BÀN VỀ YẾU TỐ ĐỊNH LƯỢNG TÀI SẢN TRONG TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN - ĐIỀU 138 BLHS
Anhdv352
1. Đặt vấn đề
Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây viết tắt là BLHS) và được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIV “các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự 1999 (sau đây gọi tắt là Thông tư 02). Tội trộm cắp tài sản là tội có cấu thành vật chất, yếu tố định lượng tài sản bị chiếm đoạt đóng vai trò quan trọng trong việc định tội và định khung hình phạt. Trong lần sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2009, yếu tố định lượng giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong tội trộm cắp đã được nâng từ mức 500.000 đồng lên mức 2.000.000 đồng làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Tuy nhiên, việc sửa đổi BLHS liên quan đến tội trộm cắp tài sản nói riêng và các tội xâm phạm sở hữu nói chung lại không gắn liền với việc sửa đổi văn bản hướng dẫn thi hành các tội này. Chính điều này đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng luật trên thực tế. Đặc biệt là vấn đề định lượng tài sản làm căn cứ định khung hình phạt người phạm tội theo khung hình phạt nào trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp nhiều lần. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới vướng mắc trong việc truy cứu TNHS đối với hai trường hợp liên quan tới định lượng giá trị tài sản chiếm đoạt của tất cả các lần thực hiện hành vi trộm cắp (chưa bị phát hiện xử lý trước đó). Đó là: 1. Định lượng giá trị tài sản trộm cắp để làm căn cứ định khung hình phạt trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần; 2. Định lượng giá trị tài sản trộm cắp để làm căn cứ định khung hình phạt trong trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi trộm cắp tài sản mà trong đó có lần thực hiện hành vi trộm cắp có giá trị bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (hành vi phạm tội trộm cắp), có lần thực hiện hành vi trộm cắp có giá trị dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (không thuộc các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự).
2. Định lượng giá trị tài sản trộm cắp để làm căn cứ định khung hình phạt trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần
Trong thông tư 02 hướng dẫn về các tội xâm phạm sở hữu có hướng dẫn việc định lượng giá trị tài sản chiếm đoạt để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện nhiều lần hành vi chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, văn bản này lại chỉ hướng dẫn trường hợp hành vi nhiều lần chiếm đoạt tài sản, trong đó mỗi lần chiếm đoạt tài sản đều dưới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cộng tổng giá trị chiếm đoạt tài sản tại các lần để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người này. Trong khi đó, việc hướng dẫn việc định khung hình phạt trong trường hợp phạm tội nhiều lần lại không được hướng dẫn cụ thể. Điều này dẫn tới việc, cùng một văn bản hướng dẫn, người áp dụng luật lại có hai cách hiểu khác nhau và áp dụng luật theo các hướng khác nhau xảy ra trên thực tế. Ví dụ:
Vào ngày 28.04.2013, N.V.P thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trị giá 24.000.0000 VNĐ của gia đình ông K trú tại huyện T tỉnh H. Sau khi vụ việc trên được điều tra làm rõ, cơ quan điều tra công an huyện T còn phát hiện trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2013 P còn thực hiện ba lần trộm cắp khác:
Lần 1: Ngày 12.4.2011, N.V.P trộm cắp tài sản trị giá 18.000.000 VNĐ của gia đình ông X trú tại huyện T tỉnh H.
Lần 2: Ngày 03.03.2012, N.V.P trộm cắp tài sản trị giá 14.000.000 VNĐ của gia đình ông H trú tại huyện T tỉnh H.
Lần 3: Vào Ngày 11.6.2013, N.V.P tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có trị giá 18.000.000 VNĐ của gia đình ông Đ trú tại huyện T tỉnh H.
Như vậy, N.V.P đã thực hiện tổng cộng 04 lần hành vi phạm tội trộm cắp tài sản, tổng giá trị tài sản các lần P chiếm đoạt là 74.000.000 VNĐ. Cơ quan chức năng đã điều tra, khởi tố, truy tố P về tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 BLHS. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ việc, các cơ quan chức năng đã nảy sinh những quan điểm trái nhiều nhau.
Quan điểm thứ 1: N.V.P phạm tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS. Căn cứ theo điểm a mục 5 phần II thông tư số 02/2001 thì chỉ trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự…. thì mới cộng tổng giá trị các lần xâm phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi phạm tội của N.V.P không thực hiện một các liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, giá trị tài sản chiếm đoạt của các lần thực hiện hành vi trộm cắp cao hơn mức tối thiểu (tức đủ yếu tố cấu thành tội phạm đối với từng lần thực hiện hành vi trộm cắp) nên không áp dụng quy định cộng tổng giá trị theo điểm a mục 5 thông tư 02. Hơn nữa, theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì P chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 138 BLHS với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “phạm tội nhiều lần” theo điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS.
Quan điểm thứ 2: N.V.P phạm tội trộm cắp tài sản quy định tại điểm e khoản 2 Điều 138 BLHS. Quan điểm này cho rằng căn cứ theo tinh thần của mục 1 phần III thông tư 02 là hướng dẫn đối với những trường hợp cụ thể tương tự như trường hợp nêu trên. Nghĩa là theo tinh thần trên thì trường hợp giá trị tài sản chiếm đoạt mà mỗi lần thực hiện hành trộm cắp tài sản trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng cộng tổng giá trị tài sản chiếm đoạt để truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu tổng giá trị tài sản chiếm đoạt thuộc khoản 1 Điều 138 BLHS thì truy cứu theo khoản 1 Điều 138 BLHS, nếu tổng giá trị tài sản chiếm đoạt thuộc khoản 2 Điều 138 BLHS thì truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 138 BLHS. Hơn nữa, để đánh giá đúng tính chất hành vi phạm tội của P thì nên truy tố N.V.P theo điểm e khoản 2 Điều 138 BLHS.
Chúng tôi cho rằng cách hiểu theo quan điểm thứ hai là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành cũng như phù hợp với thực tiễn đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm hiện nay. Bởi lẽ:
Thứ nhất, theo tinh thần của mục 1 phần III thông tư 02 hướng dẫn “Trong trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội cùng loại (đều là trộm cắp tài sản; đều là lừa đảo chiếm đoạt tài sản...) nhưng tài sản bị xâm phạm là tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản của công dân, thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự được thực hiện như sau:
1. Nếu tất cả các hành vi phạm tội này đều được thực hiện từ ngày 1-7-2000 trở đi, thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo quy định của BLHS.
Ví dụ: Ngày 5-7-2000, A trộm cắp tài sản của B trị giá 10 triệu đồng.
Ngày 15-8-2000, A trộm cắp tài sản của Sở X trị giá 20 triệu đồng. Trong trường hợp này nếu căn cứ vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 30 triệu đồng, thì A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 138 BLHS. Nếu tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là từ 50 triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng hoặc tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt vẫn là 30 triệu đồng, nhưng có một trong những tình tiết khác định khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 138 BLHS, thì A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 138 BLHS...”
Như vậy, mặc dù mục 1 phần III thông tư 02 là hướng dẫn áp dụng những trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội sở hữu cùng loại nhưng tài sản chiếm đoạt là tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản công dân thì thực hiện việc cộng tổng giá trị tài sản chiếm đoạt để làm căn cứ định khung hình phạt. Nhưng hiện nay theo BLHS hiện hành thì không phân biệt tài sản chiếm đoạt là tài sản công dân hay tài sản xã hội chủ nghĩa, nếu chiếm đoạt tài sản của người khác (cá nhân, cơ quan, tổ chức) thì đều bị xử lý hình sự như nhau. Sở dĩ, thông tư 02 hướng dẫn, đưa ra trường hợp hành vi phạm tội nhiều lần, trong đó có hành vi chiếm đoạt tài sản công dân, có hành vi chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa là vì: Các tội xâm phạm sở hữu quy định trong Chương XIV Bộ luật hình sự năm 1999 là các tội được sát nhập từ các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa quy định tại Chương IV và các tội xâm phạm sở hữu của công dân quy định tại Chương VI Bộ luật hình sự năm 1985 là để phù hợp với yêu cầu của tình hình phát triển xã hội cũng như để tránh trường hợp vướng mắc khi xác định sở hữu trong loại hình kinh tế nhiều thành phần. Khi luật mới thay thế luật cũ, việc nhập hai chương xâm phạm sở hữu khác nhau thành một chương không có sự phân biệt sở hữu xã hội chủ nghĩa và sở hữu của công dân, trong một số trường hợp việc xử lý đối với hành vi phạm tội được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 01/07/2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 01/07/2000 mới bị phát hiện xử lý sẽ gặp khó khăn. Do đó, thông tư 02 ban hành để để giải quyết khó khăn những trường hợp nêu trên nên phần III thông tư 02 khi hướng dẫn các trường hợp phạm tội xảy ra sau ngày 01/07/2000 mới tách tài sản bị xâm hại là tài sản xã hội chủ nghĩa và tà sản công dân để có cách hiểu thống nhất theo tinh thần của BLHS 1999. Nhưng cũng chính vì sự tách bạch về tài sản chiếm đoạt này khi lấy ví dụ về các trường hợp cụ thể đã dẫn tới việc một số không nhỏ những người áp dụng “bỏ quên” quy định tại phần III này khi định khung hình phạt đối với trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội trộm cắp dẫn đến việc áp dụng khung hình phạt quá nhẹ đối với những trường hợp phạm tội nhiều lần, gây bức xúc trong nhân dân.
Do đó, hiểu với tinh thần hướng dẫn của thông tư nêu trên khi áp dụng với trường hợp của N.V.P thì N.V.P phải bị xử lý theo khoản 2 Điều 138 BLHS với tình tiết tăng nặng định khung là: “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng”.
Thứ hai, để đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm hiện nay thì việc áp dụng khoản 2 Điều 138 BLHS đối với các trường hợp tương tự nêu trên là hợp lý. Bởi lẽ, việc N.V.P thực hiện hành vi trộm cắp nhiều lần, với tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt lớn thể hiện tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà P đã thực hiện. Do đó, cần phải có truy cứu trách nhiệm ở khung hình phạt nghiêm khắc hơn mới thể hiện được sự răn đe, giáo dục người phạm tội, để họ nhận thức được việc làm sai trái của mình và hậu quả sẽ phải gánh chịu khi thực hiện hành vi phạm tội đó. Ngoài ra, N.V.P còn phải chịu thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS đó là “phạm tội nhiều lần”.
Hiện nay, một số văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng có hướng dẫn việc xử lý trường hợp “phạm tội nhiều lần” đối với các tội quy định về định lượng vật, tài sản, giá trị tài sản phạm tội là tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt theo hướng cộng tổng định lượng vật, tài sản, giá trị tài sản của các lần phạm tội làm căn cứ định tội hoặc định khung hình phạt. Có thể dẫn chiếu một số văn bản hướng dẫn tình tiết “phạm tội nhiều lần” sau:
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2-1-1998 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 1985 (đối với nhóm tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa)thì: "... tình tiết "Phạm tội nhiều lần" được hiểu là đã có tất cả từ hai lần phạm tội đó trở lên (hai lần phạm tội tham ô trở lên, hai lần phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN trở lên...) mà mỗi lần phạm tội có đầy đủ yếu tố cấu thành quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội cộng lại, nếu điều luật có quy định về giá trị tài sản hoặc thiệt hại về tài sản".
Theo quy định tại điểm 3.3, khoản 2 Mục I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS thì, "Đối với nhiều lần làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì cần phải lấy tổng số lượng tiền giả của tất cả các lần phạm tội cộng lại để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ; nếu trong các lần phạm tội đó có trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không xem xét trách nhiệm hình sự đối với trường hợp đó (không cộng số lượng tiền giả của lần phạm tội đó); nếu có hai lần phạm tội làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả trở lên thì ngoài việc cộng số lượng tiền giả của các lần phạm tội để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ, còn phải áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS.
Tại điểm 2.3 mục 2 phần I thông tư 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24 tháng 12 năm 2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “các tội phạm về ma túy” của BLHS 1999 có hướng dẫn: “Tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195, 196, 197, 198, 200 và 201 của BLHS được hiểu là đã có từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần sản xuất trái phép chất ma túy trở lên, hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy trở lên, hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên…) mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số lượng chất ma túy của các lần cộng lại, nếu điều luật có quy định về số lượng chất ma túy để định khung hình phạt.”
Như vậy, theo tinh thần các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS từ 1985 tới nay có thể thấy quan điểm của các nhà lập pháp đối với trường hợp “phạm tội nhiều lần” thì nếu điều luật quy định định lượng vật, tài sản phạm pháp là căn cứ để định khung hình phạt thì đều phải cộng tổng định lượng vật, tài sản, giá trị tài sản để làm căn cứ định khung hình phạt (người phạm tội còn phải chịu thêm tình tiết tăng nặng TNHS là “phạm tội nhiều lần” nếu điều luật không quy định tình tiết “phạm tội nhiều lần” là tình tiết định khung hình phạt).
Tình tiết “phạm tội nhiều lần” ở rất nhiều điều luật (50 điều luật/ tổng số 276 điều luật trong phần các tội phạm) quy định tình tiết “phạm tội nhiều lần” là tình tiết định khung tăng nặng. Việc quy định này là cần thiết, có thể tránh được một số vướng mắc, bất cấp xảy ra khi áp dụng luật trên thực tế. Có thể chỉ ra bất cấp trên thực tế thông qua ví dụ sau:
Ngày 30/11/2012, A lẻn vào nhà anh B tại huyện T tỉnh L trộm cắp 1 chiếc xe máy Honda dream trị giá 7.000.000 đồng. Ngày 08/01/2013 A tiếp tục có hành vi trộm cắp 1 chiếc xe máy wave S trị giá 8.000.000 đồng của chị C tại huyện P tỉnh L. Tổng giá trị tài sản mà A chiếm đoạt là 15.000.000 đồng. Khi giải quyết tình huống trên có thể xảy ra 02 trường hợp:
Trường hợp 1: Ngày 30/01/2013 Hai hành vi phạm tội nêu trên của A bị phát hiện và đưa ra xử lý hình sự cùng thời điểm. Toà án chỉ xét xử A về tội "trộm cắp tài sản" theo khoản 1 Điều 138 BLHS với tổng trị giá tài sản trộm cắp là 15.000.000đ và áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với A là "Phạm tội nhiều lần" theo điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS. Hình phạt đối với A thuộc khoản 1 Điều 138 BLHS với khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Trường hợp 2: Ngày 30/01/2013 Hành vi trộm cắp chiếc xe máy wave S của chị C bị phát hiện và bị điều tra, truy tố. Ngày 15/03/2013 A bị đưa ra xét xử về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 BLHS với khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Đến ngày 20/4/2013 hành vi trộm cắp chiếc xe máy Hon da Dream của anh B bị phát hiện, điều tra, truy tố. A tiếp tục bị đưa ra xét xử về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 BLHS cùng với khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm và tổng hợp hình phạt của cả hai bản án theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, đối với trường hợp thứ (2) thì A bị xử lý theo hướng bất lợi hơn rất nhiều so với trường hợp thứ (1). Với trường hợp (2) A bị áp dụng hai lần khung hình phạt "cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm" qua hai lần xét xử. Còn trường hợp (1) thì A chỉ bị áp dụng một lần khung hình phạt này và A chỉ phải chịu thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "Phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS mà thôi.
Từ những phân tích khó khăn, vướng mắc trên thực tế khi áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” đối với người phạm tội cũng như căn cứ vào tinh thần hướng dẫn luật của các văn bản hiện hành, chúng tôi kiến nghị, BLHS hiện hành cần quy định thêm tình tiết “phạm tội nhiều lần” là tình tiết định khung tăng nặng ở tội trộm cắp tài sản để đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của người phạm tội trộm cắp khi thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần. Đồng thời đề nghị các cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể trong việc tổng hợp giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong các lần thực hiện hành vi trộm cắp tài sản (chưa bị xử lý theo quy định của pháp luật) để làm căn cứ áp dụng luật thống nhất trên thực tế hiện nay.
3. Định lượng tài sản trộm cắp để định khung hình phạt trong trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều lần hành vi trộm cắp tài sản, trong đó có lần đủ yếu tố định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự, có lần không đủ yếu tố định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự (giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng).
Hiện nay, trong văn bản pháp luật hiện hành, chưa có hướng dẫn thi hành trường hợp nêu trên, dẫn đến tình trạng nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc khi áp dụng pháp luật trên thực tế. Có thể lấy dẫn chứng một số ví dụ sau:
Ví dụ1: Ngày 01/01/2012 A có hành vi trộm cắp 01 chiếc xe máy Yamaha Sirious trị giá 14.000.000 đồng tại huyện X tỉnh Y. Ngày 05/03/2013 A lại có hành vi trộm cắp 01 chiếc ti vi LG trị giá 1.800.000 đồng tại huyện Z tỉnh Y. Ngày 10/08/2013 A có hành vi trộm cắp 01 chiếc xe máy Honda Air blade trị giá 35.000.000 đồng tại huyện Z tỉnh Q.
Với trường hợp này, nảy sinh hai quan điểm, quan điểm thứ nhất chỉ cộng tổng giá trị tài sản chiếm đoạt của lần trộm cắp thứ 1 và lần trộm cắp thứ hai để truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì theo Thông tư 02 hướng dẫn thì chỉ hướng dẫn cộng tổng giá trị các lần trộm cắp tài sản mà mỗi lần đều dưới mức tối thiểu để truy cứu TNHS và cộng tổng giá trị các lần trộm cắp tài sản mà mỗi lần đều trên mức tối thiểu luật định. Nếu có lần thực hiện hành vi trộm cắp tài sản mà giá trị tài sản chiếm đoạt trên mức tối thiểu, có lần thực hiện hành vi trộm cắp mà giá trị tài sản trên mức tối thiểu thì chỉ áp dụng điểm a mục 5 phần II thông tư số 02/2001 để xử lý. Tức là với ví dụ 1 thì A tổng giá trị tài sản A chiếm đoạt bị truy cứu TNHS là 14.000.000 đồng + 35.000.000 đồng = 49.000.000 đồng nên A chỉ bị truy cứu TNHS theo Khoản 1 Điều 138 BLHS.
Quan điểm thứ hai cho rằng cần cộng tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt để truy cứu TNHS người phạm tội trong trường hợp này, tức là phải tính tổng giá trị tài sản mà A chiếm đoạt của cả 3 lần phạm tội bằng 14.000.000 đồng + 1.800.000 đồng + 35.000.000 đồng = 50.900.000 đồng nên A bị truy cứu TNHS theo khoản 2 Điều 138 BLHS. Bởi lẽ, hành vi trộm cắp của A diễn ra liên tục trong một khoảng thời gian dài, lần trộm cắp tài sản thứ nhất của A đã đủ yếu tố định lượng cấu thành tội phạm trộm cắp tài sản. Nếu hành vi này bị phát hiện và xử lý TNHS thì hành vi trộm cắp lần 2 đương nhiên sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật hình sự dù giá trị tài sản trộm cắp lần 2 dưới mức định lượng tài sản trộm cắp (trộm cắp tài sản của người khác có giá trị dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích). Do đó, hành vi trộm cắp lần 2 của A cũng phải được coi là hành vi phạm tội. Hơn nữa, theo tinh thần của Thông tư 02 thì dù bằng, trên hay dưới mức tổi thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng cộng tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt để là căn cứ truy cứu TNHS của người phạm tội.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai. Việc cộng tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong trường hợp này cũng là một biện pháp để đảm bảo sự công bằng khi xử lý trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp cùng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản các lần như nhau, nhưng có người bị phát hiện, xử lý trước, có người bị phát hiện, xử lý sau thì cần cộng tổng giá trị tài sản các lần chiếm đoạt lại để truy cứu TNHS người phạm tội. Bên cạnh đó, để đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa, giáo dục, răn đe đối với người phạm tội cũng như đối với xã hội thì cũng cần xử lý nghiêm minh những trường hợp thực hiện hành vi trộm cắp nhiều lần, dù mỗi lần phạm tội trộm cắp có giá trị tài sản bị chiếm đoạt trên hoặc dưới mức tối thiểu để truy cứu TNHS.
Tương tự với ví dụ 1 nêu trên thì đối với trường hợp như ví dụ 2 dưới đây, theo quan điểm của chúng tôi thì cũng cần cộng tổng giá trị tài sản chiếm đoạt của lần thực hiện hành vi trộm cắp thứ 2 với lần thực hiện hành vi trộm cắp thứ 3 để định lượng giá trị tài sản trộm cắp để truy cứu TNHS người phạm tội.
Ví dụ 2: Ngày 01/01/2012 A có hành vi trộm cắp 01 chiếc ti vi LG trị giá 1.800.000 đồng tại huyện X tỉnh Y. Ngày 05/03/2012 A lại có hành vi trộm cắp 01 chiếc xe đạp trị giá 900.000 đồng tại huyện Z tỉnh Y. Ngày 10/08/2012 A có hành vi trộm cắp 01 chiếc xe máy Honda dream trị giá 11.000.000 đồng tại huyện Z tỉnh Q.
Trong những năm gần đầy, tình hình tội phạm nói chung và tội phạm trộm cắp nói riêng xảy ra khá phổ biến và phức tạp, giá trị tài sản bị chiếm đoạt ngày càng lớn, thủ đoạn thực hiện hành vi trộm cắp ngày càng tinh vi hơn gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý loại tội phạm này. Hơn nữa, đối với những người thực hiện hành vi trộm cắp vặt (trộm chó, trộm gà .... ) thường gây rất nhiều bức xúc trong nhân dân, đó chính là nguyên nhân gây ra những vụ án giết người, hủy hoại tài sản của người người thực hiện hành vi trộm cắp thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây. Để góp phần giáo dục, răn đe người phạm tội cũng như những người đang và sẽ có ý định phạm tội trộm cắp, chúng ta cần có thái độ nghiêm khắc hơn đối với những người thực hiện hành vi trộm cắp nhiều lần. Điều này không chỉ tạo được lòng tin trong nhân dân, mà còn giải tỏa những bức xúc bấy lâu nay của người dân về những đối tượng trộm cắp nhiều lần nhưng không bị xử lý một cách thích đáng hoặc bị xử lý “quá nhẹ”, nhằm hạn chế tiến tiến tới đẩy lùi nạn người dân “tự xử lý” các đối tượng trộm cắp xảy ra như hiện nay.
Những những khó khăn, vướng mắc hiện nay khi áp dụng pháp luật đối với tội trộm cắp tài sản trong vấn đề định lượng tài sản để định khung hình phạt đối với tội trộm cắp nói riêng và các tội phạm sở hữu nói chung đòi hỏi các quy định của pháp luật cần phải có sự sửa đổi, hướng dẫn cho phù hợp với tình hình thực tế áp dụng pháp luật cũng như thống nhất trong nhật thức.
Đường chông gai chờ ngày mai ta bước tiếp!