Thuật ngữ pháp lý quyền tài sản đã được khái niệm lại trong Bộ luật dân sự (BLDS) 2015, đây là một trong những điểm mới của Bộ luật này, sự thay đổi của một đạo luật là sự thay đổi trong cách nhìn cũng có thể là cần những quy định mới để điều chỉnh các vấn đề phát sinh mà luật cũ không còn phù hợp,...vẫn còn đó rất nhiều nguyên nhân.
Dựa vào BLDS thì quyền tài sản đã được khái niệm khác nhau trong các giai đoạn lập pháp khác nhau, “quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ"(Bộ luật dân sự 2005, Điều 181). Khái niệm này hướng chúng ta đến cách xác định quyền tài sản. Theo đó, quyền nào thỏa hai yếu tố là trị giá bằng tiền và chuyển giao được thì được xem là quyền tài sản, như vậy vô hình trung khái niệm này đã bỏ sót đi các quyền như: quyền yêu cầu cấp dưỡng; quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền hưởng trợ cấp hưu trí; quyền hưởng trợ cấp gắn liền với danh hiệu liệt sĩ;…theo tác giả đây cũng xem là các quyền tài sản mặc dù nó không chuyển giao được, khái niệm này dường như thu hẹp lại đối tượng của quyền tài sản.
Hiện nay, quyền tài sản đã được thay thế bằng thuật ngữ pháp lý khác, “quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác" (Bộ luật dân sự 2015, Điều 115). Khái niệm này đã mở rộng được đối tượng quyền tài sản và đồng thời chia quyền tài sản thành ba loại để dễ dàng áp dụng trong các văn bản luật chuyên ngành.
Tóm lại, quyền tài sản thực chất là quyền của chủ thể đối với một tài sản, mang giá trị quy đổi được thành tiền, xét về mặt tài sản thì quyền tài sản chính là một loại tài sản vô hình. Khái niệm mới đã khắc phục được một số điểm bất cập của quyền tài sản trước đây.