Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể trong luật sở hữu trí tuệ 2005:
Hành vi xâm phạm quyền tác giả quy định tại điều 28; Hành vi xâm phạm quyền liên quan tại điều 35; Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tại điều 126; Hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh tại điều 127; Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý tại điều 129; Hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng tại điều 188.
Khi Quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, trước hết các chủ thể Quyền sở hữu công nghiệp phải tự bảo vệ, theo đó, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể lựa chọn nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình như:
+ Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
+ Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
+ Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Đối với một số đối tượng như: tên thương mại, chỉ dẫn địa lý thì các hành vi xâm phạm không chỉ tác động đến các chủ thể Quyền sở hữu công nghiệp mà còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng và xã hội, do vậy khi tổ chức cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm Quyền sở hữu công nghiệp hoặc phát hiện hành vi xâm phạm Quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội thì cũng có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm theo quy định của pháp luật.
Trong số các biện pháp bảo vệ nêu trên, biện pháp khởi kiện ra tòa án để giải quyết bằng thủ tục dân sự đáng được coi trọng . Đây là biện pháp được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể Quyền sở hữu trí tuệ hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự.