“Bẫy” thẻ tín dụng hay “bẫy nợ” thẻ tín dụng đang là từ khóa “hot” trên các diễn đàn. Tại sao nó “hot” và tại sao mọi người lại tìm hiểu nó nhiều như vậy. Hãy cùng nhau giải đáp vấn đề trên và xem pháp luật quy định chúng như thế nào?
1. “Bẫy” thẻ tín dụng là gì?
Căn cứ khoản 3 Điều 3 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về giải thích thẻ tín dụng:
Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ.
Hoặc ta có thể hiểu đơn giản, thẻ tín dụng tức là thẻ “chi tiêu trước, trả tiền sau”, tùy vào độ khả tín của người dùng. Khoản tiền nợ tín dụng đấy thực chất là một khoản vay không thế chấp. Trên thực tế, vay thế chấp chắc chắn sẽ rất cao nếu so với vay có thế chấp hoặc vay thông thường.
Độ hữu ích của thẻ tín dụng có thế rất tuyệt vời, khi bạn có thể sở hữu ngay gần chục triệu chỉ sau một lần bấm. Ở mặt vĩ mô, đó chính là cách kích cầu cho nền kinh tế.Nhưng xét dưới góc độ là người sử dụng, thẻ tín dụng có xu hướng khuyến khích người dùng tiêu pha quá mức, mà một khi đã hình thành thói quen này sẽ rất dễ dính vào “bẫy nợ”.
Việc dễ dàng có số tiền lớn và không phải thế chấp có thể khiến bạn lơ là việc kiểm soát chi tiêu bản thân, từ đó dẫn đến sự ảo tưởng tài chính, khiến cho bạn có thể đối diện với số nợ khổng lồ mà thẻ tín dụng mang lại. Đó chính là "bẫy" thẻ tín dụng.
2. Hậu quả của “bẫy” thẻ tín dụng
Thứ nhất, phí thường niên của thẻ tín dụng sẽ dao động từ 50.000 – 500.000 đồng là con số khá cao nếu so với các thẻ thông thường. Từ đó, bạn phải gánh vác thêm một khoản nợ bắt buộc qua mỗi tháng
Thứ hai, khi bạn thanh toán các khoản lãi/vay muộn, ngân hàng sẽ thông báo cho trung tâm tín dụng.
Khi các bên cho vay tiêu dùng khác nhận được thông tin này, bạn sẽ khó có thể làm thủ tục vay khác, còn nếu được vay cũng gặp phải những rắc rối và phải chịu mức lãi suất cao.
Thứ ba, nếu bạn bị mất thẻ tín dụng sẽ dẫn đến nhiều rủi ro tiềm ẩn. Bạn có thể bị tấn công bởi những chiêu trò giả mạo từ hacker nếu hệ thống bảo mật của ngân hàng không đủ an toàn. Đồng thời, một số đối tượng có thể thực hiện giao dịch bất chính nhằm đánh cắp tài sản.
Thứ tư, bạn sẽ rất dễ rơi vào vòng xoáy của nợ nần cũng như khó để thoát ra khi bạn phải trả hết nợ tín dụng kết hợp với lãi suất cao ngất ngưởng vào mỗi tháng nhận lương. Từ đó tác động không ít đến đời sống và công việc của bạn.
3. Xử phạt hành vi trốn nợ thẻ tín dụng
Có thể bạn đã biết, lãi suất cơ bản của thẻ tín dụng được tính trên số tiền đã sử dụng chứ không phải số còn thiếu hay tổng hạn mức được cấp và lãi suất chỉ tính khi trả thiếu. Câu chuyện về người đàn ông từ nợ hơn 8 triệu đồng sau 11 năm thành khoản nợ hơn 8,8 tỷ đồng do thẻ tín dụng vừa qua là bài học thực tế cho khoản lãi khủng khiếp của thẻ tín dụng.
Nhưng nếu bạn có ý nghĩ trốn, hay không thanh toán lãi thẻ tín dụng thì hãy dừng ngay lại. Căn cứ Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định chế tài về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
+ Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
- Phạm tội mức cao nhất khi chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 1 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Xét từ quy định trên, hành vi cố tình trốn tránh, gian dối không trả nợ thẻ tín dụng thì có thể phải đối mặt với mức án hình sự: từ 2 năm tù đến 20 năm tù và cả số tiền phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
4. Lưu ý để tránh “bẫy tín dụng”
Một trong những điểm quan trọng nhất của chúng ta khi tham gia thẻ tín dụng chính là lãi suất và thông tin về khoản vay. Vấn đề này được quy định trực tiếp tại khoản 4 Điều 10 Luật các tổ chức tín dụng 2024:
- Tổ chức tín dụng có trách nhiệm công bố công khai lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ, quyền, nghĩa vụ của khách hàng đối với từng loại sản phẩm, dịch vụ đang cung ứng.
Như vậy đúng về phía ngân hàng, việc cung cấp thông tin và giúp đỡ khách hàng hiểu rõ khoản vay tín dụng là trách nhiệm. Bên cạnh đó, người dùng thẻ tín dụng cũng phải nắm rõ các thông tin, để thực hiện đúng theo quy định của điều khoản vay và quy định của pháp luật.
Tổng kết lại, thẻ tín dụng thật sự là con dao hai lưỡi đối với người dùng. Nó sẽ là “bẫy” nếu người dùng không nắm rõ các thông tin và thực hiện không đúng theo các thỏa thuận đã ký kết. Ngoài ra, những quy định pháp luật về vấn đề trả nợ cũng được quy định rất cụ thể, nếu người dùng không trả nợ tín dụng, hoàn toàn có thể đối diện với mức án hình sự, phạt từ 2 - 20 năm tù.