơn là Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
-
Quy định tại Điều 18 về đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, theo đó bao gồm: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Cảnh sát biển; Công an nhân dân; Cơ yếu; Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm lâm, Kiểm ngư; An ninh hàng không; Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan.
Như vậy có thể thấy “hiệp sĩ” không nằm trong những đối tượng sẽ được trang bị vũ khí vì thế họ không được trang bị những vũ khí phòng thân khi tham gia phòng chống tội phạm, điều này có lẽ xuất phát từ việc họ thành lập một cách tự phát và không kiểm soát dẫn đến họ không những không được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ, mà các chính sách hỗ trợ họ khi gặp những chấn thượng hoặc tử vong cũng không đủ điều kiện để áp dụng (có thể nhắc đến quy định Pháp lệnh ưu đãi người có công).
Do đó từ ý kiến riêng của mình, các hiệp sĩ nên được trang bị các dụng cụ hoặc những vật dụng tự vệ trong khuôn khổ pháp luật như những đối tượng mình đã liệt kê ở phía trên. Có thể nhắc đến một số công cụ hổ trợ có tính sát thương và mức độ nguy hiểm có thể kiểm soát được, mà các hiệp sĩ có thể được trang bị thêm: các phương tiện xịt hơi cay, la – de, áo giáp. Đây là những công cụ hỗ trợ được pháp luật chúng ta quy định rằng: “Các đối tượng có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định” (Khoản 2 Điều 30 của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ). Vì thế việc trang bị những công cụ này cho các hiệp sĩ hoàn toàn có thể xảy ra nếu như ta thật sự quan tâm đến vấn nạn này đang xảy ra trong xã hội. Nhưng, mình cũng đề cập đến những trường hợp lợi dụng danh nghĩa “hiệp sĩ” để sử dụng các công cụ hỗ trợ này, vì thế nếu những trang bị trên được áp dụng cho các hiệp sĩ thì chắc hẳn sẽ cần những tổ chức đào tạo họ để kiểm soát chúng và chỉ cấp giấy phép sử dụng cho những “hiệp sĩ” thật sự. Hoạt động bắt cướp một cách tự phát, không có kĩ năng và nghiệp vụ, ảnh hưởng đến sự an toàn của bản thân và người xung quanh sẽ không được khuyến khích
Kết: Giữa bối cảnh tình hình tội phạm trộm, cướp đường phố phức tạp như hiện nay, sự nhiệt tình của các Hiệp sĩ đường phố rất có ích cho cộng đồng, góp phần hỗ trợ lực lượng công an phát hiện, truy bắt tội phạm. Tuy nhiên, để mô hình Hiệp sĩ đường phố hoạt động an toàn và có hiệu quả, mình nghĩ ngoài việc tập hợp và đào tạo họ những kiến thức phòng chống tội phạm, các chính sách ưu đãi kèm theo các công cụ hỗ trợ cũng nên được nhắc đến bên cạnh như một vấn đề quan trọng. Vì dẫu sao chúng ta cũng biết rằng nhiệm vụ phòng chống tội phạm là của toàn dân, hoạt động bắt cướp của các Hiệp sĩ cũng được pháp luật cho phép (Bộ luật tố tụng Hình sự 2015), nhưng những quy định và chính sách bảo vệ cho cá nhân những người đó vẫn chưa xuất hiện nhiều trong hệ thống pháp luật nước ta.
Cập nhật bởi Angel2607 ngày 19/05/2018 07:29:58 SA