Tóm tắt: Bài viết phân tích rõ việc bảo vệ quyền con người qua các quy định của pháp luật tố tụng dân sự trong chế định giám đốc thẩm, tái thẩm ở một số khía cạnh: Mục đích ban hành chế định giám đóc thẩm tái thẩm,thủ tục tiến hành của hai thủ tục này, chủ thể kháng nghị, hoãn và tạm đình chỉ thi hành án - điểm giống giữa hai thủ tục này. Qua đó, bài viết hướng tới việc khai thác riêng về sự khác biệt của từng thủ tục cũng như các quy định của pháp luật nổi bật thể hiện sâu sắc quyền con người, quyền công dân ở các nội dung như sau: tính chất của giám đốc thẩm, tái thẩm,phạm vi của giám đốc thẩm, tái thẩm; thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, quyền hạn của hội đồng giám đốc thẩm tái thẩm. Trên cơ sở đó, tác giả bình luận về thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật để làm sáng tỏ hơn nữa việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân . Trên cơ sở bài viết tác giả bình luận các quy định thực thi trên thực tế, cũng như ưu điểm và vướng mắc còn tồn tại của chế định.
Tinh thần của Hiến pháp 2013 đã quy định chủ đạo đó là : Bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền và nghĩa vụ công dân . Vì vậy mà quy định đó đã được dự liệu trong các văn bản pháp luật : Luật đất đai, luật dân sự, luật hôn nhân và gia đình, … ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc trong bộ luật tố tụng dân sự 2015.Xuyên suốt từng chế định , bộ luật đã quy định đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân một cách tốt nhất. Trong đó có chế định giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục đặc biệt xét lại các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.Tòa án phải có trách nhiệm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự nếu có phát hiện bản án, quyết định của tòa án cấp dưới có những sai lầm nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ án.
I. Quy định của pháp luật tố tụng dân sự 2015 về bảo đảm quyền con người trong chế định giám đốc thẩm, tái thẩm
Cùng là thủ tục có tính chất đặc biệt trong tố tụng dân sự, Giám đốc thẩm và tái thẩm đều thể hiện những điểm tương đồng, cụ thể như sau: cả hai thủ tục này không phải là một cấp xét xử mà là thủ tục xét lại bản án , quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị . Cho nên, tác giả sẽ triển khai theo hướng phân tích việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo một cách chung nhất giữa điểm tương đồng của hai thủ tục này sau đó sẽ đi xem xét quyền con người, quyền công dân được đảm qua từng thủ tục..
1. Quyền con người, quyền công dân được đảm bảo qua mục đích xây dựng chế định giám đốc thẩm, tái thẩm.
Bộ luật tố tụng dân sự là một bộ luật rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến 90 triệu dân dân Việt Nam bao gồm cả công dân Việt Nam trong nước và nước ngoài. Nếu như quy định quyền lợi cho họ ở bộ luật dân sự là chưa đủ, bộ dân sự có tốt nhưng nếu bộ luật tố tụng không tốt thì quyền lợi của các chủ thế cũng không được đảm bảo . Vậy, một câu hỏi đặt ra pháp luật tố tụng dân sự là cần phải xây dựng như thế nào để bảo đảm đảm quyền con người, quyền công dân một cách tối ưu nhất ? . Việc giải quyết một vụ án dân sự phải trải nhiều giai đoạn , chế định nhưng quá trình này diễn ra tương đối phức tạp, nhiều công đoạn , do vậy khó tránh khỏi những sai lầm. Mặc dù thực hiện theo nguyên tắc sơ thẩm, phúc thẩm phải được đảm bảo nhưng pháp luật tố tụng dân sự đã quy định thêm thủ tục xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật để kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án, quyết định để phát hiện những sai lầm nghiêm trọng, vi phạm trong quá trình giải quyết của tòa án nhân dân cấp dưới . Từ đó , bảo đảm tốt nhất quyền con người, quyền công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Mặt khác , tòa án nhân dân tối cao cũng tổng kết và hướng dẫn các tòa án cấp dưới áp dụng thống nhất pháp luật dể không tiếp tục mắc phải những sai lầm đó.Xuất phát từ mục đích của chế định giám đốc thẩm, tái thẩm như vậy cho nên nhà làm luật đã quy định có sự giống nhau giữa hai thủ tục này.
