Hiện nay người báo tin vi phạm giao thông cho lực lượng chức năng như CSGT,... thì có được thưởng tiền không? Được thưởng bao nhiêu tiền? Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin về vấn đề trên.
Báo tin vi phạm giao thông được thưởng bao nhiêu tiền?
Theo Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định:
- Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.
- Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.
Theo đó, mọi người đều có quyền báo tin cho lực lượng chức năng về việc người khác vi phạm giao thông (vì đây là hành vi trái pháp luật).
Theo các quy định hiện hành tại Luật giao thông đường bộ 2008, Nghị định 135/2021/NĐ-CP và các văn bản liên quan thì không có quy định việc thưởng tiền cho người báo tin vi phạm giao thông.
Như vậy, hiện nay người báo tin vi phạm giao thông không được thưởng tiền mà đây là quyền của người dân.
Xem thêm: Người dân có thể gửi video vi phạm giao thông cho CSGT qua đâu?
Đề xuất báo tin vi phạm giao thông sẽ được thưởng đến 5 triệu
Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị định): https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/31/chuan-dt-nghi-dinh-kinh-phi.docx
Theo đó, tại điểm i khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị định quy định một trong những nội dung chi của kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe là:
Chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, tại điểm l khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị định đã quy định mức chi cho tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông: Không quá 5.000.000 đồng/01 vụ việc.
Như vậy, nếu dự thảo Nghị định được thông qua thì mức chi cho tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (báo tin vi phạm giao thông) tối đa là 5 triệu đồng mỗi vụ việc.
Tin báo vi phạm giao thông của người dân sẽ được tiếp nhận, xử lý như thế nào?
Theo Điều 20 Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định về việc tiếp nhận, thu thập và xử lý dữ liệu
- Dữ liệu được tiếp nhận, thu thập từ các nguồn sau:
+ Dữ liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển đến đề nghị kiểm tra, xác minh;
+ Dữ liệu đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng;
+ Dữ liệu do cá nhân, tổ chức cung cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 135/2021/NĐ-CP.
- Trình tự tiếp nhận, thu thập dữ liệu:
+ Hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện cung cấp dữ liệu theo quy định;
+ Thực hiện việc tiếp nhận, thu thập dữ liệu từ các nguồn quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 135/2021/NĐ-CP.
Trường hợp dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật được cung cấp không có tên, địa chỉ rõ ràng, cụ thể của cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu nhưng có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm và có cơ sở để kiểm tra, xác minh thì cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền tiếp nhận, thu thập dữ liệu, tiến hành việc kiểm tra, xác minh, xử lý theo quy định;
+ Vào sổ và báo cáo công tác tiếp nhận, thu thập dữ liệu.
Dữ liệu tiếp nhận, thu thập được phải ghi chép vào sổ hoặc phần mềm theo dõi và báo cáo ngay người có thẩm quyền để giải quyết, xử lý theo quy định.
- Xử lý dữ liệu tiếp nhận, thu thập:
Cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xử lý dữ liệu tiếp nhận, thu thập được như sau:
+ Dữ liệu thuộc thẩm quyền xử lý thì tiến hành thủ tục xác minh theo quy định tại Điều 21 Nghị định 135/2021/NĐ-CP ;
+ Dữ liệu không thuộc thẩm quyền xử lý thì chuyển cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc xác minh;
+ Kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật quy định tại Điều 22 Nghị định 135/2021/NĐ-CP thì không phải thực hiện việc xác minh; việc xử lý thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định 135/2021/NĐ-CP .
Như vậy, lực lượng chức năng sẽ hướng dẫn người dân cung cấp dữ liệu theo quy định, sau đó tiếp nhận, thu thập dữ liệu, vào sổ và báo cáo, nếu dữ liệu thuộc thẩm quyền của cơ quan mình thì tiến hành thẩm tra, không thuộc thẩm quyền thì chuyển cho cơ quan có thẩm quyền.