Bộ Công an hướng dẫn cách nhận diện đối tượng giả danh công an

Chủ đề   RSS   
  • #615498 22/08/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 467 lần


    Bộ Công an hướng dẫn cách nhận diện đối tượng giả danh công an

    Trước tình trạng nhiều đối tượng giả danh cán bộ công an để thực hiện các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật. Bộ Công an đã hướng dẫn một số cách để người dân có thể nhận biết các đối tượng giả danh công an.

    (1) Bộ Công an hướng dẫn 04 cách nhận diện đối tượng giả danh công an

    1- Quan sát về mặt hình thức bên ngoài 

    Các đối tượng giả danh công an thường sẽ sử dụng trang phục không đồng bộ, công cụ hỗ trợ, số hiệu, giấy tờ của ngành công an không đúng quy định.

    Trong trường hợp này, người dân chỉ cần quan sát thái độ, cách thể hiện, tư thế, lễ tiết, tác phong, cử chỉ có thể phân biệt được họ là công an thật hay giả.

    Đối tượng giả danh công an luôn cố tình để lộ một phần trang phục, khoe công cụ hỗ trợ như khóa số 8, dùi cui,... cố tình để người khác thấy giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND.

    Nếu chưa có cơ sở xác định họ giả danh Công an, còn nghi ngờ, cần kết hợp với các cách thức khác để kiểm tra. Tuy nhiên, cần chú ý đề cao cảnh giác, chỉ nghe họ nói, không làm theo họ.

    2- Gợi mở để đối tượng nói thật nhiều về lĩnh vực công tác công an 

    Nếu nghi ngờ một người giả danh công an cần phải khéo léo gợi mở để họ nói về lĩnh vực công tác của mình càng nhiều càng tốt vì càng nói nhiều đối tượng càng bộc lộ sơ hở

    Có thể hỏi đối tượng những thông tin cơ bản như trước đây học trường nào, ở đâu? Điều kiện tuyển dụng vào ngành Công an thế nào? Đơn vị hiện tại địa chỉ ở đâu, lãnh đạo đơn vị là ai? Chức vụ, nhiệm vụ cụ thể hiện nay là gì?...

    Nếu nghi ngờ, có thể tạo lý do hợp lý để chụp ảnh, ghi âm lời nói của đối tượng để làm bằng chứng đối chiếu hoặc tố giác với cơ quan công an.

    Sau khi tiếp nhận thông tin từ đối tượng, tốt nhất không nên làm theo yêu cầu của đối tượng, khéo léo từ chối, đồng thời phân tích, đánh giá thông tin để xác định đối tượng có phải là người giả danh công an hay không.

    3- Phân tích, tổng hợp, đánh giá

    Cần phân tích các thông tin cơ bản mà đối tượng đã nói, đã kể, rút ra những thông tin đúng, thông tin sai sẽ đánh giá được đối tượng nói thật hay nói dối, có phải giả danh công an hay không.

    Nếu không đủ khả năng đánh giá, có thể tổng hợp thông tin sau đó nhờ người thân am hiểu về lĩnh vực công an, những người đang công tác trong ngành công an hoặc cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn nơi người dân cư trú, trực ban đơn vị công an nơi gần nhất phân tích, đánh giá, không nên vội tin, làm theo lời của đối tượng.

    4- Đối chiếu, kiểm tra

    Trong trường hợp đã đánh giá nhưng chưa đủ cơ sở xác định đối tượng có phải là người giả danh công an hay không, cần thực hiện bước đối chiếu, kiểm tra 

    Từ việc phân tích, tổng hợp thông tin do đối tượng cung cấp, kết quả quan sát, đánh giá, tư vấn của người trong ngành công an,... có thể dùng để đối chiếu, kiểm tra xác định đối tượng có hành vi giả danh công an.

    Như vậy, để nhận biết đối tượng giả danh công an, tránh bị các đối tượng này lừa đảo, người dân cần phải tìm hiểu những thủ đoạn phổ biến của loại đối tượng này, nâng cao cảnh giác, không vội tin đối tượng, vận dụng đồng bộ một số cách nhận biết, kiểm tra, đánh giá để xác định và có cách xử lý hiệu quả nhất.

    (2) Giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử phạt ra sao?

    Phạt hành chính

    Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 20, điểm c khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi giả danh lực lượng công an, quân đội với mục đích chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt như sau:

    - Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.

    - Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

    - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác phải đưa tiền, tài sản.

    Theo đó, nếu hành vi giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015 thì người vi phạm có thể sẽ bị phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền nêu trên.

    Truy cứu trách nhiệm hình sự

    Nếu việc giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác mà đủ cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội sẽ phải chịu các khung hình phạt quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015.

    Cụ thể, theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định, khung hình phạt cao nhất của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên đến tù chung thân.

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

     
    622 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (21/11/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận