Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ V đã bổ sung tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đồng thời quy định rõ hơn về Quyền của người tiêu dùng và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
Theo đó, một số quy định mới tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 như sau:
(1) Bảo vệ quyền lợi cho đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương là quy định mới, thể hiện rõ nét chủ trương, chính sách nhân văn của Nhà nước và Chính phủ trong việc bảo vệ toàn diện quyền lợi chính đáng của người dân.
Theo đó, Luật đã xác định rõ các nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm:
- Người cao tuổi;
- Người khuyết tật;
- Trẻ em;
- Người dân tộc thiểu số;
- Người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;
- Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
- Người bị bệnh hiểm nghèo và thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
Như vậy, để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Luật quy định một số trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó nổi bật là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Xem bài viết liên quan: Thông qua 8 luật tại Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 5 ngày 17/7/2023
(2) Phương thức giải quyết tranh chấp
Luật bổ sung quy định về quyền của người tiêu dùng yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thương lượng hoặc quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ thương lượng khi quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Về giải quyết tranh chấp tại tòa án, Luật sửa đổi lần này đã khẳng định rõ vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ cần có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng là được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không cần đáp ứng bất cứ điều kiện nào khác. Tòa án giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ việc có giá trị nhỏ; đối với vụ việc có giá trị xác định nhằm bảo đảm tiết kiệm chi phí, nguồn lực xã hội để giải quyết các vụ việc có giá trị không lớn, góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao ý thức pháp luật một cách hiệu quả cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Ngoài ra, Luật bổ sung quy định về tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể như sau:
Trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Chính phủ.
(3) Bổ sung một số các hành vi bị cấm
Luật bổ sung một số hành vi bị cấm, trong đó, bao gồm hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số như:
- Cấm thực hiện hành vi không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
- Cấm thực hiện hành vi ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Cấm hành vi yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 chương, 80 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Xem bài viết liên quan: Thông qua 8 luật tại Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 5 ngày 17/7/2023