Đã tham gia giao thông là bạn phải trang bị cho mình đầy đủ các kiến thức pháp luật liên quan, thứ nhất là hiểu luật để chấp hành cho đúng, thứ hai, để lỡ nếu sai thì vui vẻ nộp phạt, từ hành vi nhỏ của một người, nhân rộng ra nhiều người thì xã hội này mới trở nên tốt đẹp được, thứ ba là lỡ có gặp cảnh sát giao thông “rởm” thì còn biết đường mà nói chuyện với họ.
Vì vậy, để giúp các bạn tìm hiểu kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, mình sẽ chia sẻ cho các bạn theo từng Câu chuyện.
Câu chuyện số 1: Cảnh sát giao thông có những quyền gì?
Cảnh sát giao thông có các quyền hạn sau:
1. Dừng phương tiện đang tham gia giao thông, kiểm soát phương tiện và giấy tờ của phương tiện và người điều khiển phương tiện.
Lưu ý: Cảnh sát giao thông chỉ được quyền dừng xe của bạn trong các trường hợp sau:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
- Thực hiện mệnh lệnh, kế họach tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục CSGT hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên.
- Thực hiện kế họach tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên.
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, cơ quan chức năng liên quan
- Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Khi dừng phương tiện, CSGT phải đảm bảo an toàn, đúng quy định pháp luật, không làm cản trở đến hoạt động giao thông và phải kiểm soát, xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Một điều quan trọng nữa là CSGT phải có thái độ đúng mực và ứng xử phù hợp với từng đối tượng được kiểm tra.
2. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Có 2 hình thức xử phạt:
- Lập biên bản vi phạm hành chính. Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính xong, cán bộ tuần tra, kiểm soát gửi biên bản cho người vi phạm và thông báo để họ biết chấp hành.
Đối với những phương tiện chở người từ 16 chỗ ngồi trở lên, CSGT phải trực tiếp lên khoang chở khách để thông báo. Nếu không phát hiện vi phạm cũng phải thông báo. Trường hợp không phát hiện vi phạm cũng phải thông báo và nói lời: “Cám ơn ông/bà/anh/chị đã giúp đỡ lực lượng CSGT làm nhiệm vụ”
- Không phải lập biên bản vi phạm.
3. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính, tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện, người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật.
4. Sử dụng vụ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
5. Trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện thiết bị kỹ thuật khác.
6. Tạm thời đình chỉ người và phương tiện đi lại ở một số đọan đường nhất định, phân lại luồng, tuyến, nơi tạm dừng phương tiện, đỗ phương tiện khi xảy ra ùn tắc giao thông…
Căn cứ pháp lý: Thông tư 01/2016/TT-BCA
P/S: Câu chuyện số 2 sẽ được kể tiếp vào tuần sau nhé các bạn!