Ngày 17/3/2023, Bộ Giao thông vận tải ban hành Công văn 2600/BGTVT-VT về việc thực hiện thông báo kết luận của Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị: các Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng và đơn vị có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các lực lượng chức năng trong Ngành tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Giao thông vận tải về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thứ hai, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không;
Đặc biệt là sau thời điểm dịch bệnh được kiểm soát; chủ động đấu tranh hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ đó đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, kiên quyết ngăn chặn, kịp thời có hiệu quả của hành vi vận chuyển hàng lậu.
Thứ ba, tăng cường tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức tới các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật, chính sách không vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng.
Thứ tư, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội bằng các hình thức phù hợp trong công tác tuyên truyền; bổ sung hình thức tuyên truyền trực quan bằng các pano, áp phích tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không và địa bàn trọng điểm.
Thứ năm, công khai hộp thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng để các tầng lớp Nhân dân biết, trao đổi, chia sẻ, tiếp nhận, xử lý kịp thời các tin báo qua đường dây nóng.
Thứ sáu, xử lý nghiêm hoặc phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cơ quan tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Xem chi tiết tại Công văn 2600/BGTVT-VT ban hành ngày 17/3/2023.
Tham khảo mức xử phạt đối với buôn bán hàng giả
Xử phạt vi phạm hành chính:
Đối với hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng thì phạt tiền từ 01-03 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 03 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 05 triệu đồng;
Mức cao nhất là phạt tiền từ 50-70 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi;
- Là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.
Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là: tịch thu tang vật, Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng .
Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc tiêu hủy tang vật; Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Ngoài ra, tùy theo tính chất và mức độ của sự việc mà có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa dối khách hàng theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 và Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 BLHS 2015.
Xem thêm bài viết: Cần làm gì khi mua phải hàng giả và tố cáo với cơ quan nào?