Hiện nay trên thị trường ta có thể bắt gặp không ít tiệm vàng có bán các thiết kế theo logo thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Gucci, Louis Vuitton,... Đây là hành vi trái pháp luật mà rất nhiều người không nhận ra.
Bán vàng giả nhãn hiệu Chanel, Gucci,... bị phạt bao nhiêu?
Hiện nay, việc xử phạt các tiệm vàng buôn bán vàng giả nhãn hiệu nổi tiếng được quy định tại Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP và được sửa đổi bởi Nghị định 46/2024/NĐ-CP như sau:
Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, chào hàng, tàng trữ để bán, trưng bày để bán, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý mà chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự
(1) Phạt tiền từ 4 đến 8 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5 triệu đồng:
- Buôn bán; chào hàng; tàng trữ để bán; trưng bày để bán; vận chuyển, kể cả quá cảnh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý
- Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định trên.
(2) Phạt tiền từ 8 đến 12 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại (1) trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
(3) Phạt tiền từ 12 đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại (1) trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
(4) Phạt tiền từ 20 đến 35 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại (1) trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
(5) Phạt tiền từ 35 đến 55 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại (1) trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 40 triệu đồng đến 70 triệu đồng.
(6) Phạt tiền từ 55 đến 85 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại (1) trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
(7) Phạt tiền từ 85 đến 120 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại (1) trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
(8) Phạt tiền từ 120 đến 180 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại (1) trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng.
(9) Phạt tiền từ 180 đến 250 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại (1) trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng.
(10) Phạt tiền bằng 1,2 lần mức tiền phạt quy định từ (1) đến (9) nhưng không vượt quá 250 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Sản xuất bao gồm: Thiết kế, chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói và các hoạt động khác làm ra hàng hóa mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo
- In, dán, đính, đúc, dập khuôn hoặc bằng hình thức khác tem, nhãn, vật phẩm khác mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo lên hàng hóa;
- Nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo;
- Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định trên.
(11) Phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại (1) và (10) trong trường hợp không có căn cứ xác định giá trị hàng hóa vi phạm.
(12) Hình thức xử phạt bổ sung:
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng một trong 3 biện pháp khắc phục hậu quả đầu tiên tại (13)
- Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu hoặc hành vi đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi sản xuất, nhập khẩu.
(13) Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đối với hành vi vi phạm, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thứ 2 và thứ 3 dưới đây;
- Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đối với hành vi vi phạm, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thứ 3 dưới đây;
- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hành vi nhập khẩu, quá cảnh hoặc hành vi đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi nhập khẩu, quá cảnh;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ (1) đến (10).
Đồng thời, theo Điều 2 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 250 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 500 triệu đồng.
Như vậy, tùy theo giá trị hàng hóa vi phạm (giá trị số vàng giả nhãn hiệu Chanel, Gucci,...) mà tiệm vàng vi phạm sẽ bị phạt từ 4 triệu đến 250 triệu đồng đối với cá nhân, 8 triệu đến 500 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra còn phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
Bán vàng giả nhãn hiệu Chanel, Gucci,... có bị truy cứu TNHS không?
Theo Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp như sau:
Đối với cá nhân
(1) Phạt tiền từ 50 đến 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà:
+ Đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 300. triệu đồng
+ Hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng
+ Hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng
(2) Phạt tiền từ 500 đến 1 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500 triệu đồng trở lên;
+ Hàng hóa vi phạm trị giá 500 triệu đồng trở lên.
(3) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với pháp nhân thương mại
Pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt như sau:
(4) Phạt tiền từ 500 đến 2 triệu đồng đối với pháp nhân thực hiện hành vi quy định tại (1):
+ Với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng
+ Hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng
+ Hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng
+ Hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng
+ Hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300. triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
(5) Phạt tiền từ 2 đến 5 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm đối với pháp nhân thực hiện hành vi quy định tại (2).
(6) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 đến 500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Như vậy, tiệm vàng bán vàng giả nhãn hiệu Chanel, Gucci vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với cá nhân thì sẽ bị phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ, phạt tù. Đối với pháp nhân (tổ chức) thì có thể bị phạt tiền hoặc bị cấm kinh doanh.