Bồi thường thiệt hại về chất lượng sản phẩm, hàng hóa? Các thiệt hại phải bồi thường do hàng hóa không bảo đảm chất lượng? Các trường hợp không phải bồi thường thiệt hại?
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về chất lượng sản phẩm, hàng hóa?
Theo quy định tại Điều 61 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định như sau:
- Người sản xuất, người nhập khẩu phải bồi thường thiệt hại cho người bán hàng hoặc người tiêu dùng khi hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của người sản xuất, người nhập khẩu không bảo đảm chất lượng hàng hóa, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo thoả thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quyết định của toà án hoặc trọng tài.
- Người bán hàng phải bồi thường thiệt hại cho người mua, người tiêu dùng trong trường hợp thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng không bảo đảm chất lượng hàng hóa, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo thoả thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quyết định của toà án hoặc trọng tài.
Trong đó, các thiệt hại phải bồi thường do hàng hóa không bảo đảm chất lượng được ghi nhận tại Điều 60 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, bao gồm:
- Thiệt hại về giá trị hàng hóa, tài sản bị hư hỏng hoặc bị huỷ hoại.
- Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ con người.
- Thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa, tài sản.
- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Các trường hợp không phải bồi thường thiệt hại?
Các trường hợp không phải bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 62 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 như sau:
- Người sản xuất, người nhập khẩu không phải bồi thường trong các trường hợp sau đây:
+) Người bán hàng bán hàng hóa đã hết hạn sử dụng; người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng;
+) Đã hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện;
+) Đã thông báo thu hồi hàng hóa có khuyết tật đến người bán hàng, người sử dụng trước thời điểm hàng hóa gây thiệt hại;
+) Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+) Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của sản phẩm tính đến thời điểm hàng hóa gây thiệt hại;
+) Thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng;
+) Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng.
- Người bán hàng không phải bồi thường cho người mua, người tiêu dùng trong các trường hợp sau đây:
+) Người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng;
+) Đã hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện;
+) Đã thông báo hàng hóa có khuyết tật đến người mua, người tiêu dùng nhưng người mua, người tiêu dùng vẫn mua, sử dụng hàng hóa đó;
+) Hàng hóa có khuyết tật do người sản xuất, người nhập khẩu tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+) Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của hàng hóa tính đến thời điểm hàng hóa gây thiệt hại;
+) Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức đánh giá sự phù hợp khi cung cấp kết quả sai?
Theo quy định tại Điều 63 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức đánh giá sự phù hợp khi cung cấp kết quả sai được quy định như sau:
- Tổ chức đánh giá sự phù hợp cung cấp kết quả sai thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho tổ chức, cá nhân yêu cầu đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật về dân sự.
- Tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa được đánh giá sự phù hợp có nghĩa vụ chứng minh kết quả sai và lỗi của tổ chức đánh giá sự phù hợp.