Bỏ đề xuất sinh viên không được làm thêm quá 24 giờ/tuần

Chủ đề   RSS   
  • #617212 08/10/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 451 lần


    Bỏ đề xuất sinh viên không được làm thêm quá 24 giờ/tuần

    Khi có sự cân nhắc hợp lý, việc đi làm thêm sẽ trở thành một trải nghiệm quý giá, không chỉ giúp sinh viên trang trải chi phí mà còn trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết để bước vào thị trường lao động.

    (1) Bỏ đề xuất sinh viên không được làm thêm quá 24 giờ/tuần

    Tại Điều 27 Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) Lần 3 được lấy ý kiến hồi tháng 6 đến tháng 7/2024 đã đề xuất quy định sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy đủ độ tuổi lao động được làm việc nhưng không quá 24 giờ/tuần trong thời gian học, nhiều hơn 04 giờ so với Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) hồi tháng 3/2024.

    >>> Xem Dự thảo Luật Việc làm (Lần 3) https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/08/Khongso_530912.doc

    Tuy nhiên, theo Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 24/9/2024, quy định về giới hạn số giờ làm thêm của học sinh, sinh viên đã được sửa đổi.

    Theo đó, dự luật đề xuất quy định người lao động là học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy đủ độ tuổi lao động theo quy định dự luật này, được làm việc theo quy định của pháp luật về lao động. Người lao động là học sinh, sinh viên khi làm việc không trọn thời gian có trách nhiệm thông báo cho cơ sở giáo dục.

    Như vậy, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bỏ đi đề xuất sinh viên không được làm thêm quá 24 giờ/tuần, giữ nguyên quy định khi sinh viên đi làm việc không trọn thời gian (part-time) thì phải thông báo cho trường học.

    Ngoài ra, dự luật vẫn giữ lại quy định tiền lương của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động nhưng không được mức thấp hơn lương tối thiểu theo giờ .

    Dự kiến,Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào tháng 10-2024.

    (2) Quy định về thời giờ làm việc của sinh hiện nay như thế nào?

    Luật Việc làm 2013 hiện hành không có quy định nào giới hạn về thời giờ làm việc của học sinh, sinh viên.

    Theo đó, thời giờ làm việc bình thường hiện nay chỉ được quy định tại Điều 105 Bộ Luật Lao động 2019, cụ thể:

    - Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

    - Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

    - Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

    - Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

    Như vậy, hiện nay sinh viên làm việc trong điều kiện bình thường thì thời giờ làm việc tối đa là 48 giờ/tuần, tối đa 8 giờ/ngày và không có quy định học sinh, sinh viên phải thông báo cho trường học về việc mình đi làm.

    (3) Kết luận

    Nhu cầu đi làm thêm của sinh viên ngày càng gia tăng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ngoài mục đích trang trải chi phí học tập các bạn sinh viên khi đi làm thêm còn vì mục đích tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, phát triển kỹ năng mềm và mở rộng mạng lưới quan hệ.

    Do đó, việc đi làm thêm ngoài việc giúp các bạn sinh viên có thêm nguồn thu nhập bổ sung để hỗ trợ cho cuộc sống hàng ngày, mà còn giúp cho các bạn rèn luyện khả năng quản lý thời gian, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc thực tế.

    Ngoài ra, những công việc part-time cũng giúp sinh viên hiểu rõ hơn về thị trường lao động, từ đó chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp tương lai.

    Tuy nhiên, có nhiều luồng ý kiến cho rằng việc sinh viên đi làm thêm các công việc không liên quan đến chuyên ngành mình đang học, ngoài việc đem lại giá trị về thu nhập thì không có giá trị nào khác về kiến thức và kinh nghiệm cho công việc tương lai.

    Một số người cho rằng các bạn sinh viên nên tập trung cho việc học là chính, làm thêm chỉ là phụ. Mặc dù điều này không sai, nhưng thực tế cho thấy rằng việc làm thêm, dù là công việc không liên quan trực tiếp đến chuyên ngành, vẫn có thể mang lại nhiều lợi ích.

    Sinh viên có thể phát triển các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, và quản lý thời gian, những yếu tố này đều rất quan trọng trong bất kỳ lĩnh vực nào. Hơn nữa, việc làm thêm cũng giúp sinh viên xây dựng thói quen làm việc và trách nhiệm, những phẩm chất cần thiết để thành công trong tương lai.

    Song, điều quan trọng là sinh viên cần biết cân bằng giữa việc học và việc làm, cần phải lựa chọn những công việc phù hợp với lịch học và khả năng của bản thân, đồng thời đảm bảo rằng việc làm thêm không ảnh hưởng đến kết quả học tập.

    Khi có sự cân nhắc hợp lý, việc đi làm thêm sẽ trở thành một trải nghiệm quý giá, không chỉ giúp sinh viên trang trải chi phí mà còn trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết để bước vào thị trường lao động một cách tự tin và hiệu quả.

     
    85 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận