Chào bạn!
Thứ nhất, trường hợp ông M, bà D chết cùng thời điểm, chia thừa kế như thế nào?
Tại Điều 619 Bộ luật dân sự 2015 quy định: "Trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật này."
Điều 652 BLDS 2015 quy định về thừa kế thế vị: "Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống."
Theo thông tin bạn cung cấp, và căn cứ vào 2 Điều luật trên, ông M và bà D chết cùng một thời điểm nên không được thừa kế di sản của nhau; di sản của mỗi người (1,3 tỷ đồng) do người thừa kế của người đó hưởng. H là con của ông M và bà D đã chết trước M và D, nên con của H (cháu N và C) sẽ được thừa kế thế vị - được hưởng phần di sản mà H được hưởng nếu còn sống. Do ông M và bà D chết không để lại di chúc, nên di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Cụ thể:
- Đối với di sản của ông M: Người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: A và H, do H chết trước M nên 2 cháu C và N sẽ hưởng thừa kế thế vị. Di sản của M là 1,3 tỷ đồng; chia thành 02 phần, trong đó A được hưởng 650 triệu đồng, 2 cháu C và N được hưởng 650 triệu đồng (mỗi cháu được hưởng 325 triệu đồng).
- Đối với di sản của bà D: Người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: ông T, bà S, A và H; do H chết trước D nên 2 cháu C và N sẽ hưởng thừa kế thế vị. Di sản của bà D là 1,3 tỷ; chia thành 04 phần, trong đó T, S và A mỗi người được hưởng 325 triệu, 2 cháu C và N được hưởng 325 triệu đồng (mỗi cháu được hưởng 162,5 triệu đồng).
Thứ hai, nếu ông M chết trước bà D 2 ngày, việc phân chia thừa kế có gì khác?
Trường hợp ông M chết trước bà D 02 ngày, bà D sẽ được thừa kế di sản của ông M. Vậy, người thừa kế của ông M thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: A, H (02 cháu C và N sẽ thừa kế thế vị) và bà D. Di sản của M sẽ được chia thành 03 phần; trong đó, A và bà D mỗi người 01 phần, 02 cháu (C và N) hưởng 01 phần.
Lúc này, di dản của bà D là: 1,3 tỷ + 01 phần di sản hưởng thừa kế của ông M. Di sản của D được chia với tỷ lệ tương tư như phần trên.
Tóm lại, Nếu M và D chết cùng thời điểm, di sản của M chia cho A và 2 cháu (con của H); nếu M chết trước D 02 ngày, di sản của M chia cho A, D và 2 cháu (con của H). Còn phần di sản của D trong cả 02 trường hợp đều chia cho T, S, A và 2 cháu (con của H).