Bị sàm sỡ thì phải làm sao? Người sàm sỡ có bị đi tù không?

Chủ đề   RSS   
  • #616660 21/09/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 498 lần
    SMod

    Bị sàm sỡ thì phải làm sao? Người sàm sỡ có bị đi tù không?

    Sàm sỡ được hiểu là hành vi dùng lời nói hoặc cử chỉ nhằm quấy rối tình dục, vi phạm quyền bất khả xâm phạm thân thể, danh dự và nhân phẩm của người khác. Vậy khi bị sàm sỡ thì phải làm sao? và người sàm sỡ người khác có bị đi tù không?

    Bị sàm sỡ thì phải làm sao? 

    Theo Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định:

    Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

    Theo đó, Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:

    - Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

    - Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

    - Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

    Như vậy, khi bị sàm sỡ thì có thể gửi đơn tố giác đến cơ quan chức năng.

    https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/21/don-to-giac-sam-so.docx Mẫu đơn tố giác sàm sỡ mới nhất.

    Có thể nộp đơn tố giác sàm sỡ ở đâu?

    Theo Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định:

    - Cơ quan điều tra phải tổ chức trực ban hình sự 24/24 giờ, Viện kiểm sát các cấp phải tổ chức trực nghiệp vụ 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (kể cả tin báo về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng); phân loại và chuyển ngay cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Địa điểm tiếp nhận phải đặt ở nơi thuận tiện, có biển ghi tên cơ quan và thông báo rộng rãi để mọi người biết.

    Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an phải bố trí cán bộ trực để tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

    Các cơ quan, tổ chức khác khi có tố giác, tin báo về tội phạm thì phải phân công người tiếp nhận.

    - Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận. Nếu cá nhân trực tiếp đến tố giác về tội phạm hoặc đại diện cơ quan, tổ chức trực tiếp đến báo tin về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận. Có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.

    Trường hợp người phạm tội đến tự thú, đầu thú thì thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 152 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

    Như vậy, người bị sàm sỡ có thể đến Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an để tố giác tội phạm.

    Người sàm sỡ có bị đi tù không?

    Theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định người có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và bị buộc xin lỗi công khai.

    Còn đối với trách nhiệm hình sự, hiện nay chưa có quy định về tội danh này, tuy nhiên nếu chứng minh được hành vi quấy rối tình dục đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm; danh dự người khác thì có thể truy cứu về tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

    - Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

    + Phạm tội 02 lần trở lên;

    + Đối với 02 người trở lên;

    + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

    + Đối với người đang thi hành công vụ;

    + Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

    + Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

    + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

    + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    + Làm nạn nhân tự sát.

    - Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Như vậy, người sàm sỡ người khác có thể bị đi tù nếu thuộc trường hợp trên.

     
    824 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận