Các biện pháp tăng cường đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền cao

Chủ đề   RSS   
  • #604476 03/08/2023

    Các biện pháp tăng cường đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền cao

    Vừa qua Ngân hàng nhà nước đã ban hành quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền bao gồm tối thiểu phải có những nội dung thế nào Đối với nhóm khách hàng được đánh giá là có nguy cơ rủi ro cao thì cần có những biện pháp tăng cường thế nào để ngăn chặn. Đối tượng áp dụng thực hiện theo thông tư mới này bao gồm những ai?

    1.Đối tượng áp dụng

    Căn cứ Điều 2 Thông tư 09/2023/TT-NHNN quy định đối tượng áp dụng đối với các hoạt động phòng chống rửa tiền bao gồm:

    -Tổ chức tài chính.

    -Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan.

    -Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan.

    -Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến phòng, chống rửa tiền.

    2. Quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền

    Căn cứ Khoản 1 Điều 4 Thông tư 09/2023/TT-NHNN  đã quy định cụ thể quy trình quản lý rủi ro rửa tiền như sau:

    Căn cứ kết quả đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền theo quy định tại Điều 3 của Thông tư 09/2023/TT-NHNN , đối tượng báo cáo xây dựng và ban hành quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo. Quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền phải được thể hiện theo từng bước phù hợp với quy mô, phạm vi và đặc thù hoạt động của đối tượng báo cáo để quản lý rủi ro về rửa tiền.

    Quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền bao gồm các nội dung tối thiểu sau:

    -Xác định phạm vi, mục tiêu của hoạt động quản lý rủi ro về rửa tiền;

    -Xác định, đánh giá mức độ ảnh hưởng của rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo;

    -Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền thấp, trung bình, cao dựa vào các yếu tố sau: khách hàng; sản phẩm, dịch vụ khách hàng đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng; vị trí địa lý nơi khách hàng cư trú hoặc có trụ sở chính và yếu tố khác do đối tượng báo cáo tự xác định, phân loại phù hợp với thực tế phát sinh và được quy định trong quy trình quản lý rủi ro;

    -Quy trình để nhận diện và đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền trước khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới; sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới;

    -Quy trình quản lý rủi ro để thực hiện, từ chối, tạm dừng, kiểm soát sau giao dịch hoặc xem xét, báo cáo giao dịch đáng ngờ các giao dịch chuyển tiền điện tử không chính xác, không đầy đủ các thông tin theo yêu cầu;

    -Các biện pháp áp dụng tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền của khách hàng, bao gồm tần suất cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng, mức độ giám sát giao dịch của khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền, các biện pháp nhận biết khách hàng ở mức độ giảm nhẹ và biện pháp tăng cường quy định tại khoản 2, 5 Điều 4 Thông tư 09/2023/TT-NHNN

    Theo đó, quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền phải đáp ứng tối thiểu các nội dung được quy định như trên.

    3. Các biện pháp tăng cường đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền cao

    Căn cứ khoản 5 Điều 4 Thông tư 09/2023/TT-NHNN  thì đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền cao, ngoài việc áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền đối tượng báo cáo phải áp dụng các biện pháp tăng cường, bao gồm:

    -Có sự phê duyệt của cấp quản lý cao hơn ít nhất một cấp so với cấp phê duyệt áp dụng đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình về việc thiết lập hoặc tiếp tục duy trì mối quan hệ kinh doanh với khách hàng cỏ rủi ro cao;

    -Thu thập, cập nhật, xác minh bổ sung các thông tin của khách hàng cá nhân để phục vụ việc đánh giá và quản lý rủi ro khách hàng, bao gồm các thông tin tối thiểu sau: Mức thu nhập trung bình hàng tháng của khách hàng trong thời gian ít nhất 06 tháng gần nhất trước thời điểm đánh giá; thông tin liên lạc của cơ quan, tổ chức hoặc chủ cơ sở noi làm việc hoặc nơi khách hàng có thu nhập chính (nếu có); thông tin liên quan đến nguồn tiền hoặc nguồn tài sản trong giao dịch của khách hàng;

    -Thu thập, cập nhật, xác minh bổ sung các thông tin của khách hàng tổ chức để phục vụ việc đánh giá và quản lý rủi ro khách hàng, bao gồm các thông tin tối thiểu sau: ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tạo doanh thu chính; tổng doanh thu trong 02 năm gần nhất trước thời điểm đánh giá; thông tin liên quan đến nguồn tiền hoặc nguồn tài sản trong giao dịch của khách hàng;

    -Thu thập, cập nhật, xác minh bổ sung các thông tin khác (nếu có) phục vụ việc đánh giá và quản lý rủi ro khách hàng;

    -Giám sát tăng cường các giao dịch của khách hàng thực hiện thông qua đối tượng báo cáo, mối quan hệ kinh doanh thông qua việc áp dụng các biện pháp kiểm soát và chọn mẫu giao dịch để kiểm tra, bảo đảm giao dịch của khách hàng phù hợp với mục đích, bản chất của mối quan hệ kinh doanh của khách hàng với đối tượng báo cáo, hoạt động kinh doanh của khách hàng; kịp thời phát hiện dấu hiệu đáng ngờ và xem xét báo cáo giao dịch đáng ngờ;

    -Tăng tần suất cập nhật thông tin nhận biết khách hàng so với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình.

    Như vậy, đối với khách hàng được phân loại có mức độ rủi ro về rửa tiền cao thì ngoài việc bị  áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thì còn phải áp dụng thêm các biện pháp tăng cường.

     
    1465 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận