Bản án số: 45/2008/KDTM-PT ngày 22 tháng 02 năm 2008 về việc tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty

Chủ đề   RSS   
  • #263807 24/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Bản án số: 45/2008/KDTM-PT ngày 22 tháng 02 năm 2008 về việc tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty

    Số hiệu

    45/2008/KDTM-PT

    Tiêu đề

    Bản án số:45/2008/KDTM-PT ngày 22 tháng 02 năm 2008 về việc tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty

    Ngày ban hành

    22/02/2008

    Cấp xét xử

    Phúc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    TÒA PHÚC THẨM TẠI HÀ NỘI

    ------------------

    Bản án số:45/2008/KDTM-PT

    Ngày 22/02/2008

    V/v: tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty.

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc Lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------------------------HA.7

     

    NHÂN DANH

    NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    TÒA PHÚC THẨM

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

    Với thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:

    Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Trịnh Đăng Khoa;

    Các Thẩm phán: Ông Bùi Thế Linh;

    Ông Trần Ngọc Việt.

    Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Ông Nguyễn Mạnh Tuyên, cán bộ Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

    Ngày 22 tháng 02 năm 2006, tại trụ sở Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số69/2007/KDTMPT-TL ngày 11 tháng 11 năm 2007 về việc tranh chấp giữa thành viên Công ty với Công ty theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 138/2008/QĐPT ngày 30-01-2008 giữa các đương sự:

    * Nguyên đơn:

    1. Ông Triệu Xuân Nhãn; trú tại: số nhà 17/68 đường Trần Thánh Tông, phường Thống Nhất, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

    2. Bà Trần Thị Vịnh; trú tại số nhà 129 đường Hùng Vương, phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định;

    3. Bà Nguyễn Thị Sông; trú tại: số 54 phố Gò Quan, phường Cửa Nam, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định;

    4. Ông Mai Văn Khánh; trú tại: số 45 ngõ An Phong, phường Quang Trung, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định;

    5. Bà Phạm Thị Ngọc; trú tại: 147 đường Hà Nội, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định;

    6. Bà Đỗ Thị Vân; trú tại: 9/25 đường Quang Trung, phường Bà Triệu, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định;

    7. Bà Nguyễn Thị Hằng; trú tại: 74/703 đường Trường Trinh, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định;

    * Bị đơn: Công ty cổ phần thương mại tổng hợp tỉnh Nam Định;

    Có trụ sở tại: số 76-78 Hoàng Văn Thụ, phường Phan Đình Phùng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; do ông Ngô Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty làm đại diện.

    * Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Trần Thị Tuyết; trú tại: 31A Quang Trung, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định;

    2. Bà Nguyễn Thị Miến; trú tại: 170 đường Trường Trinh, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định;

    3. đại diện theo ủy quyền của 47 cổ đông còn lại trong công ty:

    - Bà Phạm Thu Phương; trú tại: 14QÔ 18 phường Hạ Long, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định

    - Bà Nguyễn Thị Lương; trú tại: 11/58 đường Lê Quý Đôn, phường Thống Nhất, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định;

    - Bà Đỗ Thị Bình: trú tại: 15 đường Bạch Đằng, phường Phan Đình Phùng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định;

    - Bà Trần Quý Vân; trú tại: số 3/6 đường Trần Quang Khải, phường Trần Quang Khải, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định;

    NHẬN THẤY

    Theo bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

    Công ty cổ phần thương mại tổng hợp tỉnh Nam Định được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 3546/QĐUB ngày 22/12/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định.

    Từ năm 2005 nội bộ Công ty luôn mất ổn định, các thành viên Hội đồng quản trị mất đoàn kết nghiêm trọng. Công ty đã 02 lần đại hội cổ đông bất thường không đúng bị Tòa án các cấp hủy bỏ. Đầu năm 2007, Ban kiểm soát Công ty và nhóm cổ đông sở hữu 49,52% vốn điều lệ của Công ty có yêu cầu đại hội cổ đông bất thường, Chủ tịch Hội đồng quản trị để giải quyết những đơn đề nghị đó, nhưng không thành vì vắng mặt 02 thành viên là ông Triệu Xuân Nhãn và bà Trần Thị Vịnh. Trong khi đó ông Nhãn và bà Vịnh tổ chức họp Hội đồng quản trị với 2/3 tổng số thành viên ra Nghị quyết bãi miễn chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị và chức vụ Giám đốc điều hành Công ty của ông Ngô Mạnh Hùng, bổ nhiệm ông Triệu Xuân Nhãn quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm quyền Giám đốc điều hành Công ty.

    Ngày 07/4/2007 Ban kiểm soát Công ty đứng ra tổ chức đại hội cổ đông bất thường có mặt 55/57 cổ đông, 02 cổ đông vắng mặt không có lý do. Đại hội bầu ông Ngô Mạnh Hùng làm chủ tọa đại hội. Khi duyệt và thông qua nội dung chương trình nghị sự tại Đại hội đã xem xét yêu cầu của nhóm cổ đông chiếm 10% vốn điều lệ đề nghị bổ sung thêm nội dung khoản chi sai nguyên tắc, vượt chế độ 878.318.000 đồng vào chương trình đại hội. Kết quả biểu quyết có 77,52% số cổ phần của cổ đông dự họp nhất trí đưa thêm nội dung này vào chương trình đại hội nên đại hội quyết định bổ sung vào chương trình Đại hội. Đại hội đã xem xét quyết định việc sửa đổi Điều lệ Công ty. Đại hội đã tiến hành bãi miễn Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2004-2006 và bầu Hội đồng quản trị mới nhiệm kỳ 2007-2011 gồm 03 người: ông Nguyễn Mạnh Hùng, bà Trần Thúy Vân và bà Nguyễn Thị Lương theo phương thức bầu dồn phiếu, bầu bằng bỏ phiếu kín.

    Ngày 21-5-2007, một số cổ đông thống nhất ủy quyền cho ông Nhãn ký đơn khởi kiện, đề nghị xem xét hủy bỏ Nghị quyết Đại hội cổ đông bất thường ngày 07-4-2007 của Công ty cổ phần thương mại tổng hợp tỉnh Nam Định với nội dung: “Ngày 15-2-2007, ông Ngô Mạnh Hùng ra văn bản từ chối đơn đề nghị Đại hội cổ đông bất thường của Ban kiểm soát và nhóm cổ đông để Ban kiểm soát đứng ra triệu tập đại hội mà không chuyển đơn để ông Triệu Xuân Nhãn khi đó là quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập họp Hội đồng quản trị xem xét quyết định là sai. Mặt khác, Ban kiểm soát trước khi triệu tập đại hội vẫn tin vào giấy từ chối không triệu tập Đại hội cổ đông bất thường của cá nhân ông Ngô Mạnh Hùng mà không xin ý kiến của ông Triệu Xuân Nhãn là vi phạm Điều 97 Luật Doanh nghiệp năm 2005. Đại hội cổ đông bất thường vi phạm nội dung thông báo số46/TB-UBND ngày 20-3-2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định vì đã đưa nội dung xử lý số tiền 878.318.000 đồng trước hết phải do Ban kiểm soát xem xét cụ thể, xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm người liên quan để thông báo kết quả cho Hội đồng quản trị biết và đề nghị Hội đồng quản trị triệu tập đại hội cổ đông bất thường để đại hội quyết định biện pháp xử lý, nếu Đại hội không quyết định được thì báo cáo đề nghị cơ quan pháp luật xem xét xử lý. Sau khi xử lý dứt điểm khoản chi 878.318.000 đồng mới tiếp tục tổ chức Đại hội bầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát mới”.

    Đại hội đã từ chối đơn của bà Trần Thị Vịnh và giấy ủy quyền của bà Trần Thị Miến. Đại hội đã không cho bà Vịnh quyền bỏ phiếu và biểu quyết trong cổ phần đã mua của bà Miến ủy quyền là làm trái khoản 3, 4, 5 Điều 87 Luật Doanh nghiệp.

