Hiện nay, việc đi phượt, đi chơi hay thâm chí xuyên Việt bằng xe máy là chuyện rất bình thường mà từ thời trẻ ta đã làm và thậm chí đến lúc trung niên để chu du được nhiều hơn, vào tận sâu những bản làng hẻo lánh, gặp gỡ mọi tầng lớp xã hội, học được rất nhiều về đất nước Việt Nam.
Thêm nữa, nhờ đi xe máy, chúng ta chủ động được thời gian của mình, và điều không kém phần quan trọng: chi phí khá rẻ. Toàn bộ chuyến du lịch xuyên trong một tháng chỉ mất chừng 500 USD. Tất cả đã khiến chúng ta thích đi du lịch bằng xe máy hơn các phương tiện khác.
Với nhiều người nước ngoài, xe máy trở thành điều thú vị của Việt Nam, thậm chí là một nét văn hóa. Nếu vô tình bắt gặp du khách mới sang Việt Nam, bạn sẽ thấy ánh mắt của họ vừa ngạc nhiên, vừa thích thú xen lẫn hồi hộp, và cả sợ hãi khi nhìn dòng xe cộ cuồn cuộn trên đường.
Ở mặt khác, xe máy đang bị cho là thủ phạm gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, tắc đường và tai nạn giao thông. Chính vì những lý do đó mà thành phố Hà Nội đang muốn cấm xe máy theo lộ trình. Tuy nhiên, theo mình đây là kế hoạch không khả thi cho lắm, nhất là trong tương lai gần.
Nếu nói về nguyên nhân tắc đường, thủ phạm không chỉ có xe máy. Thực ra, những chiếc ô tô mới chiếm nhiều hơn diện tích trên đường. Trong khi nó chưa chắc đã tối ưu hóa được khả năng vận chuyển của mình nếu trên ô tô chỉ có đúng một tài xế. Chưa kể, nhiều khi phương tiện này cũng lấn cả làn xe máy và từ đó gây ách tắc. Bạn có thể kiểm chứng điều này trên tuyến Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi ở Sài Gòn, vào giờ cao điểm.
Việc cải thiện chất lượng không khí bằng cách xóa bỏ xe máy nghe có vẻ đầy hoài nghi. Khí thải từ ô tô đi đâu? Nó không góp phần làm ô nhiễm không khí? Ngoài ra ô nhiễm còn từ việc xây dựng dày đặc, từ các nhà máy sản xuất công nghiệp, hay thậm chí là từ thói quen của người dân như xả rác và đốt rác chẳng hạn. Trung Quốc cũng đã cấm xe máy ở một số thành phố lớn, nhưng ô nhiễm không khí ở nước này vẫn đang nằm trong báo động đỏ.
Còn để giảm tai nạn giao thông, theo tôi sự cố xảy ra trên đường không phụ thuộc vào việc bạn đi phương tiện gì mà quan trọng là sự tuân thủ luật giao thông, tính trách nhiệm và kỷ luật của mọi người cầm lái.
Ở Việt Nam, khi giá bất động sản cao ngất ngưởng, rất khó để mua được nhà ở gần khu trung tâm - nơi thường có nhiều việc làm hấp dẫn. Trong khi giao thông công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân thì xe máy là cần câu cơm của rất nhiều người. Vì thế, cấm xe máy trong thời gian này sẽ gây nhiều khó khăn cho người dân, làm giảm năng suất lao động của họ, thậm chí có thể gây ra nạn thất nghiệp và hậu quả cuối cùng là làm suy giảm kinh tế, kéo theo bất ổn xã hội.
Cấm xe máy mà chưa có một nền tảng hạ tầng thay thế vô tình làm khoảng cách giàu nghèo lớn hơn trong xã hội Việt Nam. Ở một đất nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ 2.587 USD (năm 2018) cùng với thuế nhập khẩu ô tô và giá xăng dầu đều cao, tôi không nghĩ số đông người dân có cơ hội sử dụng ô tô. Một chính quyền ưu việt phải giải quyết được vấn đề của tất cả nhân dân, chứ không chỉ mang đến thuận lợi cho một nhóm nhất định.
Như vậy, phát triển và cải thiện bộ mặt giao thông công cộng, thắt chặt việc thực thi pháp luật giao thông - đặc biệt là tệ tham nhũng trên đường - cùng với giáo dục thái độ văn minh cho người đi đường là những cách khả thi hơn lệnh cấm xe máy lạnh lùng. Và biết đâu, khi có một hạ tầng giao thông đủ tốt, không cần ai cấm, người dân sẽ tự giã từ xe máy của mình.
Như vậy, các quy định pháp luật trong hiện tại và tương lai sẽ cần phải thay đổi như thế nào và liệu rằng mọi người dân sẽ được gì và không được gì từ những thay đổi đó ? Hãy đưa ra những quan điểm để thảo luận nhé