Dựa vào tính chất của giám đốc thẩm, tái thẩm có thể khằng đinh rẳng, đối tượng của giám đốc thẩm, tái thẩm này là bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Về nguyên tắc , một bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật phải được đưa ra thi hành. Tuy nhiên , do quá trình giải quyết vụ án dân sự là một quá trình phức tạp cho nên việc thực hiện các hoạt động tố tụng vẫn có thể có sai lầm nhất định. Theo lẽ đó, các cá nhân , cơ quan, tổ chức khi phát hiện bản án, quyết định của tòa án đã tuyên sai lầm nghiêm trọng , vi phạm pháp luật thì đều có quyền khiếu nại hoặc đề nghị cá nhân có thẩm quyền tiến hành kháng nghị.
Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự một trong những điều kiện để vụ án được xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm thì phải bị các chủ thể có thẩm quyền kháng nghị thì mới được xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm còn nếu không bị kháng nghị thì dù có sai lầm cũng không được xét lại theo hai thủ tục này. Điều 331 và 354 BLTTDS 2015 về các chủ thể có thẩm quyền kháng nghị giám đóc thẩm, tái thẩm quy định chủ thể được thực hiện quyền kháng nghị đó là: Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao, Viện trưởng viện kiểm sát Nhân dân cấp cao. Như vậy, nhằm đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được đúng đắn trong quá trình giải quyết vụ án thì Tòa án cấp trên , viện kiểm sát cấp trên phải giám đốc việc xét xử của tòa án cấp dưới. Pháp luật đã quy định một số chủ thể có thẩm quyền được kháng nghị để tòa án xét lại theo thủ tục đặc biệt khi phát hiện sai lầm, vi phạm pháp luật của Tòa án cấp dưới hoặc khi phát hiện những tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ án mà tòa án, đương sự không biết được trong quá trình xét xử.Để đảm bảo bản án được ổn định tránh việc kháng nghị một các tràn lan thì chỉ những người này mới có quyền kháng nghị. Đương sự có quyền khiếu nại, thông báo đến chủ thể có thẩm quyền nếu phát hiện những sai lầm, vi phạm pháp luật. Những người có thẩm quyền kháng nghị sẽ kiểm tra và sàng lọc những đơn khiếu nại đó để đảm bảo được việc khiếu nại đó là đúng đắn. Bởi hiện nay tâm lý người dân Việt Nam vẫn thường hay khiếu nại “ cầu may”, tràn lan. Trước khi tiến hành kháng nghị thì chủ thể có thẩm quyền phải nghiên cứu kĩ hồ sơ vụ án , để tránh kháng nghị sai lầm một làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháo của đươn sự . Hệ quả của việc kháng nghị là tòa án sẽ xem xét lại theo thủ tục đặc biệt và tạm đình chỉ thi hành án hoặc hoãn thi hành án làm sao bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Về thủ tục triển khai thì tại điều 357 BLTTDS 2015 thì thủ tục tái thẩm cũng được áp dụng tương tự đối với thủ tục giám đốc thẩm quy định tai điều 341 BLTTDS 2015.
Về hoãn và tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật. Ở cả hai thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm quy định ở điều 332 BLTTDS 2015 đều quy định người có thẩm quyền kháng nghị có quyền hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án. Cụ thể trong trường hợp cần phải hoãn việc thi hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực để xem xét việc kháng nghị thì người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án hoãn việc thi hành án, quyết định của tòa án để xem xét kháng nghị , người đã kháng nghị bản án có quyền tạm đình chỉ việc thi hành bản án, quyết định của tòa án cho đến khi có quyết định tái thẩm. Quy định như vậy là nhằm khắc phục tình trạng bản án, quyết định đã được đưa ra thi hành rồi thì mới kháng nghị thì quyền lợi của đương sự sẽ không được đảm bảo, tốn chi phí, công sức. Việc khắc phục và giải quyết hậu quả thi hành án cũng rất khó khăn. Vì vậy cả hai thủ tục đều quy định người có thẩm quyền kháng nghị có quyền yêu cầu hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án để bảo đảm quyền con người, quyền công dân một cách tốt nhất. Tránh tình trạng “ Tố tụng đã là một nỗi đoạn trường và thi hành án là một đoạn trường khác”. Như đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã nêu.
Về hậu quả pháp lí: Nếu thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được triển khai thì một điều chắc chắn rằng bản án, quyết định của tòa án cấp dưới bị sai lầm, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, quyền công dân do vậy khi phiên tòa giám đốc thẩm , tái thẩm được triển khai thì đương sự phải tuân theo phán quyết của hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm đó.
è Như vậy xuất phát từ mục đích ban hành chế định giám đốc thẩm, tái thẩm đã cho thấy nhà làm luật đã thiết lập cơ chế pháp lí đảm bảo quyền con người, quyền công dân từ đó đã triển khai các quy định cụ thể phù hợp với từng thủ tục để quyền lợi của các đương sự được thực thi trên thực tế.
1.1 Quyền con người, quyền công dân được đảm trong thủ tục giám đốc thẩm dân sự
- Thứ nhất, về tính chất của giám đốc thẩm dân sự
Điều 325 của BLTTDS 2015 quy định về : “ Giám đốc thẩm là hoạt động xét lại bản án ,quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại điều 326 của Luật này ”. Như vậy từ nội dung của điều luật ta có thể khẳng định rằng giám đốc thẩm dân sự là hoạt động xét lại bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật chứ không phải là cấp xét xử thứ ba. Ở đây nhà làm luật đã quy định rõ là xét lại chứ không phải là “ xét xử” lại. Bởi nguyên tắc đặc trưng của tố tụng dân sự là hai cấp xét xử, vì vậy không có cấp xét xử thứ ba. Quy định như vậy để tránh tình trạng một vụ án bị kéo dài , qua nhiều lần xét xử, tốn thời gian công sức, tiền bạc của đương sự. Mặt khác điều khoản 5 điều 103 của Hiến pháp 2013 cũng có quy định “ chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm phải được đảm bảo”.Lý luận và thực tiễn cho thấy nếu một vụ án được giải quyết một cách nghiêm túc, đúng đắn ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm thì không phải qua thủ tục xét lại này. Nhưng để giải quyết một vụ án dân sự thì đó là cả một quá trình, mà bất kì những giai đoạn nào cũng có thể sai lầm nhất định ,quyền con người, quyền công dân không được đảm bảo. Vì vậy mà cần quy định một thủ tục xét lại bản án quyết định của tòa án để phát hiện sai lầm, vi phạm của tòa án cấp dưới, đảm bảo quyền con người, quyền công dân.
Thứ hai , quyền con người , quyền công dân được thể hiện qua phạm vi giám đốc thẩm dân sự.
Điều 342 BLTTDS 2015 có quy định: “ 2. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền xem xét phần quyết định của bản án , quyết định đã có hiệu lực pháp luật không có bị kháng nghị hoặc liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị , nếu phần quyết định đó xâm phạm đến lợi ích công cộng , lợi ích nhà nước , lợi ích của người thứ ba không phải đương sự trong vụ án”.
Về nguyên tắc thì Hội đồng giám đốc thẩm chỉ xem xét lại phần quyết định của bản án , quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị . Tuy nhiên với mục đích quy định thủ tục giám đốc thẩm là để khắc phục những sai lầm , vi phạm pháp luật của tòa án nhân dân cấp dưới chỉ đạo cấp dưới sửa sai và áp dụng thống nhất pháp luật hơn nữa cũng như đảm bảo quyền con người, quyền công dân thì Hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét toàn diện, khách quan toàn bộ bản án đó. Vì vậy Hội đồng sẽ xem xét cả phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không bị kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị, nếu phần quyế định đó xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước, lợi ích người thứ ba không phải là đương sự trong vụ án.
Thứ ba, quyền con người , quyền công dân được đảm bảo qua thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm.
Tại điều 334 BLTTDS 2015 có quy định: “Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thảm là 3 năm, trừ trường hợp theo quy định tại khoản 2 điều này.
Đây là những trường hợp đã gần hết thời hạn theo thủ tục giám đốc thẩm thì Tòa, Viện Kiểm sát mới nhận được đơn khiếu nại của đương sự nên không đủ thời gian xem xét hoặc có nộp đơn trong thời hạn kháng nghị nhưng tòa án, viện kiểm sát không kịp xem xét, phát hiện sai lầm thì hết thời hạn 3 năm mà đương sự có đơn đề nghị và bản án, quyết định có vi phạm pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của người thứ ba thì thời hạn kháng nghị tiếp tục kéo dài thêm 2 năm kể từ ngày hết hạn kháng nghị như theo quy định tại khoản 2 điều 334 BLTTDS 2015. Về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm có hai luồng quan điểm. Có có quan điểm là xây dựng thời hạn kháng nghị trong thời hạn 3 năm như quy định của Bộ luật nhưng sau khi hết thời hạn kháng nghị này mà mới phát hiện sai lầm nghiêm trọng thì người có thẩm quyền có quyền kháng nghị bất cứ lúc nào. Tuy nhiên theo ông Chánh án TANDTC Từ Văn Nhũ lại phản đối quan điểm này đó là : Hết thời hạn ba năm anh không làm được thì tôi cho anh thêm một năm, hai năm hay ba năm nữa. Còn nếu không quy định thời hạn, tức là một bản án , quyết định có thể bị kháng nghị giám đốc thẩm bất cứ lúc nào thì không một người dân, không một đương sự nào yên tâm ổn định làm ăn, sinh sống.. Chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nếu để một cơ chế như thế thì ai dám vào nữa. Và cuối cùng quan điểm này đã được nhiều người ủng hộ và được xây dựng thành quy định trong BLTTDS. Điều đó cho thấy pháp luật tố tụng dân sự quy định thời hạn kháng nghị được kéo dài 2 năm vừa đảm bảo được quyền khiếu nại của đương sự cũng như tăng sự trách nhiệm của những người có thẩm quyền kháng nghị phải kịp thời phát hiện những sai sót trong thời hạn luật định. Đảm bảo tính ổn định của bản án , quyền con người, quyền công dân, niềm tin tưởng của nhân dân vào công lý. Tuy nhiên việc kéo dài thời hạn kháng nghị phải đáp ứng đủ hai điều kiện như khoản 2 điều 334 BLTTDS 2015.
Thứ tư,quyền con người, quyền công dân được thể hiện trong việc quy định thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm.
Theo quy định tại điều 343 BLTTDS 2015. Trong đó Hội đồng giám đốc thẩm có các quyền : “ 1. Không chấp nhận việc kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật ; 2. Hủy bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa; 3. Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm; 4. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án; 5. Sửa một phần bản án hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.” Như vậy có thể thấy căn cứ vào tính chất của giám đốc thẩm mà pháp luật quy định về quyền hạn cho Hội đồng giám đốc thẩm. Xuất phát từ việc bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật có thể sai lầm, vi phạm nghiêm trọng có thể sai một phần hoặc toàn bộ, sai ở sơ thẩm hoặc phúc thẩm mà tùy từng trường hợp mà hội đồng sẽ ra những phán quyết khác nhau.
Một điểm mới đáng lưu ý của BLTTDS 2015 là cho phép Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa một phần bản án hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên điều kiện để sửa một phần hoặc toàn bộ bản án quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải đáp ứng đủ các điều kiện : Thứ nhất, tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ, rõ ràng; có đủ căn cứ để làm rõ các tình tiết trong vụ án; Thứ hai, việc sửa bản án , quyết định bị kháng nghị không làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Bàn về vấn đề này Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình thì : “ Cho phép thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm hoặc phúc thẩm có sai lầm nghiêm trọng trường hợp hồ sơ đã đủ tài liệu chứng cứ, chứng minh sự thật khách quan của vụ án và quyết định giám đốc thẩm trong trường hợp sửa án là có căn cứ , đúng pháp luật khắc phục tình trạng vụ án quay trở lại xét xử ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm , nhưng kết quả xét xử giống như lần xét xử trước mà không theo đường lối của quyết định giám đốc thẩm gây tốn kém và kéo dài, hàng chục năm mới kết thúc . Quy định này không mâu thuẫn với khoản 6 điều 103 của Hiến pháp năm 2013 “ Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo” vì bản án đã qua hai cấp xét xử , Tòa án nhân dân tối cao thực hiện quyền năng hiến định là cơ quan xét xử cao nhất thì phải có thẩm quyền sửa án. Vì vậy cần phải sửa nguyên tắc “ Thực hiện chế độ hai cấp xét xử” được quy định theo pháp luật hiện hành thành “ chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo”[1].Quy định như vậy cũng nhằm đảm bảo cho vụ án không bị kéo dài, đương sự không phải tốn các chi phí và theo đuổi vu án gây tốn kém tiền của bởi có nhiều vụ án chỉ sai một phần nào đó chẳng hạn như vấn đề án phí, xử lý phần dân sự trong vụ án hình sự… nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định của tòa án có hiệu lực để xét xử lại cả phần đã có hiệu lực rồi mà đáng nhẽ ra những phần đó phải được đưa ra thi hành gây tốn kém, thời gian và tiền bạc cho nhân dân.
1.2 Quy định của pháp luật tố tụng dân sự 2015 về đảm bảo quyền con người, quyền công dân qua thủ tục tái thẩm dân sự.
- Quyền con người, quyền công dân được thể hiện ngay ở tính chất của tái thẩm.
Ở điều 351 BLTTDS 2015 có quy định: “Tái thẩm là xét lại bản án , quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể thay đổi cơ bản nội dung của bản án , quyết định mà Tòa án , các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án , quyết định ”. Cũng giống như giám đốc thẩm thì tái thẩm là một thủ tục đặc biệt xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trên cơ sở kháng nghị của người có thẩm quyền. Tuy nhiên căn cứ kháng nghị ở đây đó là tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định. Một bản án, quyết định của Tòa án được ban hành đã có hiệu lực pháp luật tuy nhiên vì nhiều lý do khách quan, chủ quan mà sau đó mới phát hiện ra tình tiết mới quan trọng làm thay đổi cả nội dung của quan hệ pháp luật đã được giải quyết mà đương sự không biết được. Theo đó các tình tiết mới ở đây phải thỏa mãn 3 tiêu chí đó là: Một là, tình tiết mới đó được phát hiện phải là tình tiết đã có vào lúc tòa án giải quyết vụ án mà tòa án và đương sự dã không thể biết được. Hai là, tình tiết mới đó được phát hiện phải là những tình tiết quan trọng , liên quan đến vụ án , làm thay đổi nội dung vụ án , làm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó không có căn cứ và hợp pháp. Ba là tình tiết mới đó phải là tình tiết mà cần được tòa án xác định qua thủ tục tái thẩm. Những tình tiết mới này nó có ý nghĩa xác định sự thật của vụ án, làm rõ hơn quan hệ pháp luật đang tranh chấp vì vậy cá nhân, cơ quan tổ chức có quyền khiếu nại, hoặc đề nghị cho chủ thể có thẩm quyền để tiến hành kháng nghị theo thủ tục tái thẩm để đảm bảo việc công bằng trong xét xử, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hay nói cách khác là bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
- Thứ hai, quyền con người, quyền công dân được thể hiện qua phạm vi của Tái thẩm dân sự.
Cũng giống như thủ tục giám đốc thẩm , Tòa án chỉ tiến hành xem xét lại phần bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị. Tuy nhiên để đảm bảo được quyền con người, quyền công dân thì Hội đồng phải xem xét một cách khách quan toàn bộ bản án cả những phần không bị kháng nghị hoặc không liên quan đến kháng nghị nếu nó xâm phạm đến lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, người thứ ba. Tính chất của tái thẩm là phát hiện ra tình tiết mới quan trọng làm thay đổi cơ bản bản án, quyết định nên Hội đồng tái thẩm chỉ xem xét vào các tình tiết mới đó. Tuy nhiên trong quá trình xem xét toàn bộ bản án nếu có phát hiện xâm phạm đến lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của người thứ ba thì Hội đồng tái thẩm phải xem xét , giải quyết những phần đó nữa để đảm bảo vụ án được xét xử một cách khách quan, công bằng quyền lợi của các chủ thể đều được đảm bảo.
- Thứ ba, quyền con người, quyền công dân được thể hiện qua thời hạn kháng nghị tái thẩm.
Để nhanh chóng , kịp thời kháng nghị khi phát hiện tình tiết mới pháp luật tố tụng dân sự quy định thời hạn kháng nghị Tái thẩm là 1 năm kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm theo quy định tại điều 352 của bộ luật này. Khác với thời hạn tiến hành kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là từ khi bản án, quyếtétđịnh của tòa án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được tính từ khi người có thẩm quyền phát hiện ra tình tiết mới. Sở dĩ có sự khác nhau đó là do tính chất của giám đốc thẩm và tái thẩm khác nhau. Ở giám đốc thẩm dân sự thì thủ tục này tiến hành khi bản án, quyết định dân sự có sự sai lầm nghiêm trọng do vậy sự sai lầm này xuất từ lúc bản án được có hiệu lực, quyền và lợi ích của đương sự bị xâm phạm. Còn tái thẩm là tiến hành kháng nghị khi phát hiện tình tiết mới mà đương sự, tòa án không biết được trong quá trình giải quyết vụ án do vậy bản án không có sự sai lầm, vi phạm pháp luật. Nếu không phát hiện ra được các tình tiết quan trọng đó bản án, quyết định đó vẫn được coi là đúng đắn. Cho nên trong trường hợp nếu phát hiện ra tình tiết mới này thì người có thẩm quyền kháng nghị phải nhanh chóng kháng nghị trong thời hạn 1 năm mà không được gia hạn để đảm bảo việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, đáp ứng kịp thời nhu cầu nguyện vọng của nhân dân.
- Quyền con người, quyền công dân còn được thể hiện qua thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm.
Theo quy định tại điều 356 BLTTDS 2015, Hội đồng tái thẩm có các quyền hạn sau đây: 1. Không chấp nhận việc kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật ;2.Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm theo thủ tục do Bộ luật này quy định; 3.Hủy bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật để đình chỉ giải quyết vụ án.
Theo từ điển Luật học Việt Nam, “thẩm quyền” là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ hành động, quyết định của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống bộ máy Nhà nước do pháp luật quy định . Với chức năng là cơ quan xét xử nhà nước cao nhất của nước cộng hòa XHCN , nhân danh nhà nước thực hiện quyền tư pháp, vì vậy mà việc quy định thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm như vậy đã góp phần xem xét lại một các khách quan quan hệ pháp luật đang cần giải quyết. Bản thân tính chất của tái thẩm dân sự là phát hiện tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ án mà tòa án , cũng như đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án cho nên bản án, quyết định sẽ không hề sai lầm, vi phạm pháp luật nếu không có tình tiết mới đó cho nên Hội đồng sẽ phải xem xét kĩ căn cứ kháng nghị đó có đúng hay không để y án; hủy án để xét xử sơ thẩm lại lúc này kháng nghị có căn cứ , bản án quyết định được giải quyết đã không phù hợp với thực tế khách quan , làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án thì tòa án sơ thẩm phải giải quyết lại như đối với một vụ án mới ; hủy bản án , quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật để đình chỉ giải quyết vụ án nếu như có các căn cứ xuất hiện như điều 217 BLTTDS 2015. Như vậy quyền con người, quyền công dân đượ c đảm bảo dựa trên nguyên tắc tòa án xác định xem có tình tiết mới quan trọng làm thay đổi nội dung vụ án hay không từ đó thực hiện quyền hạn cụ thể của mình, giải quyết dứt điểm các quan hệ pháp luật đang cần giải quyết.
2. Quyền con người, quyền công dân được đảm bảo qua thủ tục đặc biệt cho phép Hội đông thẩm phán tòa án nhân dân tối cao xem xét lại chính quyết định của mình.
Khoản 1 điều 104 của Hiến pháp 2013 quy định: “ TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” Do đó , quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm là quyết định cao nhất. Tuy nhiên ở khoản 1 điều 358 BLTTDS 2015 “ Nếu có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết nghiêm trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, đương sự không thể biết được khi ra quyết định đó , nếu có yêu cầu của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội , kiến nghị của Uỷ ban tư pháp của Quốc Hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án tòa án nhân dân tối cao thì Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định đó” . Mặc dù quá trình giải quyết vụ án đã tuân theo một quy trình nghiêm ngặt nhưng vẫn có thể sai lầm nhất định. Sai ở đây không phải là ở quy định của pháp luật cũng như thiết chế pháp lý của nhà nước mà sai ở đây là do bộ máy con người. Khi xét xử niềm tin nội tâm của thẩm phán vẫn bị chi phối chủ yếu.Quy định này hoàn toàn phù hợp với “ Bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền , nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Nếu phát hiện quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm có sai lầm nghiêm trọng thì Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ra kết luận , tòa án phải bồi thường cho đương sự , cơ quan, tổ chức bị xâm phạm nhằm khắc phục “ tai nạn công lý” xảy ra, đảm bảo quyền con người, quyền công dân.
[1] Trương Hòa Bình, “ Nâng cao chất lượng tranh tụng tại Tòa án, giải pháp đột phá TAND thực hiện có kết quả bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Tạp chí TAND, Cộng sản, Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Số chuyên đề 11/2014, tr 7