Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện hàng loạt các mặt hàng, sản phẩm làm giả, nhái thương hiệu. Hiện nay, trên thực tế vẫn tồn tại rất nhiều mặt hàng, sản phẩm bày bán trên thị trường bị làm giả nhưng chưa được phát hiện. Các sản phẩm này đang là mối họa lớn đầu độc người tiêu dùng, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Xung quanh câu chuyện hàng thật, hàng giả, làm thế nào để người tiêu dùng có thể nhận biết đâu là hàng thật, hàng giả, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia pháp lý Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN (Đà Nẵng) giúp bạn đọc có cách nhìn, hiểu hơn về hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái.
Thưa ông, làm giả hàng hóa là hiện tượng đang rất nhức nhối hiện nay. Vậy pháp luật quy định như thế nào là hàng giả? Hàng giả bao gồm những loại hàng hóa như thế nào?
|
Công an Hà Nội phá ổ sản xuất hàng giả |
Hàng giả là loại hàng hóa được làm giống như một hàng hóa nguyên bản, khác với hàng thật nguyên bản. Hiện nay, chưa có một định nghĩa cụ thể về khái niệm “hàng giả” trong các quy định của pháp luật, tuy nhiên theo quy định tại Khoản 8, Điều 3 Nghị định số
06/2008/NĐ-CP thì hàng giả bao gồm các loại sau:
|
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM cho biết, cơ quan này vừa vừa triệt phá một cơ sở sản xuất bia Heineken giả quy mô khá lớn. Cơ sở sản xuất bia giả bị triệt phá nằm ở 2 địa chỉ D6/161B QL50, xã Phong Phú và nhà không số đường Nguyễn Văn Thời, ấp 3, xã Quy Đức, H. Bình Chánh. Tại đây, cơ quan công an đã thu giữ 336 chai bia Heineken giả cùng 48 chai bia Sài Gòn xanh, 288 chai bia Heineken thật. Ngoài ra, cơ quan công an còn thu giữ số lượng lớn nắp chai bia Heineken, dụng cụ đóng nắp chai… để sản xuất bia giả.
Ngày 17/4, Công an TP. Huế bắt quả tang tại nhà bà Tôn Nữ Cẩm Dung (8/358 Phan Chu Trinh, P.An Cựu, TP. Huế)) đang thay đổi nhãn mác sữa lon hiệu Ensure. Công an đã tạm giữ 5.208 lon màu cam, 1.680 lon màu xanh, 505 lon không có nhãn mác và 50 thùng sữa Ensure đã bị lột nhãn màu vàng dán sang màu xanh...
|
Thứ nhất, giả chất lượng và công dụng: hàng hoá không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hoá;
Thứ hai giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá: hàng hoá giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hoá; hàng hoá giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp trên nhãn hoặc bao bì hàng hoá;
Thứ ba, giả mạo về sở hữu trí tuệ: bao gồm hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; hàng hoá là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan;
Thứ tư, các loại đề can, nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá, tem chất lượng, tem chống giả, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hoá có nội dung giả mạo tên, địa chỉ thương nhân, nguồn gốc hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hoá (sau đây gọi tắt là tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả);
Thứ năm, các loại hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành, việc xác định hàng giả được tuân thủ các quy định riêng (nếu có).
Có thể thấy hàng hóa được làm giả dưới những hình thức, cách thức khác nhau và ngày càng tinh vi. Những hành vi làm giả hàng hóa nêu trên đều bị pháp luật cấm, nhưng việc đấu tranh để chống lại các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này vẫn là một thách thức.
Ông có thể nói rõ hơn về trách nhiệm pháp lý của hành vi sản xuất hàng giả nói trên được pháp luật quy định cụ thể như thế nào?
Về chế tài hành chính, theo quy định tại Điều 24 Nghị định số
06/2008/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số
112/2010/NĐ-CP) thì mức phạt thấp nhất đối với hành vi kinh doanh hàng giả là 300.000 đồng (hàng giả có giá trị đến 1.000.000 đồng), mức cao nhất là 30.000.000 đồng (hàng giả có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên nhưng thuộc trường hợp chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự).
Ngoài ra, mức phạt sẽ tăng gấp đôi tương ứng với từng mức khác nhau nếu như việc kinh doanh hàng giả thể hiện bằng: hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến, pha trộn, gia công, lắp ráp, tái chế, chế tác, phân loại, sang chiết, nạp, đóng gói, nhập khẩu hàng giả; Hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, cá nhân tổ chức vi phạm còn bị buộc tiêu hủy, buộc loại bỏ yếu tố giả mạo, tịch thu tang vật.
Về trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Bộ luật hình sự 1999 có các tội danh liên quan tương ứng với các chế tài khác nhau gồm: tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156 BLHS 1999) bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Tùy theo các tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù mức cao nhất đến mười lăm năm tù;
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157 BLHS 1999) bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Tùy theo các tình tiết tăng nặng có thể bị phạt mức cao nhất lên đến tù chung thân hoặc tử hình;
|
Hành vi sản xuất hàng giả bị xử phạt rất nặng |
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi (Điều 158 BLHS 1999) bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. Tùy theo các tình tiết tăng nặng có thể bị xử phạt tù đến mười lăm năm; Tội làm tem giả, vé giả, tội buôn bán tem giả, vé giả (Điều 164 BLHS 1999) bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nếu có tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù đến mức cao nhất là năm năm.
Ngoài ra, người có hành vi làm hàng giả còn chịu trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại cho các chủ thể bị thiệt hại do hành vi làm hàng giả gây ra.
Theo như ông nói, các chế tài xử lý đối với hành vi làm hàng giả hiện nay là tương đối mạnh. Vậy tại sao hàng giả vẫn "lộng hành" trên thị trường hiện nay?
Đúng vậy, về quy định của pháp luật thì rõ ràng chế tài là đã khá nghiêm khắc đối với các hành vi làm hàng giả, tuy nhiên hàng giả vẫn sống cùng hàng thật và thậm chí chèn ép hàng thật, làm điêu đứng người sản xuất kinh doanh chân chính. Tôi cho rằng nguyên do chính yếu là khả năng phát hiện hành vi làm hàng giả còn yếu kém. Chế tài xử lý nghiêm nhưng không chịu tìm ra cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, không xử lý thì rõ ràng chế tài cũng không phát huy được tính nghiêm khắc của nó.
Phát hiện, lôi được hành vi làm hàng giả ra và xử lý là chuyện của cả cơ quan quản lý và những doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp tích cực, chủ động cung cấp thông tin cho khách hàng về cách phân biệt hàng giả, hàng thật thì khách hàng sẽ dễ phát hiện hàng giả, từ đó tẩy chay, báo tin cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cần có mạng lưới kiểm soát quá trình lưu thông hàng hóa do mình sản xuất ra để xem cùng một mặt hàng của mình tại cùng thời điểm, vị trí có gì bất thường không, có dấu hiệu hàng giả chen chân vào hàng của mình không, từ đó mới lôi hàng giả ra ánh sáng được. Hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn thụ động trong việc chiến đấu với hàng giả, nên rất khó kiểm soát, khó phát hiện.
Chống hàng giả không chỉ ở chế tài, mà ở hành động thực đấu tranh với vấn nạn này. Các nhà quản lý phải chủ động đấu tranh, nhà sản xuất cũng phải chủ động bảo vệ sản phẩm hàng hóa của mình, có như thế người tiêu dùng mới hy vọng được bảo vệ.
Người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ mình trước vấn nạn hàng giả ngày càng "bành trướng" như hiện nay, thưa ông?
Chúng ta nên quan tâm đến thói quen cẩn trọng trong mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ. Sự cẩn trọng của khách hàng sẽ làm cho hàng giả khó len lỏi, lấn ép hàng thật như hiện nay.
Bên cạnh đó, không ít người tiêu dùng hiện nay khi phát hiện hàng giả lại giữ thái độ im lặng, không lên tiếng. Người tiêu dùng cần báo ngay cho cơ quan quản lý thị trường, công an, hải quan... khi phát hiện hàng giả, phát hiện hành vi làm hàng giả, cá nhân, tổ chức làm hàng giả để các cơ quan này kịp thời xử lý, ngăn chặn hành vi làm hàng giả. Khi bị thiệt hại về sức khỏe, tài sản... người tiêu dùng có quyền đề nghị cá nhân, tổ chức vi phạm bồi thường thiệt hại cho mình, nếu các chủ thể vi phạm không thực hiện thì có thể khởi kiện ra tòa án để đòi quyền lợi. Nếu chúng ta im lặng, cam chịu hàng giả thì hàng giả sẽ còn tiếp tục bành trướng.
Xin cảm ơn ông!
Mai Tuân (thực hiện)
(Bài viết được thiện hiện với sự phối hợp cộng tác của Công ty Luật hợp danh FDVN , 193 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng - ĐT: 05113.890.568)