Bản án số: 54/2008/KDTM-PT ngày 11 tháng 3 năm 2008 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán

Chủ đề   RSS   
  • #263810 24/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Bản án số: 54/2008/KDTM-PT ngày 11 tháng 3 năm 2008 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán

    Số hiệu

    54/2008/KDTM-PT

    Tiêu đề

    Bản án số:54/2008/KDTM-PT ngày 11 tháng 3 năm 2008 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán

    Ngày ban hành

    11/03/2008

    Cấp xét xử

    Phúc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    TÒA PHÚC THẨM TẠI HÀ NỘI

    ------------------

    Bản án số:54/2008/KDTM-PT

    Ngày 11/03/2008

    V/v: tranh chấp hợp đồng mua bán

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc Lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------------------------TH/7

     

    NHÂN DANH

    NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    TÒA PHÚC THẨM

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

    Với thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:

    Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Nguyễn Đức Nhận;

    Các Thẩm phán: Ông Trịnh Đăng Khoa;

    Bà Hà Thị Xuyến.

    Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Bà Hoàng Thị Bích Hải, cán bộ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

    Ngày 22 tháng 02 năm 2006, tại trụ sở Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thu lý số79/2007/KDTM-PT ngày 30 tháng 11 năm 2007 về việc tranh chấp Hợp đồng mua bán theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số375/2008/QDD-PT ngày 26/12/2008 giữa các đương sự

    * Nguyên đơn: Công ty Welcome Trading Co. Pte. Ltd, có trụ sở tại số 01 North Bridge Road # 12 – 04/05 High street Centre Singapore 179094; do bà Lê Thị Hoa và bà Nguyễn Thị Hương đại diện theo ủy quyền ngày 27/12/2007; có mặt.

    * Bị đơn: Công ty Cổ phần Công nghiệp Tự Cường, có trụ sở tại 232 phố Minh Khai, Hà Nội, do ông Lý Quang Long đại diện theo giấy ủy quyền ngày 31/12/2007 của ông Phạm Quang Viễn giám đốc Công ty; có mặt.

    NHẬN THẤY

    Theo nguyên đơn trình bày: Ngày 22/4/2005, Công ty cổ phần Công nghiệp Tự Cường (gọi là bị đơn) ký hợp đồng số V011/405 để mua 200 tấn nhôm thỏi với giá 1.957 USD/tấn của Công ty Welcome Trading Co. Pte. Ltd (gọi là nguyên đơn), tổng trị giá hợp đồng 391.400USD.

    Theo Điều 8 của hợp đồng quy định đặt cọc 20% giá trị hợp đồng trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng và 80% giá trị hợp đồng đã được thanh toán bằng chuyển khoản ngay sau khi bên bán đưa ra thông báo giao hàng tạm thời.

    Hợp đồng được hai bên ký kết và gửi cho nhau qua Fax vào ngày 25/4/2005. Tuy nhiên bị đơn đã không đặt tiền cọc cho nguyên đơn theo hợp đồng, nhưng nguyên đơn vẫn chuyển 200 tấn nhôm đến kho ngoại quan thành phố Hồ Chí Minh và toàn bộ chứng từ giao hàng gồm: Hóa đơn thương mại số 5010 có giá trị là 391.867,72 USD; phiếu đóng gói lô hàng và vận đơn đường biển số 05/0524.

    Ngày 12/5/2005 nguyên đơn gửi văn thi chỉ thị cho Công ty kho hàng thực hiện việc giao hàng tạm thời cho bị đơn. Cùng ngày 12/5 Công ty kho hàng đã gửi thông báo giao hàng qua máy Fax cho bị đơn (máy số 0128448635530).

    Cũng trong ngày 12/5/2005 nguyên đơn gửi các yêu cầu bị đơn thanh toán tiền và thông báo số điện chuyển tiền. Xác nhận điện tín được in từ máy Fax của nguyên đơn xác nhận đã gửi thành công văn thư này cho bị đơn.

    Ngày 27/5/2005 nguyên đơn gửi văn thư cho bị đơn về việc không thanh toán lô hàng đang trong kho ngoại quan thành phố Hồ Chí Minh và yêu cầu bị đơn thực hiện đúng hợp đồng. Xác nhận điện tín được in từ máy Fax của nguyên đơn là đã gửi thành công văn thư này cho bị đơn.

    Do bị đơn không đến nhận hàng và từ chối thanh toán nên nguyên đơn phải ký hợp đồng bán lô hàng cho bên thứ 3 để hạn chế tổn thất, tuy nhiên giá bán lại bị thấp hơn giá bán cho bị đơn là 33.455,17USD và phải chịu chi phí lưu kho là 1.358,42USD. Tổng cộng là: 34.813,59USD.

    Ngày 23/5/2007 nguyên đơn làm đơn kiện yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại là 34.813,59USD = 561.891.342 VND (1 USD = 16.140 đồng).

    Bị đơn trình bày:

    Vào khoảng cuối tháng 4/2005, bị đơn có ký hợp đồng mua 200 tấn nhôm thỏi trị giá là 391.400USD của nguyên đơn (ký qua Fax và bị đơn không nhận được bản gốc của hợp đồng). Hợp đồng quy định trong vòng 03 ngày kể từ khi ký hợp đồng, bên mua phải đặt cọc 20% giá trị của hợp đồng bằng phương thức thanh toán khi có bộ chứng , phần còn lại 80% thanh toán khi có thông báo giao hàng.

    Trong vòng 03 ngày kể từ ngày ký hợp đồng bị đơn không nhận được thông báo giao hàng và chứng từ của nguyên đơn nên không thể chuyển tiền đặt cọc 20% được. Hết 03 ngày theo quy định trong hợp đồng, bị đơn không nhận được bất kỳ phản hồi nào của nguyên đơn về việc có hay không tiếp tục thực hiện hợp đồng. Đối chiếu điều khoản trong hợp đồng, bị đơn cho rằng đương nhiên hợp đồng không còn hiệu lực. Do vậy bị đơn không đồng ý bồi thường số tiền 34.813,59USD theo yêu cầu của nguyên đơn.

    Tại bản án số120/2007/KDTM-ST ngày 21/9/2007, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định: áp dụng khoản 2 Điều 24 và Điều 27; khoản 3 Điều 292; Điều 302; Điều 303 Luật Thương mại; Điều 405 Bộ luật dân sự; Điều 15 Nghị định 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ quy định về án phí Tòa án; Thông tư liên tịch số 01 ngày 19/6/1997 hướng dẫn thi hành về tài sản.

    Xử: chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường của Công ty Welcome Trading Co.Pte. Ltd với Công ty cổ phần Công nghiệp Tự Cường theo hợp đồng số VO11/405 ngày 22/4/2005.

    Buộc Công ty cổ phần Công nghiệp Tự Cường bồi thường cho Công ty Welcome Trading Co. Pte. Ltd 34.813,59USD = 561.891.324 đồng (01USD = 16.140 đồng).

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định án phí và thông báo quyền kháng cáo.

    Ngày 02 tháng 10 năm 2007, Công ty cổ phần Công nghiệp Tự Cường có đơn kháng cáo với nội dung không đồng ý với toàn bộ bản án sơ thẩm.

    XÉT THẤY

    Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định.

    Ngày 22.4.2005 Công ty cổ phần Công nghiệp Tự Cường và Công ty Welcome Trading Co. Pte. Ltd có ký hợp đồng số V011/405 với nội dung: Công ty cổ phần Cong nghiệp Tự Cường mua của Công ty Welcome Trading Co. Pte. Ltd 200 tấn nhôm thỏi với giá 1.957USD/tấn. Tổng giá trị hợp đồng là 391.400USD. Hợp đồng được hai bên ký và gửi cho nhau qua Fax vào ngày 25/4/2005.

    Tại Điều 8 của hợp đồng quy định: đặt cọc 20% giá trị hợp đồng còn lại sẽ được thanh toán bằng chuyển khoản ngay sau khi bên bán đưa ra thông báo giao hàng tạm thời.

    Trong quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm hôm nay đại diện Công ty cổ phần Công nghiệp Tự Cường (bị đơn) đều thừa nhận đã ký hợp đồng số V011/405 ngày 22/4/2005 để mua 200 tấn nhôm thỏi của Công ty Welcome Trading Co. Pte. Ltd (nguyên đơn).

    Sau khi ký hợp đồng, tuy bị đơn không đặt tiền cọc cho nguyên đơn theo Điều 8 của hợp đồng nhưng nguyên đơn vẫn chuyển 200 tấn nhôm đến kho ngoại quan Thành phố Hồ Chí Minh và toàn bộ chứng từ giao hàng bao gồm: Hóa đơn thương mại số 5010 có giá trị là 391.867.72USD; phiếu đóng gói lô hàng và vận đơn đường biển số 05/0524.

    Ngày 12/5/2005, nguyên đơn đã gửi văn thư chỉ thị cho Công ty kho hàng thực hiện việc giao hàng tạm thời cho bị đơn; cùng ngày Công ty kho hàng đã gửi thông báo giao hàng qua máy Fax cho bị đơn (0128448635530). Cũng trong ngày 12/5/2005, nguyên đơn gửi các văn bản yêu cầu bị đơn thanh toán tiền và thông báo số điện chuyển tiền nhưng bị đơn đã không gửi thông báo trả lời và cũng không đến nhận hàng.

    Ngày 27/5/2005, nguyên đơn đã gửi văn thư cho bị đơn về việc không thanh toán lô hàng mà nguyên đơn đã chuyển để giao cho bị đơn theo hợp đồng đang trong kho ngoại quan Thành phố Hồ Chí Minh và yêu cầu bị đơn thực hiện đúng hợp đồng. Do bị đơn không đến nhận hàng và từ chối thanh toán nên nguyên đơn đã phải bán lô hàng cho bên thứ ba với giá thấp hơn giá bán cho bị đơn là 33.455,17USD và phải chịu phí lưu kho là 1.358,59USD. Tổng cộng là: 34.813,59USD.

    Như vậy, sau khi hai bên ký kết hợp đồng nguyên đơn đã thực hiện đúng hợp đồng cả về thời gian, địa điểm giao hàng và thực tế nguyên đơn đã chuyển hàng để giao cho bị đơn tại kho ngoại quan Thành phố Hồ Chí Minh. Còn phía bị đơn đã không thực hiện đúng nội dung hợp đồng đã ký kết, không liên hệ hay thông báo gì cho nguyên đơn biết là bị đơn không thực hiện hợp đồng hay hủy bỏ hợp đồng. Tại phiên tòa hôm nay đại diện bị đơn thừa nhận là sau khi ký hợp đồng thì bị đơn không hề có liên lạc gì với nguyên đơn. Mặt khác, tại khoản 3 Điều 404 Bộ luật dân sự 1995 và Điều 405 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Tại phiên tòa sơ thẩm ông Phạm Quang Viễn thừa nhận: “tôi thừa nhận là tôi có sai vì sau khi hết thời gian 03 ngày tôi đã không có ý kiến gì với bên bán là có hay không chấm dứt hợp đồng. Nhưng với cái sai đó thì tôi chỉ phải bồi thường cho thiệt hại trong vòng 03 ngày đó thôi”, “tôi đã tính rồi thiệt hại cũng chỉ lên đến 7.000USD thôi”, “tôi chỉ đồng ý hỗ trợ cho nguyên đơn số tiền 7.000USD” (Biên bản phiên tòa, BL 215, 216). Như vậy, với các căn cứ trên thì trong việc thực hiện hợp đồng số V011/405 bị đơn là bên vi phạm hợp đồng, là bên có lỗi.

    Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào Luật Thương mại, Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật khác để chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Công ty Welcome Trading Co. Pte. Ltd đối với Công ty cổ phần Công nghiệp Tự Cường là có căn cứ pháp luật.

    Xét kháng cáo của Công ty cổ phần Công nghiệp Tự Cường.

    - Về thời hiệu khởi kiện: sau khi ký hợp đồng ngày 22/4/2005 thì nguyên đơn đã thực hiện hợp đồng, cụ thể là đã chuyển hàng đến địa điểm giao hàng cho bị đơn là kho ngoại quan Thành phố Hồ Chí Minh; ngày 12/5/2005 Công ty kho hàng đã gửi thông báo giao hàng cho bị đơn; ngày 12/5/2005 nguyên đơn đã gửi các văn bản yêu cầu bị đơn thanh toán lô hàng đang trong kho ngoại quan Thành phố Hồ Chí Minh và yêu cầu bị đơn thực hiện đúng hợp đồng chậm nhất là vào ngày 31 tháng 5 năm 2005 nhưng bị đơn đã không thực hiện theo hợp đồng đã ký kết. Vì vậy, ngày 23/5/2005 nguyên đơn làm đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại là trong thời hạn được khởi kiện quy định tại Điều 159 BLTTDS.

    - Các tài liệu Công ty Welcome Trading Co. Pte. Ltd nộp theo đơn khởi kiện cho Tòa án: Trước hết hợp đồng số V001/405 được nguyên đơn và bị đơn ký qua Fax thì bị đơn đã thừa nhận; về chứng cứ chuyển hàng, giao hàng, văn thư, chỉ thị giao hàng, các văn bản yêu cầu bị đơn thanh toán và thông báo số điện chuyển tiền đã được nguyên đơn chứng minh, cụ thể: Hóa đơn thương mại số 5010, phiếu đóng gói lô hàng và vận đơn đường biển số 05/0524; thông báo giao hàng qua máy Fax cho bị đơn (máy số 0128448635530); xác nhận điện tín được in từ máy Fax của nguyên đơn xác nhận đã gửi thành công văn thư này cho bị đơn; ngoài ra còn thể hiện qua các hóa đơn bán hàng chịu rủi ro cho các đối tác khác: NNV5019, 5020, 5022, 5023. Tất cả các tài liệu này đã được dịch và có xác nhận của công chứng nhà nước. Vì vậy có căn cứ xác định các tài liệu mà nguyên đơn cung cấp cho Tòa án là xác thực, có căn cứ pháp luật.

    - Tài liệu có trong hồ sơ vụ án chứng minh nguyên đơn đã chuyển hàng 200 tấn nhôm thỏi đến kho ngoại quan Thành phố Hồ Chí Minh để giao cho bị đơn theo đúng cam kết trong hợp đồng và ngày 12/5/2005 Công ty kho hàng ngoại quan Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi thông báo giao hàng cho bị đơn nên Tòa án cấp sơ thẩm thấy không cần triệu tập Công ty kho hàng C. Steinweg ra phiên tòa là có căn cứ pháp luật.

    Tại phiên tòa hôm nay đại diện bị đơn bổ sung yêu cầu kháng cáo cho rằng vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội với lý do nguyên đơn không phải là đương sự nước ngoài nên đề nghị Tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng giải quyết theo thẩm quyền. Xét thấy việc đề nghị hủy bản án sơ thẩm với lý do mà đại diện bị đơn nêu ra là không có cơ sở chấp nhận.

    Từ những nhận định trên, xét thấy việc kháng cáo của Công ty cổ phần công nghiệp Tự Cường là không có căn cứ pháp luật nên cần giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

    Vì các lẽ trên.

    Căn cứ vào khoản 1 Điều 275 BLTTDS.

    QUYẾT ĐỊNH

    Không chấp nhận kháng cáo của Công ty cổ phần Công nghiệp Tự Cường; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

    Căn cứ khoản 2 Điều 24 và 27; khoản 3 Điều 293; Điều 302; Điều 303 Luật Thương mại.

    ĐIều 405 Bộ luật dân sự.

    Nghị định 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ quy định về án phí.

    Thông tư liên tịch số 01 ngày 12/6/1997 hướng dẫn thi hành án về tài sản.

    Xử: - Chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường của Công ty Welcome Trading Co. Pte. Ltd với Công ty cổ phần Công nghiệp Tự Cường theo Hợp đồng số V011/405 ngày 22/4/2005.

    - Buộc Công ty cổ phần Công nghiệp Tự Cường bồi thường cho Công ty Welcome Trading Co. Pte. Ltd 34.813,59USD = 561.891.324 đồng (1USD = 16.140 đồng).

    Về án phí: Công ty cổ phần Công nghiệp Tự Cường phải nộp 19.237.826 đồng tiền án phí kinh tế sơ thẩm và 200.000 đồng tiền án phí kinh tế phúc thẩm. Số tiền 200.000 đồng án phí kinh tế phúc thẩm được trừ vào khoản tiền 200.000 đồng dự phí kháng cáo mà Công ty đã nộp tại Thi hành án Thành phố Hà Nội (Biên lai thu tiền số 007038 ngày 03/10/2007).

    Kể từ khi bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu bên phải thi hành không thi hành khoản tiền phải thi hành trên thì còn phải chịu khoản lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

    Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

    CÁC THẨM PHÁN

    Trịnh Đăng Khoa Hà Thị Xuyến

    (Đã ký) (Đã ký)

    THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

    Nguyễn Đức Nhận

    (Đã ký)

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 24/05/2013 08:57:34 SA
     
    26922 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận