Bắt cóc 2 bé gái ở phố đi bộ: Nữ nghi phạm có thể bị xử lý như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #610407 10/04/2024

    phucpham2205
    Top 500
    Lớp 5

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (369)
    Số điểm: 6801
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 140 lần
    SMod

    Bắt cóc 2 bé gái ở phố đi bộ: Nữ nghi phạm có thể bị xử lý như thế nào?

    Nghi can Phạm Huỳnh Nhật Vi có hành vi bắt cóc 2 bé gái tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ. Hiện Công an TP HCM đang củng cố, tài liệu chứng cứ để xử lý nghiêm trường hợp này.

    Theo Báo tuổi trẻ, khoảng 20 giờ ngày 03/04/2024, khi cùng mẹ đi bán kẹo tại khu vực Đồng Khởi - phố đi bộ Nguyễn Huệ. Hai bé gái 07 tuổi và 03 tuổi đã bị nghi phạm tiếp cận và dắt 02 bé từ đường Đồng Khởi qua phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tại đây, nghi phạm vào cửa hàng tiện lợi mua đồ ăn cho 02 bé, rồi dẫn dụ về căn hộ chung cư trên địa bàn Phường 22 Quận Bình Thạnh.

    Khoảng 4 giờ 30 sáng ngày 08/04, công an đã xác định được tung tích và nơi nghi phạm giữ 02 bé gái. Đến 10 giờ cùng ngày, lực lượng phối hợp kiểm tra hành chính căn hộ nói trên, tiếp cận con tin và giải cứu thành công 02 bé. Thời điểm được giải cứu, tình trạng sức khỏe 2 bé ổn định, tuy nhiên có phần sợ hãi và hốt hoảng.

    (1) Nữ nghi phạm đã vi phạm những gì?

    Đầu tiên, tại Điều 20 Hiến pháp 2013 có quy định như sau:

    “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”

    Đồng thời, tại Điều 6 Luật Trẻ em 2016 quy định về 15 hành vi bị nghiêm cấm với trẻ em bao gồm:

    “1. Tước đoạt quyền sống của trẻ em. 

    2. Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em

    3. Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

    …”

    Từ dẫn chiếu những quy định nêu trên, có thể thấy nghi phạm trong trường hợp này có hành vi dụ dỗ, chiếm đoạt 02 bé gái 07 tuổi và 03 tuổi tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Hành vi này đã xâm phạm quyền tự do thân thể của công dân, đồng thời xâm phạm đến quyền trẻ em và gây lo lắng, hoang mang,  ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của các nạn nhân và gia đình, gây mất an ninh trật tự.

    (2) Nữ nghi phạm có thể bị xử lý như thế nào?

    Như đã có đề cập phía trên, hiện cơ quan Công an TP HCM vẫn đang trong quá trình thu thập và củng cố tài liệu để làm rõ khả năng nhận thức về hành vi, động cơ, mục đích của nghi phạm. Theo đó, tại đây sẽ xảy ra 02 trường hợp như sau:

    Trường hợp 01: Nếu cơ quan điều tra xác minh được hành vi bắt cóc 02 bé gái của nghi phạm là để nhằm mục đích đòi tiền chuộc thì nghi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 169 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017.

    Trường hợp 02: Nếu xác minh được hành vi bắt cóc nghi phạm không nhằm để chiếm đoạt tài sản thì tại đây sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “chiếm đoạt người dưới 16 tuổi” được quy định tại Khoản 2 Điều 153 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 với khung hình phạt là từ 05 đến 10 năm tù. Ngoài ra, còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Tuy nhiên, việc xử lý nghi phạm về tội danh nào sẽ còn phải phụ thuộc vào hành vi phạm tội cũng như yếu tố chủ quan, động cơ mục đích, hậu quả gây ra với xã hội. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ mặt khách quan cũng như mặt chủ quan của tội phạm, khả năng nhận thức hành vi của nữ nghi phạm để xác định sẽ xử lý về tội danh nào.

     
    71 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận