Trong lĩnh vực đấu thầu, các thuật ngữ bảo lãnh dự thầu và bảo đảm dự thầu thường xuyên xuất hiện và gây nhầm lẫn cho nhiều người. Bài viết dưới đây cung cấp thông tin về bảo đảm dự thầu là gì? Phân biệt bảo lãnh dự thầu và bảo đảm dự thầu.
Bảo lãnh dự thầu và bảo đảm dự thầu là hai biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của bên mời thầu, đảm bảo các nhà thầu tham gia đấu thầu có trách nhiệm và cam kết thực hiện đúng những gì đã đề xuất.
(1) Bảo đảm dự thầu
Theo Điều 14 Luật Đấu thầu năm 2023 quy định về bảo đảm dự thầu như sau:
Nhà thầu, nhà đầu tư phải thực hiện một trong các biện pháp sau đây để bảo đảm trách nhiệm dự thầu trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu:
+ Đặt cọc.
+ Nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam.
+ Nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm.
- Bảo đảm dự thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
+ Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu hỗn hợp;
+ Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với lựa chọn nhà đầu tư.
Nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trước thời điểm đóng thầu theo quy định của hồ sơ mời thầu; trường hợp áp dụng phương thức đấu thầu hai giai đoạn, nhà thầu, nhà đầu tư phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trong giai đoạn hai.
- Căn cứ quy mô và tính chất của từng dự án, dự án đầu tư kinh doanh, gói thầu cụ thể, mức bảo đảm dự thầu trong hồ sơ mời thầu được quy định như sau:
+ Từ 1% đến 1,5% giá gói thầu áp dụng đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng.
+ Từ 1,5% đến 3% giá gói thầu áp dụng đối với gói thầu không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
+ Từ 0,5% đến 1,5% tổng vốn đầu tư của dự án đầu tư kinh doanh áp dụng đối với lựa chọn nhà đầu tư.
-Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu:
Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu bằng thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu cộng thêm 30 ngày theo khoản 5 Điều 14 Luật Đấu thầu năm 2023.
- Gia hạn thời gian có hiệu lực:
+ Trường hợp gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu sau thời điểm đóng thầu, bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu, nhà đầu tư gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu theo khoản 6 Điều 14 Luật Đấu thầu năm 2023
+ Trong trường hợp này, nhà thầu, nhà đầu tư phải gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu và không được thay đổi nội dung trong hồ sơ dự thầu đã nộp. Trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư từ chối gia hạn thì hồ sơ dự thầu sẽ không còn giá trị và bị loại; bên mời thầu phải hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu cho nhà thầu, nhà đầu tư trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày bên mời thầu nhận được văn bản từ chối gia hạn.
(2) Bảo lãnh dự thầu
Bảo lãnh dự thầu là một hình thức cụ thể của bảo đảm dự thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Đấu thầu năm 2023
Trong đó, một bên thứ ba (thường là ngân hàng hoặc tổ chức tài chính) đứng ra bảo lãnh cho nhà thầu. Nếu nhà thầu vi phạm các điều kiện của hồ sơ mời thầu, bên bảo lãnh sẽ chịu trách nhiệm thanh toán cho bên mời thầu một khoản tiền nhất định theo cam kết trong thư bảo lãnh.
- Lợi ích của bảo lãnh dự thầu:
+ Giúp cho khách hàng có đủ điều kiện để tham gia vào một giao dịch đấu thầu mà việc phải có bảo lãnh của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính là bắt buộc.
+ Bảo lãnh dự thầu từ một ngân hàng hoặc tổ chức tài chính có uy tín giúp tăng độ tin cậy của khách hàng với đối tác của mình qua đó làm cho triển vọng thành công của giao dịch đấu thầu trở nên chắc chắn hơn.
Đơn bảo lãnh dự thầu áp dụng đối với nhà thầu độc lập theo Mẫu số 04A, ban hành kèm theo Thông tư 15/2022/TT-BKHĐT
Xem và tải mẫu Thư bảo lãnh dự thầu:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/26/MAU%20SO%2004A_CHUONG_IV-MAU%20SO%2001-TT-%2015-2022-TT-BKHDT.doc
Bảo lãnh là một trong các biện pháp bảo đảm dự thầu nên thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu bằng thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu cộng thêm 30 ngày theo khoản 5 Điều 14 Luật Đấu thầu năm 2023
(3) Phân biệt bảo lãnh dự thầu và bảo đảm dự thầu
- Điểm giống nhau:
+ Mục đích chung: Cả hai đều nhằm đảm bảo tính nghiêm túc và trách nhiệm của nhà thầu trong quá trình tham gia đấu thầu.
+ Hình thức bảo đảm: Bảo lãnh dự thầu là một hình thức của bảo đảm dự thầu.
- Điểm khác nhau:
+ Chủ thể thực hiện: Bảo đảm dự thầu có thể do nhà thầu tự thực hiện bằng cách đặt cọc tiền mặt, trong khi bảo lãnh dự thầu phải có sự tham gia của một bên thứ ba.
+ Hình thức: Bảo đảm dự thầu có thể dưới dạng đặt cọc, thư bảo lãnh ngân hàng hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm, trong khi bảo lãnh dự thầu cụ thể là thư bảo lãnh của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.
+ Rủi ro tài chính: Với bảo lãnh dự thầu, rủi ro tài chính của bên mời thầu được giảm thiểu hơn so với bảo đảm dự thầu vì trách nhiệm thanh toán được chuyển sang bên thứ ba (ngân hàng hoặc tổ chức tài chính).
Tóm lại, cả hai biện pháp này đều giúp đảm bảo tính minh bạch và công bằng, bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan. Tuy nhiên, sự khác biệt về chủ thể và hình thức bảo đảm cần được nắm rõ để áp dụng đúng theo quy định của pháp luật.