Các lưu ý gồm: Hồ sơ xem xét kết nạp Đảng; Thẩm quyền xét kết nạp đảng viên trong một số trường hợp cụ thể; Thời hạn sử dụng văn bản trong hồ sơ xét kết nạp người vào Đảng. Cụ thể:
A. Hồ sơ xem xét kết nạp Đảng bao gồm:
1- Giấy chứng nhận học lớp nhận thức về Đảng (Mẫu CN- NTVĐ)
Người vào Đảng phải học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, có giấy chứng nhận do Đảng ủy Khối hoặc Trung tâm bồi dưỡng chính trị của quận, huyện ủy tổ chức cấp.
2- Đơn xin vào Đảng (Mẫu 1-KNĐ)
Người vào Đảng phải tự làm đơn, trình bày rõ những nhận thức của mình về mục đích, lý tưởng của Đảng, về động cơ xin vào Đảng.
3- Khai Lý lịch của người vào Đảng (Mẫu 2-KNĐ)
Người vào Đảng tự khai lý lịch đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định, chịu trách nhiệm về nội dung đã khai; nếu có vấn đề nào không hiểu và không nhớ chính xác phải báo cáo với chi bộ.
4- Thẩm tra xác minh lý lịch của người xin vào Đảng
4.1- Trước khi tiến hành thẩm tra lý lịch của Người xin vào đảng: cấp ủy cơ sở đảng phải kiểm tra, đóng dấu giáp lai vào các trang trong lý lịch tự khai của người xin vào Đảng (chi ủy chưa nhận xét và cấp ủy cơ sở chưa chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch)
4.2- Thẩm tra xác minh lý lịch của người xin vào Đảng:
* Những người cần thẩm tra về lý lịch:
- Người vào Đảng.
- Người thân bao gồm: Cha, mẹ đẻ; cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ .
* Nội dung thẩm tra:
- Đối với người vào Đảng: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
- Đối với người thân: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
* Phương pháp thẩm tra:
- Nếu người vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột, con đẻ và trong lý lịch người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng theo quy định thì không phải thẩm tra, xác minh. Nếu vợ (chồng) người vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột và trong lý lịch người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng theo quy định thì không phải thẩm tra, xác minh bên vợ (chồng).
- Người thân của người vào Đảng đang ở ngoài nước, thì cấp uỷ nơi người vào Đảng làm văn bản nêu rõ nội dung đề nghị cấp uỷ hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài nước (qua Đảng uỷ Ngoài nước) để xác minh; trường hợp có nghi vấn về chính trị thì đến cơ quan an ninh trong nước để thẩm tra.
- Gửi công văn đề nghị thẩm tra và lý lịch người xin vào Đảng đến cấp ủy cơ sở hoặc cơ quan có trách nhiệm để thẩm tra; trường hợp cần thiết thì chi bộ cử đảng viên đi thẩm tra. Đảng viên đi thẩm tra có trách nhiệm báo cáo cấp uỷ những nội dung được giao bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước Đảng về nội dung đó.
4.3- Tổng hợp kết quả thẩm tra, ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch của người xin vào Đảng.
- Nhận xét của chi ủy chi bộ: sau khi có kết quả thẩm tra, xác minh lý lịch của người xin vào Đảng, chi bộ kết luận, chi ủy chi bộ viết rõ bản lý lịch đã khai đúng sự thật chưa? Không đúng điểm nào? Có vi phạm tiêu chuẩn lịch sử chính trị và chính trị hiện nay không? Quan điểm lập trường, phẩm chất đạo đức, lối sống và quan hệ của quần chúng…của người xin vào Đảng?
- Chứng nhận của cấp ủy cơ sở: sau khi thẩm định lại kết quả thẩm tra, xác minh và làm rõ những vấn đề chưa rõ hoặc còn nghi vấn trong nội dung lý lịch của người xin vào Đảng; tập thể cấp ủy cơ sở xem xét, kết luận thì đồng chí bí thư cấp ủy viết rõ “chứng nhận lý lịch của đồng chí…..khai tại đảng bộ (hoặc chi bộ) cơ sở……là đúng sự thật; không (hoặc có) vi phạm lịch sử chính trị và chính trị hiện nay của người vào Đảng theo quy định của Bộ Chính trị; có đủ (hoặc không đủ) điều kiện về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay để xem xét kết nạp đồng chí……và Đảng” viết rõ ngày, tháng, năm, chức vụ, ký tên, họ và tên, đóng dấu cấp ủy cơ sở.
5- Giới thiệu của đảng viên chính thức ( Mẫu 3-KNĐ)
- Đảng viên chính thức được chi bộ phân công giúp đỡ người vào Đảng, phải là đảng viên chính thức cùng công tác, lao động, học tập... ít nhất 12 tháng với người được giới thiệu vào Đảng trong cùng một đơn vị thuộc phạm vi lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở. Nếu đảng viên giới thiệu người vào đảng chuyển đến đảng bộ, chi bộ cơ sở khác, bị kỷ luật hoặc lý do khác không thể tiếp tục theo dõi, giúp đỡ người vào đảng thì chi bộ phân công đảng viên chính thức theo dõi, giúp đỡ người vào Đảng (không nhất thiết đảng viên đó cùng công tác, lao động, học tập với người vào Đảng ít nhất 12 tháng).
- Đảng viên chính thức giúp đỡ người vào Đảng viết “Giấy giới thiệu người vào Đảng”
6- Nghị quyết giới thiệu đoàn viên ưu tú vào Đảng (Mẫu 4-KNĐ)
Nghị quyết BCH Đoàn thanh niên cơ sở (kèm theo Nghị quyết đề nghị của chi đoàn nơi đoàn viên ưu tú vào Đảng). Nếu người vào Đảng đang là đoàn viên thanh niên phải được BCH Đoàn thanh niên giới thiệu thay cho một đảng viên chính thức.
7- Nghị quyết giới thiệu đoàn viên công đoàn vào Đảng (Mẫu 4A-KNĐ)
Trường hợp ở cơ quan, doanh nghiệp nơi không có tổ chức Đoàn thanh niên, người vào Đảng là đoàn viên công đoàn trong độ tuổi thanh niên, được BCH công đoàn cơ sở xem xét ra nghị quyết giới thiệu đoàn viên công đoàn vào Đảng thay cho một đảng viên chính thức giới thiệu (gửi kèm Biên bản họp Tổ công đoàn).
8- Tổng hợp ý kiến nhận xét của các đoàn thể chính trị - xã hội nơi người vào Đảng sinh hoạt và chi ủy nơi cư trú đối với người vào Đảng (Mẫu 5 – KNĐ)
Chi ủy nơi công tác của người vào Đảng: Tổng hợp ý kiến nhận xét thành văn bản báo cáo chi bộ.
9- Nghị quyết đề nghị kết nạp đảng viên của chi bộ (Mẫu 6-KNĐ)
- Chi bộ (kể cả chi bộ cơ sở) xem xét: Đơn xin vào Đảng; Lý lịch của người xin vào Đảng; văn bản giới thiệu của đảng viên chính thức; Nghị quyết giới thiệu của BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ sở hoặc Nghị quyết giới thiệu đoàn viên công đoàn của BCH công đoàn cơ sở (nơi không có tổ chức Đoàn); bản tổng hợp ý kiến nhận xét của tổ chức đoàn thể nơi làm việc và chi ủy nơi cư trú. Nếu được 2/3 số đảng viên chính thức trở lên tán thành kết nạp người vào Đảng thì chi bộ ra nghị quyết đề nghị cấp ủy cấp trên xem xét, quyết định.
Nghị quyết nêu rõ kết luận của chi bộ về lý lịch; những ưu, khuyết điểm chính (về lịch sử chính trị, chính trị hiện nay; chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác, quan hệ quần chúng); số đảng viên chính thức tán thành, không tán thành (lý do không tán thành).
- Chi bộ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét kết nạp gửi đảng ủy cấp trên (Thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày chi bộ ra nghị quyết)
10- Báo cáo của Đảng bộ bộ phận về việc thẩm định nghị quyết chi bộ đề nghị kết nạp đảng viên (Mẫu 7-KNĐ)
Sau khi xem xét hồ sơ kết nạp đảng viên, đảng ủy bộ phận kết luận: chi bộ đã thực hiện đúng (hoặc chưa đúng) thẩm quyền, đúng (hoặc chưa đúng, hoặc còn thiếu) thủ tục quy định…
(Gửi hồ sơ về Đảng ủy cơ sở, thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày chi bộ ra nghị quyết)
11- Nghị quyết đề nghị kết nạp đảng viên của Đảng ủy cơ sở (Mẫu 8-KNĐ)
Trước khi đưa ra đảng ủy cơ sở xem xét, ban thường vụ hoặc thường trực (nơi chưa có ban thường vụ) cấp ủy cơ sở tiến hành kiểm tra lại hồ sơ, lý lịch của người vào Đảng và các văn bản của chi bộ. Tập thể đảng ủy thảo luận, biểu quyết, nếu được 2/3 số cấp ủy viên trở lên tán thành thì ra nghị quyết đề nghị cấp ủy cấp trên xét kết nạp.
Nghị quyết nêu rõ kết luận của Đảng ủy về lý lịch; những ưu, khuyết điểm chính (Về lịch sử chính trị, chính trị hiện nay; phẩm chất chính trị; đạo đức, lối sống, quan hệ quần chúng); số cấp ủy viên tán thành, không tán thành (nêu rõ lý do không tán thành). (gửi hồ sơ về BTC Đảng ủy Khối, thời gian không quá 35 ngày làm việc kể từ ngày chi bộ ra nghị quyết)
12- Ban Tổ chức Đảng ủy Khối: Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, yêu cầu cấp ủy cơ sở hoàn chỉnh bổ sung hồ sơ (nếu có), tổng hợp trình Ban thường vụ Đảng ủy Khối.
(Thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của chi, đảng bộ cơ sở gửi ĐUK)
13- Quyết định của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối kết nạp đảng viên.
Ban Thường vụ Đảng ủy Khối họp xét, quyết định kết nạp (2 lần/tháng)
* Tổng quỹ thời gian thực hiện (từ điểm 9 đến điểm 13 của Bước 2): Thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày chi bộ có nghị quyết đề nghị kết nạp, trường hợp đặc biệt có thể gia hạn thêm tối đa 30 ngày làm việc.
B. Thẩm quyền xét kết nạp đảng viên trong một số trường hợp cụ thể
- Đối với người đang học tập trung ở trường từ 12 tháng trở lên: Do tổ chức đảng nhà trường xem xét kết nạp.
- Đối với người đang công tác biệt phái từ 12 tháng trở lên, do tổ chức đảng nơi công tác biệt phái xem xét, kết nạp.
- Người đã tốt nghiệp ra trường về địa phương chờ việc làm thì tổ chức đảng địa phương xem xét kết nạp.
- Người đang làm hợp đồng từ 12 tháng trở lên (không thời hạn) tại cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thì tổ chức đảng của cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp nơi người đó làm việc xem xét, kết nạp.
- Người đang làm hợp đồng dưới 12 tháng (có thời hạn) tại cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thì tổ chức đảng nơi cư trú xem xét kết nạp; trước khi làm thủ tục xem xét kết nạp phải có nhận xét của cơ quan doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp nơi người đó làm việc.
- Kết nạp vào Đảng đối với người có đạo thực hiện theo Quy định số 123-QĐ/TW, ngày 28/9/2004 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW ngày 08/4/2005 của Ban Tổ chức Trung ương.
- Kết nạp vào Đảng đối với người có quan hệ hôn nhân với người nước ngoài thực hiện theo Quy định số 127-QQĐ/TW, ngày 03/11/2004 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 41-HD/BTCTW, ngày 13/4/2005 của Ban Tổ chức Trung ương.
- Kết nạp đảng viên là người Hoa thực hiện theo Thông tri số 06-TT/TW, ngày 02/11/2004 của Ban Bí thư và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.
- Kết nạp lại đối với đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng; kết nạp quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình vào Đảng, thực hiện theo Quy định số 173-QĐ/TW, ngày 11/3/2013 của Ban Bí thư.
C. Thời hạn sử dụng văn bản trong hồ sơ xét kết nạp người vào Đảng:
* Quá 12 tháng, kể từ khi lập hồ sơ đề nghị xét kết nạp người vào Đảng mà chi bộ chưa xem xét đề nghị kết nạp được thì phải làm lại các tài liệu sau:
- Văn bản giới thiệu của đảng viên chính thức được phân công giúp đỡ người vào Đảng;
- Nghị quyết giới thiệu của Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hoặc Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở;
- Văn bản thẩm tra bổ sung lý lịch của người vào Đảng nếu có thay đổi với thời điểm thẩm tra lần trước;
- Ý kiến nhận xét bổ sung của đoàn thể nơi công tác và chi ủy nơi cư trú đối với người xin vào Đảng.
* Quá 60 tháng, kể từ khi người vào Đảng được cấp Giấy chứng nhận đã học lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng mà chi bộ chưa xem xét đề nghị kết nạp, thì chi bộ phải giới thiệu người vào Đảng học lại để được cấp giấy chứng nhận mới trước khi xem xét, kết nạp.
Xem thêm các nội dung khác tại Hướng dẫn 01 -HD/BTCĐUK ngày 04/10/2017 của Ban Tổ chức Đảng Ủy khối các cơ quan thành phố Hà Nội (file đính kèm).