    Ngoài ra, ông Triệu Xuân Nhãn còn nêu ra những sai sót về thủ tục hành chính trong Công ty cũng như việc Công ty cố tình không tổ chức đại hội thường niên, việc gửi tài liệu đại hội để xem xét xử lý số tiền 878.318.000 đồng bằng bảng kê của bà Vịnh là chưa chính xác và đầy đủ, Ban kiểm soát triệu tập đại hội còn trong thời hạn 30 ngày kể từ khi có đơn đề nghị của nhóm cổ đông cuối cùng là sai, đại hội chấp nhận 08 giấy ủy quyền không hợp lệ của cổ đông làm ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu tại đại hội, đại hội bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ chỉ có 04 năm là vi phạm Điều 109 Luật Doanh nghiệp.

    Bà Trần Thị Vịnh, bà Nguyễn Thị Sông, ông Mai Văn Khánh, bà Phạm Thị Ngọc, bà Đỗ Thị Vân, bà Nguyễn Thị Hằng nhất trí với nội dung trình bày cũng như yêu cầu hủy bỏ đại hội cổ đông bất thường của ông Triệu Xuân Nhãn.

    Ông Ngô Mạnh Hùng – người đại diện hợp pháp của bị đơn là Công ty cổ phần thương mại tổng hợp Nam Định trình bày: Công ty hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do nội bộ mất ổn định, một số phần tử luôn tìm cách phá hoại, kiện cáo khắp nơi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường của Công ty vào ngày 07-4-2007 theo yêu cầu của Ban kiểm soát và nhóm cổ đông nắm giữ 49,52% vốn điều lệ là hoàn toàn cần thiết và đúng pháp luật. Ban kiểm soát triệu tập đại hội cổ đông bất thường sau 30 ngày kể từ ngày có đơn của Ban kiếm soát và nhóm cổ đông đầu tiên là đúng và không thể căn cứ vào ngày gửi đơn của nhóm cổ đông cuối cùng. Việc bổ sung nội dung xem xét khoản chi sai nguyên tắc vượt chế độ 878.318.000 đồng vào chương trình đại hội do có yêu của nhóm cổ đông và đã thực hiện theo đúng trình tự quy định của Luật Doanh nghiệp. Các giấy ủy quyền có sai sót chỉ là những sai sót không lớn. Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị theo ý chí của các cổ đông là bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 05 năm chứng minh bằng việc khi biểu quyết sửa đổi Điều lệ công ty về nội dung này. Việc ghi các văn bản Đại hội nhiệm kỳ Hội đồng quản trị 2007-2011 là do cách hiểu tính theo năm. Đề nghị Tòa án bác các yêu cầu của các nguyên đơn, giữ nguyên Nghị quyết Đại hội cổ đông bất thường ngày 07-4-2007 của Công ty, tạo điều kiện cho Công ty nhanh chóng ổn định tổ chức, tập trung vào việc xây dựng và phát triển Công ty đảm bảo đời sống của cổ đông Công ty và gia đình của họ.

    Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số03/2007/KDTM-ST ngày 08-10-2007, Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định đã áp dụng khoản 2 Điều 152 Bộ luật dân sự năm 2005; điểm b khoản 3, 5, 7 Điều 97; khoản 2, 3, 4 Điều 99; khoản 4 Điều 102; khoản 3, 5 Điều 105; khoản 1 Điều 107; khoản 1 Điều 109; khoản 1 Điều 110; khoản 1, 2 Điều 111; khoản 4, 5 Điều 112 Luật Doanh nghiệp năm 2005; khoản 1 Điều 27 Nghị định64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần, quyết định:

    1. Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

    2. Giữ nguyên Nghị quyết đại hội cổ đông bất thường ngày 07-4-2007 của Công ty cổ phần thương mại tổng hợp tỉnh Nam Định.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyểt định về án phí và tuyên quyền kháng cáo theo luật định.

    Ngày 18-10-2007 ông Triệu Xuân Nhãn và bà Trần Thị Vịnh có đơn kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.

    XÉT THẤY

    Đơn kháng cáo ngày 18-10-2007 của ông Triệu Xuân Nhãn và bà Trần Thị Vịnh đối với bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số03/2007/KDTM-ST ngày 08-10-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định trong thời hạn luật định, đã đóng tạm ứng án phí phúc thẩm được chấp nhận để xem xét.

    Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và lời trình bày của các bên đương sự tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét thấy:

    Công ty cổ phần thương mại tổng hợp Nam Định được thành lập theo Quyết định số3546/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Thương mại tổng hợp Nam Định thành Công ty cổ phần.

    Ngày 29-02-2004 Công ty đã tiến hành đại hội đồng cổ đông thành lập, thông qua Điều lệ của Công ty, bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của Công ty phát sinh mâu thuẫn, các cổ đông bất bình. Công ty đã hai lần tổ chức đại hội cổ đông bất thường để củng cố lại tổ chức Công ty, miễn nhiệm 02 ủy viên Hội đồng quản trị là Ông Triệu Xuân Nhãn và bà Trần Thị Vịnh, bầu mới hai thành viên Hội đồng quản trị là bà Phạm Thị Thu Phương và bà Nguyễn Thị Nhung (lần 1: ngày 27-4-2005, lần 2: ngày 08-02-2006). Nhưng do Đại hội được triệu tập không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nên bị Tòa án các cấp hủy bỏ Nghị quyết đại hội đồng cổ đông.

    Sau khi có bản án phúc thẩm số253/2006/KDTM-PT ngày 22-12-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội hủy Nghị quyết đại hội cổ đông bất thường lần thứ 2 ngày 08-02-2006, nội bộ Công ty càng thêm căng thẳng, bức xúc. Ngày 09-01-2007 Ban kiểm soát Công ty có đơn đề nghị Hội đồng quản trị triệu tập Đại hội cổ đông bất thường để bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát mới.

    Ngày 10-01-2007 nhóm cổ đông sở hữu 49,52% vốn điều lệ có đơn đề nghị Hội đồng quản trị triệu tập khẩn cấp đại hội cổ đông bất thường để sửa đổi điều lệ Công ty; bãi miễn Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát cũ; bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát mới.

    Công ty cổ phần thương mại tổng hợp tỉnh Nam Định có 57 cổ đông đều là cán bộ công nhân viên của Công ty Thương mại cổ phần Nam Định cũ. Hội đồng quản trị có 3 người là ông Ngô Mạnh Hùng, ông Triệu Xuân Nhãn và bà Trần Thị Vịnh đều là cán bộ lãnh đạo Công ty cũ, cùng làm việc tại trụ sở Công ty, lẽ ra cùng đoàn kết, tập trung trí tuệ lãnh đạo vực dậy Công ty; nhưng lại mâu thuẫn, chia rẽ sâu sắc. Công văn, thông báo gửi cho nhau về việc họp Hội đồng quản trị không thể gửi trực tiếp cho nhau được mà phải gửi qua đường bưu điện bằng thư bảo đảm chuyển phát nhanh.

    Công văn số44/HĐQT-TM ngày 11-01-2007 thông báo triệu tập họp Hội đồng quản trị (lần 1) và Công văn số45/HĐQT-TM ngày 20-01-2007 (thông báo lần 2) của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngô Mạnh Hùng gửi ông Triệu Xuân Nhãn và bà Trần Thị Vịnh đề nghị họp Hội đồng quản trị để bàn bạc, giải quyết đơn yêu cầu đại hội cổ đông bất thường của Ban kiểm soát và nhóm cổ đông chiếm 49,52% vốn điều lệ, nhưng ông Nhãn và bà Vịnh có đơn gửi không đến họp; ngược lại, ngày 25-12-2006 ông Nhãn và bà Vịnh có đơn gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngô Mạnh Hùng đề nghị triệu tập họp Hội đồng quản trị, đơn được gửi qua bưu điện bằng EMS chuyển phát nhanh, nhưng bị trả lại vì ông Hùng không nhận. Ngày 10-01-2007 ông Nhãn ra thông báo họp Hội đồng quản trị mời ông Hùng đến dự họp vào ngày 15-01-2007 do ông Nhãn triệu tập. Thông báo này cũng được gửi bằng EMS, nhưng ông Hùng không nhận.

    Ngày 26-01-2007 ông Triệu Xuân Nhãn và bà Trần Thi Vịnh tổ chức cuộc họp và ra Nghị quyết bãi miễn chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Ngô Mạnh Hùng và bổ nhiệm ông Triệu Xuân Nhãn là quyền chủ tịch Hội đồng quản trị. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định Nghị quyết này không hợp pháp là chính xác, vì trong thông báo không có nội dung xem xét bãi miễn chức vụ Hội đồng quản trị, không gửi kèm theo tài liệu và phiếu biểu quyết của thành viên là vi phạm khoản 6 Điều 112 Luật Doanh nghiệp, cuộc họp chỉ có 2/3 thành viên Hội đồng quản trị là vi phạm khoản 8 Điều 112 Luật doanh nghiệp đã quy đinh: “Cuộc họp Hội đồng quản trị được tiến hành khi có từ ba phần tư tổng số thành viên trở lên dự họp”. Trong trường hợp này, cuộc họp Hội đồng quản trị phải đủ cả 3 thành viên Công ty (bảo đảm đủ từ ba phần tư tổng số thành viên trở lên) thì mới được coi là hợp lệ. Đơn kháng cáo của ông Nhãn và bà Vịnh cho rằng Quyết định bãi miễn chức Chủ tịch hội đồng quản trị của ông Ngô Mạnh Hùng là đúng Luật Doanh nghiệp là không có cơ sở, nên không được chấp nhận.

    Theo quy định tại điểm c, d khoản 3 Điều 97 Luật Doanh nghiệp thì Hội đồng quản trị phải triệu tập Đại hội bất thường trong trường hợp:

    - Theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 79 Luật Doanh nghiệp (tức là cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của Công ty).

    - Hoặc theo yêu cầu của Ban kiểm soát.

    Trong trường hợp này, ngày 10-01-2007 nhóm cổ đông nắm giữ 49,52% tổng số cổ phần của Công ty và ngày 9-10-2007 Ban kiểm soát có đơn yêu cầu Hội đồng quản trị triệu tập Đại hội cổ đông bất thường; thì theo quy định tại khoản 4 Điều 97 Luật Doanh nghiệp, Hội đồng quản trị Công ty trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày 10-01-2007 phải triệu tập đại hội cổ đông bất thường. Nhưng vì nội bộ mất đoàn kết trầm trọng; do đó, Hội đồng quản trị đã không triệu tập được đại hội cổ đông bất thường, nên ngày 07-03-2007 Ban kiểm soát đã đứng ra triệu tập được đại hội cổ đông bất thường là đúng theo quy định tại khoản 5 Điều 97 Luật Doanh nghiệp. Kháng cáo của ông Nhãn và bà Vịnh cho rằng Ban kiểm soát triệu tập đại hội sai thẩm quyền và chưa đủ 30 ngày kể từ ngày nhóm cổ đông gửi đơn cuối cùng ngày 13-02-2007 là không có cơ sở chấp nhận. Vì Luật Doanh nghiệp quy định khi có đơn của Ban kiểm soát hoặc cổ đông hay nhóm cổ đông nắm giữ 10% tổng số cổ phần trở lên yêu cầu đại hội cổ đông bất thường thì bắt buộc phải triệu tập đại hội cổ đông bất thường. Luật Doanh nghiệp không quy định phải quá 30 ngày kể từ ngày nhóm cổ đông gửi đơn cuối cùng trước ngày diễn ra đại hội thì Ban kiểm soát mới được triệu tập đại hội cổ đông bất thường.

    Rút kinh nghiệm sau 2 lần đại hội cổ đông bất thường không đúng trình tự, thủ tục theo Luật Doanh nghiệp bị Tòa án hủy bỏ; lần thứ 3 này Ban kiểm soát Công ty đã thực hiện đầy đủ, chặt chẽ theo quy định tại Điều 98 Luật Doanh nghiệp về lập danh sách cổ đông có quyền dự đại hội đồng cổ đông, Điều 99 Luật Doanh nghiệp về chương trình và nội dung họp Đại hội đồng cổ đông. Thông báo mời họp và các tài liệu gửi kèm theo được Ban kiểm soát thực hiện đầy đủ theo quy định tại Điều 100 Luật Doanh nghiệp.

    Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty cổ phần thương mại tổng hợp tỉnh Nam Định được tiến hành ngày 07-4-2007 có sự tham gia của 55 cổ đông cùng nhau nắm giữ 9.101 cổ phần, chiếm 97,89% vốn điều lệ là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Doanh nghiệp. Trong số 55 cổ đông tham dự đại hội cổ đông bất thường ngày 07-4-2007 có 35 cổ đông sở hữu 7.444 cổ phần tham dự trực tiếp; có 20 cổ đông sở hữu 1.657 cổ phần ủy quyền cho người khác tham dự đại hội thì trong đó có 8 giấy ủy quyền có sai sót như: không ghi số chứng minh thư hoặc ghi sai số chứng minh thư, không ghi số cổ phần… Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá có sai sót nhưng chỉ là những sai sót nhỏ vì những người được ủy quyền và người ủy quyền cũng như các cổ đông khác đều là cán bộ công nhân viên của Công ty, đều quen biết nhau cả. Mặt khác, trước khi mở phiên tòa sơ thẩm những người này đều đã có văn bản gửi Tòa án khẳng định ý chí tự nguyện của họ đã ủy quyền, không có khiếu nại thắc mắc gì và còn đề nghị Tòa án giữ nguyên Nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 07-4-2007 để Công ty ổn định tổ chức, giúp Công ty đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nên không thể coi các sai sót nhầm lẫn trên là nghiêm trọng làm căn cứ hủy bỏ Nghị quyết đại hội để tiến hành đại hội lại được.

    Tại đại hội cổ đông bất thường ngày 07-4-2007 ngoài chương trình đại hội được nêu trong Thông báo triệu tập đại hội cổ đông, còn bổ sung thêm nội dung đề nghị xem xét về khoản tiền 878.318.000 đồng do Lãnh đạo công ty cũ đã chi từ năm 201-2003 trước khi cổ phần hóa còn treo gác, cho là sai nguyên tắc vượt chế độ theo yêu cầu của nhóm cổ đông nắm giữ hơn 10% tổng số cổ phần là phù hợp với quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 99 Luật Doanh nghiệp; đã được đại hội thông qua đưa vào chương trình đại hội với số phiếu là 7055 cổ phần, đạt 77,52%. Đại hội cổ đông bất thường ngày 07-04-2007 của Công ty cổ phần thương mại tổng hợp Nam Định đã thông qua Điều lệ sửa đổi, bổ sung của Công ty với số phiếu 7.055 cổ phần, đạt tỷ lệ 77,52%. Nhận trách nhiệm về khoản tiền 878.318.000 đồng đã chi cho tập thể Công ty từ những năm 2001-2003 trước khi cổ phần hóa và sẽ lấy kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty những năm tiếp theo để bù đắp vào khoản chi này với số phiếu biểu quyết là 7.055 cổ phần, chiếm 77,52%; đây là sự kế thừa quyền và nghĩa vụ từ Công ty cũ, đây là ý chí và quyền quyết định của Đại hội cổ đông – cơ quan cao nhất của Công ty cổ phần cần được tôn trọng và chấp nhận. Đại hội đã bỏ phiếu bãi miễn Hội đồng quản trị cũ đạt tỷ lệ 75,12%, bãi miễn Ban kiểm soát cũ – đạt tỷ lệ 72%.

    Bầu Hội đồng quản trị mới nhiệm kỳ 2007-2011, kết quả trúng cử:

    - Ông Ngô Mạnh Hùng, đạt tỷ lệ 81,42%

    - Bà Nguyễn Thị Nhung, đạt tỷ lệ 78,95%

    - Bà Phạm Thị Thu Phương, đạt tỷ lệ 72,19%

    Bầu Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2007-2011, kết quả trúng cử:

    - Ông Nguyễn Mạnh Hùng, đạt tỷ lệ 78,62%

    - Bà Trần Thúy Vân, đạt tỷ lệ 77,53%

    - Bà Nguyễn Thị Lương, đạt tỷ lệ 76,41%

    Đại hội đã thông qua Biên bản đại hội và Nghị quyết đại hội với tỷ lệ phiếu biểu quyết 77,52%. Nghị quyết này là hợp pháp, thể hiện ý chí của đại đa số cổ đông Công ty cổ phần thương mại tổng hợp Nam Định; kháng cáo của ông Triệu Xuân Nhãn và bà Trần Thị Vịnh cho rằng nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị 2007-2011 chỉ có 4 năm là trái với Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty không có cơ sở để chấp nhận. Bởi vì đây là ý chí, nguyện vọng của Đại hội đồng cổ đông, nếu tính năm là đủ 5 năm, còn nếu tính cả tháng từ tháng 4-2007 đến hết năm 2011 là 4 năm 8 tháng, không trái với quy định tại khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp, vì Luật chỉ quy định nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị không quá 5 năm, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị không quá 5 năm. Như vậy Luật không quy định 5 năm là phải đủ 60 tháng, mà vẫn cho phép nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị không quá 5 năm.

    Kháng cáo của Ông Triệu Xuân Nhãn và bà Trần Thị Vịnh về việc Công ty không tổ chức đại hội thường niên mà lại tổ chức đại hội bất thường, thì như đã phân tích ở trên, theo quy định tại điểm c, điểm đ khoản 3 Điều 97 Luật Doanh nghiệp thì khi có đơn yêu cầu của nhóm cổ đông nắm giữ trên 10% tổng số cổ phần hoặc yêu cầu của Ban kiểm soát thì bắt buộc phải tổ chức đại hội cổ đông bất thường; Luật Doanh nghiệp không quy định phải đại hội thường niên trước rồi mới được đại hội cổ đông bất thường.

    Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: đơn kháng cáo của ông Triệu Xuân Nhãn và bà Trần Thị Vịnh không có cơ sở để chấp nhận. Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số03/2007/KDTM-ST ngày 08-10-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định là có căn cứ, đúng pháp luật cần được giữ nguyên.

    Ông Triệu Xuân Nhãn và bà Trần Thị Vịnh phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

    Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 1 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị định số 70/CP ngày 12-6-1007 của Chính phủ quy định về án phí, lệ phí Tòa án;

    QUYẾT ĐỊNH

    Bác kháng cáo của ông Triệu Xuân Nhãn và bà Trần Thị V���nh; giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số03/2007/KDTM-ST ngày 08-10-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định, quyết định:

    Bác đơn kiện của các nguyên đơn.

    - Giữ nguyên Nghị quyết đại hội cổ đông bất thường ngày 07-4-2007 của Công ty cổ phần thương mại tổng hợp tỉnh Nam Định.

    - Án phí: các nguyên đơn gồm ông Nhãn và bà Vịnh, bà Sông, ông Khánh, bà Ngọc, bà Vân, bà Hằng do ông Triệu Xuân Nhãn đại diện phải nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm 500.000 đồng, được trừ 250.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0002753 ngày 13-6-2007 của Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định, còn phải nộp 250.000 đồng.

    Ông Triệu Xuân Nhãn và bà Trần Thị Vịnh phải nộp 200.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Đối trừ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 400.000 đồng theo biên lai số 0002768 ngày 18 tháng 10 năm 2007 của Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định, được nhận lại 200.000 đồng.

    Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

    CÁC THẨM PHÁN

    Bùi Thế Linh Trần Ngọc Việt

    (Đã ký) (Đã ký)

    THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

    Trịnh Đăng Khoa

    (Đã ký)

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 24/05/2013 08:56:15 SA
     
    27518 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận