Bản án số: 94A/2008/KT-PT ngày 29/4/2008 về việc đòi bồi thường tiền hàng hóa bị mất trong quá trình vận chuyển bằng đường biển

Chủ đề   RSS   
  • #263793 24/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Bản án số: 94A/2008/KT-PT ngày 29/4/2008 về việc đòi bồi thường tiền hàng hóa bị mất trong quá trình vận chuyển bằng đường biển

    Số hiệu

    94A/2008/KT-PT

    Tiêu đề

     
    Bản án số: 94A/2008/KT-PT ngày 29/4/2008 về việc đòi bồi thường tiền hàng hóa bị mất trong quá trình vận chuyển bằng đường biển

    Ngày ban hành

    29/04/2008

    Cấp xét xử

    Phúc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    TÒA PHÚC THẨM TẠI HÀ NỘI

    ------------------

    Bản án số: 94A/2008/KT-PT

    Ngày 29/4/2008

    V/v: đòi bồi thường tiền hàng hóa bị mất trong quá trình vận chuyển bằng đường biển

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc Lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------------------------N.8

     

    NHÂN DANH

    NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    TÒA PHÚC THẨM

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

    Với thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:

    Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Trần Trọng Liên;

    Các Thẩm phán: Ông Nguyễn Huy Chương;

    Bà Nguyễn Thị Tuyết.

    Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Ông Đinh Phước Hòa, cán bộ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

    Ngày 29 tháng 4 năm 2008, tại trụ sở Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh tế đòi bồi thường tiền hàng hóa bị mất trong quá trình vận chuyển bằng đường biển thụ lý số03/2007/TLPT-KT ngày 14 tháng 4 năm 2008.

    Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số129/2007/KT-ST ngày 06/11/2007 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội bị kháng cáo;

    Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 896/2008/QĐPT ngày 14/4/2008 giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (Công ty PJICO); trụ sở số 532 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội do ông Nguyễn Viết Sơn làm đại diện; có mặt

    Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải viễn dương Vinashin; trụ sở Lô CC1-I.3.1 khu đô thị mới Pháp Vân, Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai, Hà Nội, do bà Trương Thanh Thủy làm đại diện; có mặt.

    Luật sư: Lý Quang Long, Bùi Quang Hưng – Văn phòng luật sư Bùi Quang Hưng và cộng sự thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội bảo vệ quyền lợi cho công ty Petrolimex; có mặt.

    NHẬN THẤY

    1. Ngày 25/3/2005, Tổng Công ty lương thực Miền Bắc (viết tắt là Vinafood 1) có ký hợp đồng thuê tàu với Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (sau đây được viết tắt là Vinashin) để vận chuyển lô hàng gạo từ Việt Nam sang Cu Ba. Tàu được chỉ định vận chuyển là Vinashin Sun thuộc quyền quản lý của Công ty vận tải biển Vinashin nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải viễn dương Vinashin (viết tắt là Vinashinlines).

    2. Ngày 22/4/2006, tàu Vinashin Sun đã phát hành vận đơn số 08/ALP/05 vận chuyển lô hàng gạo với tổng trọng lượng 9.000 tấn được đóng thành 180.000 bao từ cảng Sài Gòn tới một hoặc hai cảng an toàn tại Cu Ba. Bên được thông báo là Alimport, Havana – Cu Ba. Cùng ngày 22/4/2005 Vinafood cũng đã ký hợp đồng bảo hiểm số 05/HNO/HHA/1120/0083 với Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (viết tắt là Pjico) bảo hiểm rủi ro cho lô hàng nêu trên.

    3. Ngày 11 và 23 tháng 6 năm 2005, tàu Vinashin Sun đã lần lượt cập cảng Havana và Nuevitas của Cu Ba để dỡ toàn bộ lô hàng. Sau khi hoàn tất việc dỡ hàng, tổn thất lô hàng đã được phát hiện.

    4. Theo biên bản giám định số M05/138/AL ngày 17/8/2005 của Công ty giám định Marinter S.A, Cu Ba do P chỉ định thì tổn thất hàng hóa được phát hiện bị thiếu hụt là 131,528 tấn, trong đó thiếu nguyên bao là 2.395 bao tương đương 119.750 tấn.

    5. Ngày 12/9/2005, trên cơ sở đơn bảo hiểm đã được Vinafood ký hậu chuyển h���p pháp, Alimport đã yêu cầu Pjico thanh toán tiền bảo hiểm tổn thất đối với lô hàng gạo là 60.732,86 USD.

    6. Pjico với tư cách là người bảo hiểm đã tiến hành bồi thường cho Alimport là 60.732,86 USD, bao gồm các khoản:

    - Giá trị hàng tổn thất: 59.331,62 USD;

    - Chi phí xử lý hàng tổn thất: 1.373,46 USD;

    - Phí xác nhận thư kháng cáo: 27,78 USD.

    7. Ngày 09/02/2006, Alimport gửi giấy biên nhận và thế quyền xác nhận đã nhận đầy đủ số tiền bồi thường. Đồng thời chuyển giao tất cả quyền của mình cho P liên quan đến yêu cầu đòi bồi thường đối với tổn thất lô hàng gạo được vận chuyển lên tàu Vinashin Sun theo vận đơn số 08/ALP/05 ngày 22/4/2005 do Công ty Vinashin phát hành.

    8. Ngày 15/02/2006, Pjico với tư cách là người thế quyền đã gửi công văn số214/GD-BT/2006 tới Công ty Vinashin yêu cầu bồi thường số tiền là 60.732,86 USD.

    9. Ngày 04/4/2006, Công ty Vinashin đa gửi công văn số285/CV-VTVD-PC tới Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) là người bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu Vinashin Sun yêu cầu Bảo Việt thay mặt Vinashin giải quyết bồi thường.

    10. Ngày 29/52006, Bảo Việt đã gửi Công văn số 273/TT/BHVN từ chối bồi thường với lý do tàu được miễn trách với lô hàng này.

    11. Ngày 12/6/2007 và ngày 23/8/2007 Công ty cổ phần bảo hiểm P có đơn khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải viễn dương Vinashin và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam phải bồi thường toàn bộ tổn thất của lô hàng gạo được vận chuyển trên tàu Vinashin Sun với số tiền là 60.732,86 USD.

    12. Công ty cổ phần bảo hiểm Pjico do ông Nguyễn Viết Sơn đại diện theo ủy quyền trình bày:

    Theo Điều 81, 86 Bộ luật hàng hải năm 1990 có quy định: Vận đơn là bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng theo số lượng, chủng loại, tình trạng ghi rõ trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng. Người vận chuyển có quyền từ chối ghi vào vận đơn sự mô tả về hàng hóa nếu có căn cứ nghi ngờ tính chính xác về lời khai báo của người giao hàng ở thời điểm bốc hàng hoặc khi không có điều kiện xác minh. Vinashinlines là người phát hành vận đơn không có bất kỳ nhận xét nào với lô hàng này. Do vậy, Pjico đề nghị bên vận chuyển phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bên thuê vận chuyển tài sản bị mất mát và hư hỏng nêu trên.

    13. Bị đơn – Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam, do ông Đặng Huy Dũng đại diện theo ủy quyền trình bày:

    Ngày 21/01/2003, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã có quyết định số 78/CNT/KDĐN ủy quyền cho Công ty vận tải và dịch vụ hàng hải (nay là Công ty Vinashinlines) được quyền quản lý, khai thác tàu Vinashin Sun. Do vậy, Công ty Vinashinlines có quyền ký các hợp đồng thuê tàu với khách hàng. Để xác định hợp đồng thuê tàu ngày 25/3/2005 do Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam nay là Công ty Vinashinlines ký, đề nghị nguyên đơn cung cấp hợp đồng bản chính để xác minh chữ ký và con dấu của pháp nhân, từ đó mới có cơ sở để Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn trong vụ kiện.

    - Tại phiên tòa ông Đặng Huy Dũng đại diện cho Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam cho rằng Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex khởi kiện Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam với tư cách là đồng bị đơn là không có căn cứ vì Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam không phải là đơn vị phát hành vận đơn.

    - Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải viễn dương Vinashin, do bà Trương Thanh Thủy đại diện theo ủy quyền trình bày:

    Ngày 25/3/2005 Vinafood 1 có ký hợp đồng thuê tàu với Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam và chỉ định tàu Vinashin Sun vận chuyển lô hàng gạo của Vinafood 1 sang Cu Ba. Ngày 22/4/2005 việc xếp hàng lên tàu được hoàn thành. Cùng ngày, Công ty Vinashinlines có giám sát việc dỡ hàng nhưng không kiểm đếm. Toàn bộ số lượng, trọng lượng ghi trên vận đơn trên cơ sở do Vinafood 1 khai báo. Hơn nữa tại mặt trước của vận đơn cũng quy định: “chi tiết về số lượng, chất lượng hàng hóa được tuyên bố bởi người giao hàng”; “cân nặng, số lượng, tình trạng, nội dung, giá trị như đề cập trong Bill chúng tôi không biết trừ khi có bằng chứng hoặc thỏa thuận trái ngược. Việc ký phát Bill này không được coi là thỏa thuận trái ngược đó”.

    Ngày 11/6/2005, hàng bắt đầu được dỡ tại cảng Havana, theo Biên bản giám định số 05/138/AL ngày 17/8/2005 của Marinter thì ngày 11/6/2005 đã phát hiện việc thiếu hụt hàng hóa, ngày 22/6/2007 Pjico mới có đơn khởi kiện là đã quá thời hiệu 02 năm được quy định tại Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự. Hơn nữa, số tiền Pjico đã trả cho Vinafood 1 trên cơ sở đơn bảo hiểm bán theo giá 110% CIF. Người chuyên chở không phải chịu hoàn toàn số tiền này.

    Từ những cơ sở trên, tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 129/2007/KTST ngày 06/11/2007 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:

    Căn cứ vào Điều 159; Điều 245 Bộ luật tố tụng dân sự;

    Căn cứ khoản 1 Điều 81; khoản 1 Điều 112; khoản 1 Điều 214 Bộ luật Hàng hải năm 1990;

    Căn cứ Nghị định 70/CP của Chính phủ ngày 12/6/1997 quy định về án phí, lệ phí Tòa án. Quyết định:

    1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex về việc đòi bồi thường tổn thất lô hàng gạo được vận chuyển trên tàu Vinashin Sun theo vận đơn số 08/ALP/05 ngày 22/4/2005 của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải viễn dương Vinashin.

    2. Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải viễn dương Vinashin phải bồi thường cho Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex số gạo bị mất mát, thiếu hụt và các khoản chi phí khác với tổng số tiền là 59.334,13 USD (năm mươi chín nghìn ba trăm ba mươi tư đô la Mỹ, mười ba cent). Số tiền này sẽ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam theo tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán.

    3. Bác các yêu cầu khác của các đương sự.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

    Ngày 22/11/2007 Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải biển Vinashin kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ kiện theo hướng hủy bản án sơ thẩm.

    Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp cho Tập đoàn Vinashin là bà Trương Thanh Thủy trình bày nội dung kháng cáo như sau:

    1. Nguyên đơn không có quyền khởi kiện vì theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Bộ luật Hàng hải Việt Nam quy định: “Hợp đồng vận chuyển hàng hóa là hợp đồng được ký kết giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển…Như vậy hợp đồng vận chuyển hàng hóa chỉ có hai chủ thể đó là: người vận chuyển và người thuê vận chuyển.

    Trong vụ kiện này Vinafood 1 là người thuê vận chuyển… do vậy P không phải là chủ thể trong vụ kiện này.

    2. Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng quyền tố tụng được quy định tại điểm d Điều 58 Bộ luật tố tụng dân sự, đó là: “Được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập”. Chúng tôi nhận thấy bản dịch của vận đơn 08/ALP/05 là không chính xác theo hướng bất lợi cho bị đơn. Tòa án cấp sơ thẩm không cung cấp cho bị đơn hợp đồng thuê tàu, do vậy bị đơn gặp nhiều khó khăn.

    3. Tòa án cấp sơ thẩm không đưa đầy đủ người tham gia tố tụng vào vụ án.

    a) Có sự mâu thuẫn giữa kết luận giám định và xác nhận của thuyền trưởng của tàu Vinashin Sun.

    Trong biên bản hàng hóa hư hỏng ngày 28/6/2005 với kết luận của Công ty giám định, cụ thể thuyền trưởng đã ghi ý kiến phản đối: “Tất cả hàng hóa đã được dỡ tại cảng Havana và Nuevitas theo đúng như giấy lược khai hàng hóa, tàu không có trách nhiệm đối với hàng hóa được dỡ tại cảng”.

    b) Kết luận giám định không rõ ràng:

    Biên bản giám định tổng số 130,295 tấn hàng thiếu hụt có 8,53 tấn hàng thiếu là quy cho tàu do bao bị rách và tuột chỉ chứ không phải mất hàng.

    Biên bản giám định không có kết luận rõ ràng do tàu, do cảng hay do người bán hàng giao thiếu hàng.

    Đề nghị Tòa triệu tập người giám định (Công ty Marinter) tham gia phiên tòa.

    4. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vụ án chưa có đủ chứng cứ cần thiết.

    a) Thiếu một phần của hợp đồng thuê tàu ngày 25/3/2005 quy định: những điều khoản khác chưa được quy định tại đây thì sẽ được điều chỉnh theo mẫu hợp đồng thuê tàu Gencon 1994. Chúng tôi đã yêu cầu tòa sơ thẩm yêu cầu nguyên đơn cung cấp các điều khoản mẫu Gencon 1994 nhưng Tòa sơ thẩm đã từ chối yêu cầu này.

    b) Thiếu biên bản giám định cuối cùng. Đề nghị Tòa yêu cầu nguyên đơn cung cấp biên bản giám định cuối cùng. Đề nghị Tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm số129/2007/KDTM-ST ngày 05 và 06 tháng 11 năm 2007 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và đình chỉ giải quyết vụ án vì nguyên đơn không có quyền khởi kiện.

    Đại diện hợp pháp của nguyên đơn: ông Nguyễn Viết Sơn không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người đại diện cho tập đoàn Vinashin với lập luận sau:

    Theo vận đơn số 08/ALP/05 ngày 22/4/2005 thì tàu Vinashin đã nhận đủ 9.000 tấn gạo được đóng thành 180.000 bao vận chuyển từ Sài Gòn sang Cu Ba.

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 81 Bộ luật Hàng hải năm 1990 thì người vận chuyển và phát hành vận đơn phải chịu trách nhiệm về số lượng hàng hóa được ghi trên vận đơn kể từ khi phát hành vận đơn cho đến khi giao hàng cho người được hưởng ghi trên vận đơn (Alimport).

    Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

    Sau khi nghiên cứu các tài liệu và chứng cứ, kết quả việc thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa, ý kiến của nguyên đơn, bị đơn và của luật sư.

    XÉT THẤY

    Kháng cáo của Vinashin có 4 vấn đề sau:

    1. Nguyên đơn Công ty Pjico không có thẩm quyền khởi kiện:

    Căn cứ vào hợp đồng mua bán ngoại thương số 4962-2605 ngày 03/11/2004 bên bán Vinafood 1 với Công ty Alimport của Cu Ba thì Vinafood 1 bán cho Alimport 9.000 tấn gạo, được đóng thành 180.000 bao.

    Ngày 22/4/2005 Vinafood 1 ký hợp đồng bảo hiểm với Công ty cổ phần bảo hiểm Pe để bảo hiểm mọi rủi ro cho lô hàng trên.

    Đại diện của Vinafood 1 trình bày: hợp đồng ngoại thương giữa Vinafood 1 và Alimport được mua bán theo phương thức CIF (là tiền hàng + bảo hiểm và cước vận chuyển). Như vậy Vinafood 1 phải có trách nhiệm mua bảo hiểm cho lô hàng từ cảng đi cho đến cảng dỡ hàng.

    Theo biên bản giám định số M05/138/AP ngày 17/8/2005 của Công ty giám định Marinter S.A, tổng lượng hàng thiếu hụt là 131,528 tấn, trong đó thiếu nguyên bao là 2.395 bao tương đương 119,750 tấn gạo.

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 108 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 1990 quy định: “Người vận chuyển có nghĩa vụ chăm sóc chu đáo hàng hóa và chịu trách nhiệm về các tổn thất do hư hỏng, mất mát hàng hóa từ khi nhận bốc lên tàu cho đến khi giao cho người nhận hàng. Người vận chuyển có nghĩa vụ bồi thường tổn thất hàng hóa, nếu không chứng minh được rằng mình không có lỗi gây ra các tổn thất đó”.

    - Tại khoản 1 Điều 214 Bộ luật Hàng hải năm 1990 quy định: “Việc chuyển quyền theo hợp đồng bảo hiểm hàng hải có cấp đơn bảo hiểm được thực hiện cùng với việc chuyển nhượng đơn bảo hiểm”.

    Vinafood 1 đã ký bảo hiểm hàng với Công ty Pjico và Công ty Pjico đã thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm toàn bộ tổn thất hàng hóa cho Công ty Alimport Cu Ba với số tiền là 60.732,86 USD.

    Ngày 09/02/2006, Alimport có công văn xác nhận đã nhận đủ số tiền trên và việc chuyển giao quyền kiện đòi của mình cho Công ty Pjico để Công ty Pjico thực hiện quyền của mình đối với người vận chuyển đã gây ra thiệt hại về tài sản.

    Từ phân tích trên, có cơ sở khẳng định Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của Công ty Pjico là đúng pháp luật Việt Nam.

    2. Về việc Tòa án cấp sơ thẩm không cho bị đơn sao chép tài liệu, được quy định tại khoản d Điều 58 Bộ luật dân sự.

    Xét thấy: Vụ án đã được Tòa án thành phố thụ lý từ ngày 25/7/2007, xét xử ngày 06/11/2007. Trong giai đoạn điều tra và hòa giải phía bị đơn có đủ thời gian để biết về vận đơn số 08/ALP/05 nhưng phía bị đơn không sao chụp vận đơn mà đến khi phiên tòa sơ thẩm lại tiếp tục yêu cầu và cho rằng bản dịch ra tiếng Việt là không sát đúng với vận đơn bằng tiếng Anh, nhưng ở các đơn từ thì bị đơn lại viện dẫn Điều 25 của Hợp đồng vận tải đường biển về tham chiếu Gencon 1994.

    Như vậy, có cơ sở khẳng định phía bị đơn có đầy đủ hợp đồng thuê tàu và vận đơn số 08/ALP/05, nhưng vì không thiện chí để giải quyết nghĩa vụ nên bị đơn đã đưa ra những yêu sách không khách quan, nên không thể chấp nhận yêu cầu của bị đơn về Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã vi phạm điểm d Điều 58 Bộ luật tố tụng dân sự.

    3. Kháng cáo về Tòa án sơ thẩm không triệu tập đầy đủ người tham gia tố tụng: yêu cầu của bị đơn đề nghị triệu tập cơ quan giám định Marinter Cu Ba để làm rõ bản giám định chưa rõ ràng.

    Tòa án cấp sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu trên vì không thể thực hiện được.

    Mặt khác bản giám định đã phản ánh đầy đủ lượng hàng thiếu, thuyền trưởng của tàu đã ký xác nhận “tất cả hàng hóa đều được dỡ tại cảng Havana và Nuevitas theo bản kê khai hàng hóa chở trên tàu. Tàu không chịu trách nhiệm đối với việc thiếu hàng dỡ tại cảng Nuevitas”. Điều đó có nghĩa thuyền trưởng xác nhận có biên bản giám định số M05/138/AL là sự thật và chỉ có một biên bản giám định này. Cho dù không có đại diện của Công ty Marinter Cu Ba ở phiên tòa nhưng kết luận giám định của họ vẫn chỉ là một và đó là sự thật khách quan.

    Kết luận giám định đã phản ánh đầy đủ như số lượng hàng do bao đựng gạo bị rách và tuột chỉ có trọng lượng là 8,53 tấn, đầu bao thiếu là 2395 bao tương đương 119,750 tấn, như vậy lượng hàng đã mất là do tàu vận chuyển chịu trách nhiệm, vì căn cứ theo vận đơn đã khẳng định là 9.000 tấn gạo được đóng thành 180.000 bao.

    4. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vụ án chưa đủ chứng cứ cần thiết:

    Xét thấy: bị đơn đề nghị phải xem xét Điều 25 của hợp đồng thuê tàu; điều này ghi nhận: “Các điều khoản khác không được quy định trong hợp đồng thuê tàu sẽ được xác định theo hợp đồng thuê tàu Gencon 1994”. Đây là điều ước thỏa thuận với cách thức chỉ dẫn, nhưng chính trong Điều 9 của bản hợp đồng này tại gạch đầu dòng thứ 3 đã ghi rõ trách nhiệm như sau: chủ hàng cố gắng giữ gìn hàng hóa trong tình trạng tốt trong suốt chuyến đi và chịu trách nhiệm cho việc mất mát hàng hóa hoặc thiếu hàng do tàu gây ra khi đến cảng đích”.

    Trong hợp đồng đã thỏa thuận về bồi thường tổn thât hàng hóa do vậy không cần thiết phải tham chiếu Gencon 1994 như đề nghị của bị đơn.

    Bởi lẽ trên, căn cứ khoản 1 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

    Căn cứ Điều 159; Điều 245 Bộ luật tố tụng dân sự;

    Căn cứ khoản 1 Điều 81; khoản 1 Điều 108; khoản 1 Điều 112 và khoản 1 Điều 214 Bộ luật Hàng hải năm 1990.

    QUYẾT ĐỊNH

    1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex về việc đòi bồi thường tổn thất lô hàng gạo được vận chuyển trên tàu Vinashin Sun theo vận đơn số 08/ALP/05 ngày 22/4/2005 của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải viễn dương Vinashin.

    2. Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải viễn dương Vinashin phải bồi thường cho Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex số lượng gạo bị mất, thiếu hụt và các khoản chi phí khác với tổng số tiền là 59.334,13 USD (năm mươi chín nghìn ba trăm ba mươi tư đô la Mỹ, mười ba cent). Số tiền bồi thường được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam theo tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán.

    3. Bác các yêu cầu khác của các đương sự.

    4. Về án phí: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vận tải viễn dương Vinashin phải chịu 27.170.000 đồng (hai mươi bảy triệu một trăm bảy mươi nghìn đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và 200.000 đồng án phí phúc thẩm, cộng là 27.370.000 đồng.

    - Công ty cổ phần bảo hiểm Pe phải chịu 1.130.000 đồng (một triệu một trăm ba mươi nghìn đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

    Xác nhận Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex đã nộp 13.78.500 đồng tạm ứng án phí theo biên lai thu số 003415 ngày 24/7/2007 của Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội. Trừ án phí, số tiền còn được nhận lại 12.655.500 đồng (mười hai triệu sau trăm năm lăm nghìn, năm trăm đồng).

    Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (29/4/2008).

    CÁC THẨM PHÁN

    Nguyễn Huy Chương Nguyễn Thị Tuyết

    (Đã ký) (Đã ký)

    THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

    Trần Trọng Liên

    (Đã ký)

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 24/05/2013 08:46:01 SA
     
    9548 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn phamthanhhuu vì bài viết hữu ích
    vananhnt19 (14/09/2018)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận