Chào bạn,
Thứ nhất, ly hôn chính là quyền của người vợ hoặc người chồng hoặc cả hai nếu cho rằng mục đích hôn nhân không đạt được, không có hạnh phúc với người mình đang chung sống. Tuy nhiên thì bạn và chồng nên bàn bạc lại với nhau xem tình hình hôn nhân còn có cơ hội cứu vãn vì hạnh phúc gia đình, vì hanh phúc của cháu hay không?
Nếu không thể cứu vãn được nữa thì mới đi đến quyết định ly hôn, và để thuận tiên cho việc ly hôn thì bạn và chồng nên “thuận tình ly hôn” để giải thoát cho nhau.Về thuận tình ly hôn thì việc giải quyết sẽ đơn giản hơn khi ly hôn chỉ xuất phát từ yêu cầu của 1 bên. Còn trường hợp bạn vẫn muốn ly hôn mà chồng không đồng ý thì bạn có thể “ly hôn đơn phương” Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã đưa yếu tố lỗi để xem xét có cho ly hôn hay không, tức là phải có căn cứ ly hôn tòa án mới giải quyết cho ly hôn nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng cả 2 bên và lợi ích của xã hội. Vì vậy, bạn cần xác định rõ căn cứ để ly hôn chồng của mình trước khi ly hôn đơn phương, có thể ly hôn được hoặc không tùy theo căn cứ ly hôn theo luật HN&GĐ năm 2014 như sau: "Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được" và bạn phải chứng minh được căn cứ trên trong đơn khởi kiện thì Tòa án mới giải quyết cho ly hôn đơn phương.
Về vấn đề giành quyền nuôi con thì Luật NH&GĐ 2014 có quy định:
“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Khi xem xét ai sẽ là người có quyền nuôi con, Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau với mục đích tìm được người có thể đáp ứng tối đa yêu cầu cho sự phát triển của đứa trẻ. Nhìn chung Tòa án sẽ dựa trên 3 yêu tố sau:
+ Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;
+ Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ.
+ Nguyện vọng của con: Con mong muốn được ở với ai (chỉ áp dụng với con từ đủ 7 tuổi trở lên).
Thứ hai, nếu chồng bạn không giao con theo quyết định của Tòa án thì sẽ áp dụng điều 120 Luật thi hành án dân sự để cưỡng chế theo quy định:
“ Điều 120. Cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định
1. Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.
2. Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.”
Nếu trong quá trình tòa án giải quyết vụ án ly hôn và giành quyền nuôi con của bạn, hoặc ngay từ lúc này nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc bảo vệ lợi ích của mình thì có thể tìm đến luật sư để bảo vệ quyền lợi của bạn tại phiên tòa. Chúng tôi, Văn phòng Luật NewVision luôn sẵn sàng cung cấp thêm thông tin pháp lý và hỗ trợ bạn trong quá trình giải quyết vụ việc này.
Trân trọng,