Bệnh viêm gan C có lây không? Triệu chứng của bệnh viêm gan C là gì?

Chủ đề   RSS   
  • #616803 26/09/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 494 lần
    SMod

    Bệnh viêm gan C có lây không? Triệu chứng của bệnh viêm gan C là gì?

    Ngày 25/9/2024, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút C kèm theo Quyết định 2855/QĐ-BYT thay thế Quyết định 2065/QĐ-BYT năm 2021. 

    Viêm gan C là bệnh gì? Bệnh viêm gan C có lây không? 

    Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút C kèm theo Quyết định 2855/QĐ-BYT năm 2024:

    Bệnh viêm gan vi rút C là bệnh truyền nhiễm do vi rút viêm gan C (Hepatis C Virus: HCV) gây ra. HCV có cấu trúc di truyền là sợi đơn RNA, thuộc họ Flaviviridae. HCV có 6 kiểu gen: 1, 2, 3, 4, 5, 6. Mỗi kiểu gen lại chia thành nhiều dưới nhóm khác nhau. Ở Việt Nam, kiểu gen thường gặp nhất là 1 và 6.

    Các kiểu gen 2 và 3 ít gặp hơn. HCV chủ yếu lây qua đường máu, ngoài ra còn lây qua đường tình dục, mẹ truyền sang con.

    Thuốc kháng vi-rút tác dụng trực tiếp (DAA) có thể chữa khỏi hơn 95% số người bị nhiễm viêm gan C, nhưng khả năng tiếp cận chẩn đoán và điều trị còn thấp. Hiện chưa có vắc-xin hiệu quả chống lại vi rút viêm gan C.

    Như vậy, viêm gan C là bệnh do vi rút viêm gan C gây ra và chưa có vắc xin phòng bệnh hiệu quả. Bệnh viêm gan C có lây và thông thường sẽ lây qua đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con.

    Triệu chứng của bệnh viêm gan C là gì?

    Cũng theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút C kèm theo Quyết định 2855/QĐ-BYT năm 2024:

    (1) Triệu chứng lâm sàng

    - Phần lớn người nhiễm HCV không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi có biểu hiện xơ gan hoặc ung thư gan. Đôi khi có mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, đau nhẹ hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa, đau cơ,...

    - Có thể có các biểu hiện ngoài gan như: đau khớp, viêm khớp, viêm da, tóc dễ gãy rụng, cryoglobulinemia (globulin bất thường trong máu), đau cơ, bệnh cơ tim, viêm cầu thận tăng sinh màng,...

    (2) Triệu chứng cận lâm sàng

    Kháng thể kháng HCV (anti-HCV)

    - Anti-HCV là xét nghiệm ban đầu để phát hiện tình trạng nhiễm HCV.

    - Anti-HCV xuất hiện trong máu của người nhiễm HCV sau 8 - 12 tuần kể từ khi phơi nhiễm. Kháng thể anti-HCV tồn tại suốt đời, vì vậy một người có anti-HCV dương tính có thể đang nhiễm vi rút viêm gan C hoặc đã từng nhiễm vi rút viêm gan C nhưng đã tự khỏi hoặc đã khỏi bệnh do được điều trị.

    - Trong trường hợp viêm gan vi rút C cấp ở giai đoạn sớm anti-HCV có thể âm tính nhưng HCV RNA dương tính.

    - Một số trường hợp nhiễm HCV ở người suy giảm miễn dịch nặng như người nhiễm HIV, người chạy thận nhân tạo, người điều trị các thuốc ức chế miễn dịch có thể có anti-HCV âm tính vì thế nên được làm xét nghiệm HCV RNA để khẳng định nhiễm HCV khi có các biểu hiện của bệnh gan (AST/ALT tăng, …).

    - Đối với người bệnh lọc máu chu kỳ có anti-HCV dương tính thì xét nghiệm HCV RNA định kỳ 6 tháng/lần nếu trước đó xét nghiệm HCV RNA âm tính.

    Kháng nguyên của HCV (HCVcAg, HCV RNA)

    - HCV RNA định tính dương tính hoặc định lượng HCV RNA trên ngưỡng phát hiện: khẳng định nhiễm HCV.

    - HCV core antigen - kháng nguyên lõi của HCV; xuất hiện trong máu của người bệnh sau 2 tuần nhiễm HCV. Trong trường hợp không làm được HCV RNA, HCVcAg (HCV core Antigen) dương tính được coi là tiêu chuẩn xác định hiện nhiễm HCV.

    - Test đôi HCVcAg kết hợp anti-HCV (xét nghiệm kết hợp giữa kháng nguyên và kháng thể): giúp phát hiện và khẳng định nhiễm HCV sớm trong vòng 2 tuần sau phơi nhiễm. Trường hợp nghi ngờ có thể xét nghiệm khẳng định lại bằng HCV RNA.

    Các xét nghiệm đánh giá giai đoạn bệnh

    - Xơ hóa gan: tình trạng xơ hoá gan được đánh giá bằng các phương pháp không xâm lấn như chỉ điểm sinh hoá (APRI, FIB-4, FibroTest ...) hay siêu âm đàn hồi (FibroScan, ARFI...).

    - Xét nghiệm sinh hóa gan như ALT, AST có thể bình thường hoặc tăng; số lượng tiểu cầu, thời gian prothrombin, INR, albumin, bilirubin bình thường hoặc bất thường phụ thuộc vào tình trạng nặng của viêm gan hoặc xơ gan.

    - Trường hợp có biến chứng ung thư biểu mô tế bào gan (Hepatocellular Carcinoma: HCC): AFP, AFP-L3, PIVKA-II có thể tăng; siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ vùng bụng có hình ảnh khối u gan.

    Như vậy, ngoài các triệu chứng cận lâm sàng phải đi test, xét nghiệm mới phát hiện được thì có thể tự nhận biết viêm gan C qua các triệu chứng lâm sàn như mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, đau nhẹ hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa, đau cơ, đau khớp, viêm khớp, viêm da, tóc dễ gãy rụng,...Lưu ý là phần lớn người nhiễm viêm gan C không có triệu chứng lâm sàn cho đến khi bệnh chuyển biến nặng hơn.

     
    78 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận