Khi vụ án có bị hại bị gây thương tích nhưng chỉ nhìn thấy vết trầy da thì có phải trưng cầu giám định không? Trường hợp nào được yêu cầu giám định thương tích? Cụ thể qua bài viết sau.
Bị hại có thương tích nhưng chỉ bị trầy da thì có phải trưng cầu giám định không?
Theo khoản 1 Điều 205 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.
Trong đó, các trường hợp tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
- Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
- Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
- Nguyên nhân chết người;
- Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động;
- Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;
- Mức độ ô nhiễm môi trường.
Như vậy, khi cần xác định tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ, khả năng lao động hoặc khi xét thấy cần thiết thì phải trưng cầu giám định. Theo đó, khi bị hại có thương tích nhưng chỉ bị trầy da nhưng cần thiết thì vẫn phải trưng cầu giám định.
Trường hợp nào được yêu cầu giám định thương tích?
Theo Điều 207 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về yêu cầu giám định như sau:
- Đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
- Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
Như vậy, đương sự hoặc người đại diện cho đương sự nếu có căn cứ việc giám định liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ thì được đề nghị trưng cầu giám định.
Việc giám định được thực hiện thế nào?
Theo Điều 209 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc tiến hành giám định như sau:
- Việc giám định có thể tiến hành tại cơ quan giám định hoặc tại nơi tiến hành điều tra vụ án ngay sau khi có quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định.
Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, người yêu cầu giám định có thể tham dự giám định nhưng phải báo trước cho người giám định biết.
- Việc giám định do cá nhân hoặc do tập thể thực hiện.
Đồng thời, việc giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp quy định tại Điều 210 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
- Nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ;
- Khi phát sinh vấn đề mới cần phải giám định liên quan đến tình tiết của vụ án đã có kết luận giám định trước đó.
Như vậy, có thể giám định tại cơ quan giám định hoặc nơi điều tra vụ án. Đồng thời nếu giám định bổ sung thì có thể do người đã giám định trước hoặc người khác thực hiện và được thực hiện như giám định lần đầu.