Hành vi mua, bán lại nội tạng của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy hành vi bán nội tạng của chính mình có phạm tội hay không? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Vừa qua, tại Hà Nội vừa khởi tố 2 đối tượng trong đường dây mua bán thận trái phép. Cụ thể, hai đối tượng này bị điều tra về hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
Thủ đoạn của các đối tượng này là móc nối, rủ rê làm trung gian môi giới mua bán thận. Sau đó tìm đối tượng có nhu cầu bán thận và liên hệ để môi giới. Khi đó, chúng dẫn người muốn bán thận đến bệnh viện để làm các thủ tục kiểm tra, nếu có kết quả tốt, đủ điều kiện thì sẽ bắt đầu thỏa thuận giá tiền, giá của các cuộc thỏa thuận này lên đến hàng trăm triệu đồng. Cụ thể, một quả thận mà các đối tượng này thỏa thuận với giá 420 triệu đồng.
Ngoài ra, trong quá trình chờ cấy ghép thận, các đối tượng này đã bao nuôi ăn ở và thanh toán các khoản tiền kiểm tra sức khỏe của người bán thận. Đến khi lên bàn phẫu thuật, các đối tượng này sẽ chuyển tiền. Song, thông qua mạng xã hội, chúng tìm được người có nhu cầu mua thận, qua sàng lọc của bệnh viện xác định nếu thận phù hợp thì ngã giá bán. Giá bán lại quả thận của các đối tượng này lên đến 1 tỷ đồng.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật, ngoài các đối tượng mua, bán lại thì người bán nội tạng của chính mình có vi phạm pháp luật hay không?
Bán nội tạng của chính mình vì mục đích thương mại có vi phạm pháp luật?
Căn cứ tại Điều 4 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định:
Các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
- Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép.
- Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.
- Không nhằm mục đích thương mại.
- Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Song, căn cứ tại Điều 11 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định hành vi mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác là hành vi bị nghiêm cấm.
Theo đó, pháp luật cấm hành vi mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác. Vì vậy, người có hành vi buôn bán bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể kể cả buôn bán nội tạng của chính mình vì mục đích thương mại đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn bán nội tạng vì mục đích thương mại
Căn cứ tại Điều 154 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người như sau:
Khung 1: Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- Có tổ chức;
- Vì mục đích thương mại;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
- Đối với từ 02 người đến 05 người;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Đối với 06 người trở lên;
- Gây chết người;
- Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, người có hành vi buôn bán nội tạng vì mục đích thương mại sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt cao nhất là tù chung thân. Đồng thời, có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định có thể đến 05 năm.