Chào bạn, trong trường hợp mở công ty kinh doanh sản phẩm của công ty khác, được hiểu là việc thành lập doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo ngành nghề phân phối sản phẩm nhất định. Mình xin chia sẻ về hai vấn đề liên quan là thủ tục thành lập doanh nghiệp và yêu cầu về ngành nghề kinh doanh.
Thứ nhất, về thủ tục thành lập doanh nghiệp. Tùy vào loại hình kinh doanh mà bạn lựa chọn sẽ có yêu cầu về hồ sơ. Mình sẽ đề cập các bước chung theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020.
Bước 1: Chọn loại hình công ty
Khi dự định thành lập công ty, các cá nhân, tổ chức trước tiên cần lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty
Sau khi lựa chọn được loại hình doanh nghiệp để thành lập, các cá nhân, tổ chức cần xác định tên công ty, nơi đặt trụ sở chính, vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh. Tiếp đó chuẩn bị hồ sơ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Bản sao chứng thực Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn thời hạn của các thành viên, cổ đông sáng lập công ty;
- Dự thảo Điều lệ công ty phù hợp với loại hình dự định thành lập.
Hồ sơ nộp tại Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh nơi đặt trụ sở chính của công ty.
Bước 3: Khắc con dấu công ty
Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế công ty tiến hành khắc dấu doanh nghiệp tại các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh khắc dấu.
Bước 4: Công bố mẫu dấu
Sau khi có con dấu để con dấu có hiệu lực và được sử dụng cần thực hiện thủ tục công bố mẫu dấu của công ty trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 5: Công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty cần tiến hành nộp hồ sơ công bố thông tin thành lập doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Nội dung công bố bao gồm các nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin sau đây:
- Ngành, nghề kinh doanh;
- Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.
Thứ hai, liên quan đến ngành nghề kinh doanh, theo bạn đề cập, công ty kinh doanh sản phẩm của công ty khác chỉ mua rồi bán lại không sản xuất, tức là kinh doanh theo hướng phân phối sản phẩm. Cần căn cứ vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đề xác định được việc phân phối hàng hóa của bạn có thuộc trường hợp kinh doanh có điều kiện không, từ đó chuẩn bị hồ sơ để phù hợp với yêu cầu của luật. Trong trường hợp không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì công ty không cần thực hiện thêm thủ tục liên quan đến ngành nghề kinh doanh.