Chào bạn!
Dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp, tôi có một số ý kiến đóng góp như sau:
Trước hết, theo Khoản 1 Điều 25 Luật Chứng khoán 2006, sửa đổi bổ sung năm 2010 và 2013 thì một công ty Cổ phần được coi là công ty đại chúng khi có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỉ đồng trở lên. Mà công ty bạn có vốn điều lệ là 5 tỉ đồng nên không phải là công ty đại chúng.
Điều 22 Luật Đầu tư 2014 quy định về tỉ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài như sau:
“Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau đây:
a) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
b) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;
c) Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
Do không phải là công ty đại chúng, cũng không phải là doanh nghiệp nhà nước đồng thời không có quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế; hơn nữa, ngành nghề kinh doanh lắp ráp thiết bị điện tử không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Địa chỉ website: https://dautunuocngoai.gov.vn) nên tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty là không hạn chế. Ngoài ra, bạn cần phải kiểm tra điều lệ công ty có quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hay không. Nếu không thì giới hạn cho nhà đầu tư ngoại là không hạn chế, có thể lên đến 100%. Như vậy, có thể kết luận việc nhà đầu tư mua 40% vốn điều lệ hay 49% vốn điều lệ là như nhau.
Thứ hai, về thủ tục chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài:
1. Điều kiện chuyển nhượng vốn góp, mua cổ phần vào doanh nghiệp đối với nhà đầu tư là cá nhân: Điều 5 Thông 131/2010/TT-BTC và Điều 6 Thông tư 03/2004/TT-NHNN
-
Có tài khoản ngân hàng mở tại Việt Nam. Mọi hoạt động trao đổi mua bán hoạt động khác liên quan đến đầu tư đều phải thông qua tài khoản này;
-
Có các tài liệu sau:Lý lịch tư pháp (đã được chứng thực và hợp pháp hoá lãnh sự) và bản sao hợp lệ hộ chiếu còn giá trị;
Trường hợp ủy quyền cho đại diện tại Việt Nam: có thêm bản sao hợp lệ văn bản về việc ủy quyền của cá nhân nước ngoài cho đại diện tại Việt Nam, bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức đại diện tại Việt Nam (trường hợp đại diện là tổ chức) và tài liệu liên quan đến người trực tiếp thực hiện giao dịch.
-
Các điều kiện khác quy định trong điều lệ của doanh nghiệp.
II. Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần với nhà đầu tư nước ngoài:
Việc chuyển nhượng, mua bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Điều 46 Nghị định 118/2015 hướng dẫn thi hành một số điều tại Luật đầu tư 2014.Theo đó, Công ty bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi cổ đôngtrên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư còn nhà đầu tư nước ngoài không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (do công ty không có ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài và việc mua cổ phần không dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên)
Trong thời hạn 05 ngày làm việc cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ có mọi quyền và nghĩa vụ đối với doanh nghiệp.
Hiện tại, do các thông tin mà bạn cung cấp còn hạn chế, nên tôi chỉ có thể trả lời sơ bộ cho bạn như vậy. Để có được câu trả lời chính xác hơn bạn nên liên hệ trực tiếp với luật sư để cung cấp thêm những thông tin cụ thể, cũng như trao đổi để tìm ra phương án tốt nhất.