Bán gia tài mua danh phận là gì? Tội đưa hối lộ xử lý như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #612110 30/05/2024

    hieu2421999

    Sơ sinh

    Vietnam
    Tham gia:15/12/2023
    Tổng số bài viết (16)
    Số điểm: 80
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Bán gia tài mua danh phận là gì? Tội đưa hối lộ xử lý như thế nào?

    Hối lộ đã trở thành một vấn đề vô cùng nhức nhối trong xã hội suốt bao năm qua. Mặc dù pháp luật Việt Nam đã ban hành nhiều chế tài xử lý hành vi đưa và nhận hối lộ, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vấn nạn này vẫn chưa được khắc phục triệt để. Câu tục ngữ “bán gia tài mua danh phận” cũng phần nào đó phản ánh thực trạng này.

    1. Bán gia tài mua danh phận là gì?

    Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều người sẵn sàng vì danh lợi mà bất chấp tất cả, kể cả việc việc dùng tiền bạc hoặc những tài sản vật chất khác để mua chức, mua quyền.

    Vậy ngữ nghĩa của câu "bán gia tài mua danh phận" là gì? Trong câu tục ngữ này, từ gia tài có nghĩa là tài sản, của cải tích lũy qua thời gian, thường là những thứ có giá trị lớn và mang tính bền vững như đất đai, nhà cửa, tài sản cá nhân. Còn từ danh phận đề cập đến danh tiếng, địa vị hoặc sự thừa nhận từ xã hội. 

    Vậy nghĩa của câu tục ngữ "bán gia tài mua danh phận" là để chỉ việc sẵn sàng hy sinh tài sản hoặc những gì quý giá của mình để đạt được danh tiếng, địa vị hoặc sự thừa nhận từ xã hội.

    Từ khái niệm nêu trên, ta có thể suy ra ý nghĩa của câu tục ngữ "bán gia tài mua danh phận" là dùng để chỉ trích những người vì muốn đạt được danh tiếng hay địa vị mà sẵn sàng bất chấp tất cả, kể cả việc hy sinh tài sản hoặc những gì quý giá của bản thân, tức châm biếm vào thói ham mê danh lợi của người này. 

    2. Tội đưa hối lộ xử lý như thế nào?

    Căn cứ Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội đưa hối lộ có thể bị xử phạt như sau:

    - Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    + Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

    + Lợi ích phi vật chất.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

    + Có tổ chức;

    + Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

    + Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

    + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

    + Phạm tội 02 lần trở lên;

    + Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

    - Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

    - Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.

    Như vậy, người phạm tội đưa hối lộ có thể bị phạt tù lên đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    Trong trường hợp người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

    Nếu người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

    Chính vì vậy, đừng vì ham mê danh lợi mà “bán gia tài mua danh phận”, bởi tội đưa hối lộ không những bị xã hội phê phán mà người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.

     
    245 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận