congtyhaidoan viết:
Tôi xin được gửi câu hỏi Quy trình kết nạp đảng viên mới với nội dung cụ thể như sau: Có một đồng chí Đảng viên dự bị sắp hết thời gian thử thách thì có :
1. Đơn thư của quần chúng nhân dân (cụ thể là ở chi hội Nông dân – tổ chức cơ sở ở địa phương mà đồng chí này hoạt động) phản ánh việc đồng chí này không trung thực trong việc hoàn thiện hồ sơ kết nạp đảng: Trong hồ sơ kết nạp đảng của đồng chí này có biên bản họp nhận xét của chi hội nông dân với đầy đủ chữ kí của chi hội trưởng, thư kí, cùng nhiều hội viên có mặt trong cuộc họp nhất trí nhưng trong thực tế chi hội nông dân không tổ chức họp, chi hội trưởng và thư kí xác nhận đây là văn bản giả mạo, không phải chữ kí của mình và không hề hay biết việc có biên bản nhận xét này (có nhiều ý kiến của hội viên chi hội Nông dân cho rằng văn bản này do chính đồng chí đảng viên dự bị này thảo ra). Đồng chí nguyên Bí thư chi bộ (thời điểm hoàn thiện hồ sơ kết nạp đảng cho đồng chí đó – hiện tại là đảng viên bình thường) đã thừa nhận thiếu trách nhiệm, sai sót không thẩm định lại hồ sơ (UBKT của Huyện ủy đã về điều tra với Chi hội trưởng, thư kí của hội nông dân và đã xác nhận đúng là không phải chữ kí, không có cuộc họp và biên bản nào của chi hội nông dân về việc nhận xét này, hỏi đ/c bí thư thời điểm đó thì đ/c này nói rằng không nhớ ai đã đưa cho văn bản đó???).
2. Bản nhận xét của đồng chí đảng viên chính thức giúp đỡ đảng viên dự bị trong thời gian thử thách gửi chi bộ thôn đưa ra nhiều nhận xét và kết luận đồng chí đảng viên dự bị này không đủ tư cách để được công nhận là đảng viên chính thức.
Khi UBKT và Huyện ủy về làm việc với chi bộ về vụ việc của đồng chí đảng viên dự bị này, đồng chí trong UBKT có phát biểu “Về văn bản nhận xét của tổ chức cơ sở đối với quần chúng ưu tú trong hồ sơ kết nạp đảng không quan trọng, có cũng được mà không có cũng không sao; quan trọng là việc đồng chí này được chi bộ cử đi học cảm tình và việc kết nạp đảng của đồng chí này hoàn toàn đúng quy trình”.
Đây là nội dung trong cuộc họp giữa UBKT và chi bộ (các đ/c trong UBKT trước khi vào làm việc có nói cuộc gặp hôm nay chỉ là trao đổi, chưa có kết luận gì).
Vậy tôi xin được hỏi các Luật sư là đồng chí trong UBKT phát biểu như vậy có đúng với Điều lệ Đảng, đúng với các mục đã quy định rõ trong Quy trình kết nạp đảng viên không? Với hai yếu tố trên thì đồng chí đảng viên dự bị này có đủ điều kiện để được công nhận là đảng viên chính thức không? Nếu không thì hình thức xử lý đối với đồng chí này và các đồng chí khác có liên quan như thế nào? Rất mong các Luật sư trả lời rõ để tôi được biết. Xin cảm ơn!
Chào bạn congtyhaidoan, bạn xem thủ tục kết nạp Đảng được quy định tại Điều lệ Đảng 2011 như sau:
Điều 4.
Thủ tục kết nạp đảng viên (kể cả kết nạp lại) :
1. Người vào Đảng phải :
- Có đơn tự nguyện xin vào Đảng;
- Báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ;
- Được hai đảng viên chính thức giới thiệu.
Nơi có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng trong độ tuổi thanh niên phải là đoàn viên, được ban chấp hành đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
Ở các cơ quan, doanh nghiệp nơi không có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng phải là đoàn viên công đoàn, được ban chấp hành công đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
2. Người giới thiệu phải :
- Là đảng viên chính thức và cùng công tác với người vào Đảng ít nhất một năm;
- Báo cáo với chi bộ về lý lịch, phẩm chất, năng lực của người vào Đảng và chịu trách nhiệm về sự giới thiệu của mình. Có điều gì chưa rõ thì báo cáo để chi bộ và cấp trên xem xét.
3. Trách nhiệm của chi bộ và cấp uỷ :
- Trước khi chi bộ xét và đề nghị kết nạp, chi uỷ kiểm tra lại điều kiện của người vào Đảng và lấy ý kiến nhận xét của tổ chức đoàn thể nơi người đó sinh hoạt.
Vấn đề lịch sử chính trị của người vào Đảng phải thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
- Chi bộ xét và đề nghị kết nạp từng người một, khi được ít nhất hai phần ba số đảng viên chính thức trong chi bộ tán thành thì đề nghị lên cấp uỷ cấp trên; khi có quyết định của cấp uỷ cấp trên, chi bộ tổ chức lễ kết nạp từng người một.
- Đảng uỷ cơ sở xét, nếu được ít nhất hai phần ba số cấp uỷ viên tán thành kết nạp thì đề nghị lên cấp uỷ cấp trên trực tiếp.
- Ban thường vụ cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng hoặc cấp uỷ cơ sở được uỷ quyền xét, quyết định kết nạp từng người một.
4. Nơi chưa có đảng viên hoặc có đảng viên nhưng chưa đủ điều kiện giới thiệu thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp cử đảng viên về làm công tác tuyên truyền, xem xét, giới thiệu kết nạp vào Đảng. Trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quy định.
Còn kỷ luật hay không, bạn xem tại Điều 10 Quy định 181/QĐ-TW năm 2013:
Điều 10. Vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ
1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, thi nâng ngạch, đi nước ngoài trái quy định; nhờ, thuê người khác hoặc nhận và thực hiện thi thuê, thi hộ, học hộ, học thuê.
b) Chỉ đạo hoặc yêu cầu đề bạt, bổ nhiệm người có vi phạm, chưa hết thời hiệu bị kỷ luật hoặc đang là đối tượng điều tra, thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm nhưng chưa được kết luận.
c) Thực hiện không đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình về công tác cán bộ; không chấp hành quy định về công tác cán bộ; làm sai lệch hoặc tự ý sửa chữa tài liệu, hồ sơ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nhận xét, đánh giá cán bộ không có căn cứ, thiếu trung thực, không khách quan.
d) Cố ý không chấp hành quyết định điều động, luân chuyển, phân công công tác, nghỉ chế độ, chuyển sinh hoạt đảng theo quy định; không chấp hành quyết định kỳ luật đối với mình khi được tổ chức đảng có thẩm quyền công bố và trao quyết định.
đ) Chỉ đạo hoặc thực hiện tuyển dụng, cho thi nâng ngạch, đi học, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại người thân (bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột) không đúng quy hoạch, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
e) Chỉ đạo hoặc thực hiện việc tuyển dụng, tiếp nhận, bố trí công tác, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động, nâng ngạch, khen thưởng, kỷ luật không đúng nguyên tắc, quy trình, quy định; quy hoạch, đào tạo, cử người đi công tác nước ngoài không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
2. Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
a) Vì động cơ cá nhân mà điều động, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, kỷ luật, giải quyết chế độ, chính sách không đúng quy định.
b) Chỉ đạo hoặc thực hiện việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp vào làm việc tại cơ quan, đơn vị, tổ chức mình những người mà pháp luật nghiêm cấm.
c) Lợi dụng các quy định về luân chuyển, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức để làm trái quy định hoặc trù dập cán bộ.
d) Bao che cho cán bộ, công chức, viên chức đang bị điều tra, thanh tra, kiểm tra, bị xem xét kỷ luật.
đ) Thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân mà quyết định bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn, điều kiện hoặc quyết định kỳ luật oan sai đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.
e) Chạy thương tật, thành tích hoặc khai khống thành tích, quá trình công tác để được phong hàm, đề bạt, nâng lương, khen thưởng, công nhận danh hiệu hoặc được hưởng chế độ, chính sách trái quy định.
3. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
a) Môi giới, nhận hối lộ trong tuyển dụng, cử tuyển, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bố trí công tác hoặc nâng ngạch, khen thưởng, phong học hàm, xét phong tặng danh hiệu vinh dự trái quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức.
b) Chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tuổi, chạy luân chuyển, chạy tội; mua chuộc người khác để bản thân hoặc người khác được đề bạt, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác.
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để can thiệp mang tính áp đặt vào việc tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm, bố trí, sắp xếp, điều động cán bộ.